Breaking News

Tranh chấp bảo hiểm, lỗi đâu chỉ của khách hàng



Tranh chấp bảo hiểm diễn ra ngày càng phổ biến và trong nhiều trường hợp do người mua bảo hiểm… không hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng.


Khách hàng không đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm

Theo chị Nguyễn M.H (đại lý của hãng bảo hiểm Manulife), trong quá trình tư vấn bảo hiểm, chị nhận thấy, việc khách hàng e ngại tham gia bảo hiểm hay phát sinh tranh chấp bảo hiểm đều xuất phát từ việc họ không đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm.

Việc đọc kỹ các điều khoản, quy tắc trước khi đặt bút ký là yêu cầu bắt buộc với mỗi người khi tham gia một giao kết nào đó. Vậy vì sao khách hàng mua bảo hiểm lại không đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký?

Nguyên nhân ngại đọc hợp đồng, theo nhiều khách hàng, chủ yếu là do