Breaking News

Đại lý bảo hiểm đồng loạt đệ đơn kiện Chubb Life Việt Nam ra tòa

Nhiều đại lý bảo hiểm bức xúc đã đồng loạt phản ánh và khởi kiện Chubb Life ra tòa vì bị công ty này yêu cầu bồi thường một khoản tiền mới chấm dứt hợp đồng lao động và tiến hành rút mã đại lý bảo hiểm.

Đại lý bảo hiểm đồng loạt đệ đơn kiện Chubb Life Việt Nam ra tòa

Trụ sở Chubb Life tại tầng 21, Tòa nhà Sun Wah, 115 Nguyễn Huệ, Quận 1.

Muốn chấm dứt hợp đồng phải…bồi thường tiền?

Theo đơn cầu cứu của ông Quách Anh Kiệt (ngụ Phường 5, Quận 5, TP HCM) và hồ sơ gửi báo Tuổi trẻ Thủ đô thể hiện, ngày 26/3/2018, ông Kiệt có ký “Hợp đồng điều hành và phát triển hoạt động đại lý bảo hiểm” số CHUBB-1MN01-AMD/0111097032018 (gọi tắt là

Hợp đồng) với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam (Chubb Life). Sau khi kí kết, công ty này đã cấp cho ông Kiệt một mã đại lý trên hệ thống quản lý của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.

Đến ngày 10/10/2018, ông Kiệt đơn phương kí một “Bản cam kết” gửi Chubb Life về việc ông cam kết sẽ làm việc tối thiểu 3 năm và không nghỉ việc với bất cứ lí do gì. Đồng thời, nếu vi phạm cam kết, ông Kiệt phải bồi thường cho Chubb Life một khoản tiền tương đương với tổng các khoản thu nhập mà ông đã nhận được trong 12 tháng gần nhất.

Bản cam kết và Hợp đồng giữa ông kiệt và Chubb Life

Bản cam kết và Hợp đồng giữa ông kiệt và Chubb Life

Sau đó, vì nhiều lý do, thấy không còn phù hợp với công việc tại Chubb Life nên ngày 2/12/2018, ông Kiệt đã có thông báo chấm dứt hợp đồng đại lý với công ty này.

Ngày 30/1/2019, Chubb Life gửi cho ông Kiệt Thông báo số 005/2019/TB. Trong đó, Chubb Life căn cứ vào Hợp đồng và Bản cam kết nêu trên, yêu cầu ông Kiệt phải bồi thường số tiền 901.441.666 đồng. Đáng lưu ý, thông báo cho biết, Chubb Life chỉ ban hành Quyết định chấm dứt Hợp đồng khi ông Kiệt đã hoàn thành tất cả nghĩa vụ tài chính là thanh toán số tiền trên.

Về phía ông Kiệt cho rằng, yêu cầu và cách xử lý của Chubb Life như vậy là hết sức vô lý, chèn ép. Bởi, căn cứ vào điểm d Điều 9.1 trong Hợp đồng có quy định rõ AMD (Đại lý được công ty chỉ định làm thành viên của Ban điều hành và Phát triển Kinh doanh, ở đây là ông Kiệt) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bằng cách gửi thư đến công ty ít nhất trước 15 ngày kể từ ngày muốn chấm dứt hợp đồng. Chính vì lẽ đó, ông Kiệt (AMD) cho rằng mình hoàn toàn có quyền chấm dứt Hợp đồng theo nguyện vọng và ý chí của cá nhân.

Về Bản cam kết làm việc trong 3 năm, theo hồ sơ ông Kiệt cung cấp, có những đoạn email và tin nhắn trao đổi giữa ông với Chubb Life, theo đó ông Kiệt cho rằng, Bản cam kết trên không phải do ông tự nguyện ký mà có sự tác động, thúc ép và theo mẫu hướng dẫn từ Chubb Life.

Vì quá bức xúc, ông Kiệt đã nhiều lần gửi đơn đến Chubb Life để khiếu nại và yêu cầu công ty có cách giải quyết hợp lý, đảm bảo quyền lợi, công bằng cho nhân viên.

Ông Kiệt (đứng giữa), người đang xảy ra tranh chấp với Chubb Life

Ông Kiệt (đứng giữa), người đang xảy ra tranh chấp với Chubb Life

Tuy nhiên, đáp lại Chubb Life vẫn nhất quyết không tiến hành thanh lý hợp đồng, không gỡ bỏ mã đại lí bảo hiểm của ông trên hệ thống. Theo ông Kiệt, điều này đã khiến kinh tế và công việc của ông bị ảnh hưởng nặng nề, bởi ông không thể xin được việc ở công ty bảo hiểm khác khi chưa rút mã đại lý tại Chubb Life khỏi hệ thống.

Chính vì vậy, ông Kiệt đã khởi kiện Chubb Life ra TAND Quận 1 để xử lý và vụ việc đang trong quá trình giải quyết.

Mâu thuẫn giữa Hợp đồng và Bản cam kết

Liên quan đến vụ việc trên, ngoài trường hợp của ông Kiệt, báo Tuổi trẻ Thủ đô còn nhận được phản ánh cùng lúc của 5 trường hợp khác, cũng đều vướng vào tranh chấp với Chubb Life, trong đó có 3 trường hợp cũng đã khởi kiện ra TAND Quận 1 để giải quyết.

Đặc biệt, một điểm rất “trùng hợp”, theo như hồ sơ được các “nạn nhân” cung cấp, có 4 Bản cam kết có nội dung gần tương tự ông Kiệt như trên.

Những Bản cam kết tương tự trường hợp ông Kiệt

Những Bản cam kết tương tự trường hợp ông Kiệt

Có thể thấy, Bản cam kết chính là mấu chốt của “mâu thuẫn” và tranh chấp giữa các đại lý với Chubb Life. Cụ thể, theo các văn bản thể hiện, Chubb Life đã lấy Bản cam kết làm “căn cứ” để đòi ông Kiệt và một số người khác bồi thường một khoản tiền mới tiến hành thanh lý hợp đồng và rút mã đại lý.

Tuy nhiên, điều lạ là trong tất cả các trang của các Hợp đồng lại không hề có bất cứ nội dung hay điều khoản nào có đề cập đến sự tồn tại của Bản cam kết này.

Thêm vào đó, trong Hợp đồng đã có điều khoản quy định rõ ràng là AMD được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Thế nhưng, Bản cam kết lại có điều khoản ngược lại là AMD “…không đơn phương chấm dứt hợp đồng”. Liệu điều này có đang mâu thuẫn và chồng chéo quy định giữa Hợp đồng và Bản cam kết hay không? Khi rõ ràng AMD được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng lại phải ký bản cam kết gắn bó và phải chịu bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng đó.

Bản cam kết này thực chất là gì và có giá trị pháp lý như thế nào mà Chubb Life lấy nó để làm căn cứ đòi các đại lý và ông Kiệt một khoản tiền bồi thường như vậy?

Như đã nêu trên, về phía ông Kiệt cho rằng, Bản cam kết trên có sự “tác động” của công ty chứ không phải do mọi người tự nguyện cam kết. (?!)

Những nội dung trao đổi giữa ông Kiệt và bên Chubb Life được cho rằng Bản cam kết do công ty hướng dẫn, có tác động ký, không xuất phát từ sự tự nguyện và nó nằm ngoài Hợp đồng

Những nội dung trao đổi giữa ông Kiệt và bên Chubb Life được cho rằng Bản cam kết do công ty hướng dẫn, có tác động ký, không xuất phát từ sự tự nguyện và nó nằm ngoài Hợp đồng

Liên quan vụ việc trên, ngày 10/9, Phóng viên đã đến trụ sở Chubb Life để xác minh. Tại đây, bà Trần Thị Tuyết Minh – đại diện bộ phận truyền thông của Chubb Life đã tiếp nhận nội dung thông tin và hứa sẽ phúc đáp trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, đến nay Phóng viên tiếp tục liên hệ lại nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía đơn vị này.

Trao đổi với Phóng viên, Chuyên gia bảo hiểmTrương Minh Cát Nguyên (Công tác tại Văn phòng Luật sư Tila và Cộng sự - Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết:

Thứ 1, trong Bản cam kết và trong tất cả các văn bản hợp đồng mà hai bên ký kết không có nội dung nào ghi nhận việc ông Kiệt cam kết bán sức lao động dài hạn để nhận trước một khoản tiền của Chubb Life. Điều đó nghĩa là không có mối quan hệ nhân quả nào để làm phát sinh nghĩa vụ tài chính là số tiền bồi thường trên.

Thứ 2, cần phải xác định lại mối liên quan giữa Bản cam kết và Hợp đồng. Khi đó, sẽ có hai trường hợp xảy ra.

Trường hợp 1, Bản cam kết là phụ lục không tách rời của Hợp đồng thì ông Kiệt có nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm hợp đồng theo điều 565- Bộ luật Dân sự. Hoặc nếu vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm mà gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm thì Chubb Life có thể yêu cầu ông Kiệt theo điều 88 – Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, ông Kiệt không vi phạm nghĩa vụ của bên được ủy quyền và không gây thiệt hại nào cho bên mua bảo hiểm.

Trường hợp 2, Bản cam kết là giao dịch dân sự nằm ngoài Hợp đồng thì đây là giao dịch dân sự thông thường, các quan hệ pháp luật điều chỉnh việc ông Kiệt bồi thường cho Chubb Life được quy định tại Điều 584- Bộ luật Dân sự 2015. Chubb Life không chứng minh được hành vi ông Kiệt từ chối nhận ủy quyền của Chubb Life thuộc các hành vi phải bồi thường theo quy định tại điều 584- Bộ luật Dân sự. 

Như vậy, cho dù Bản cam kết có là một bộ phận cấu thành của hợp đồng hay không thì nghĩa vụ bồi thường của ông Kiệt phải được hiểu theo các điều chỉnh pháp luật về giao dịch dân sự nói trên.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

No comments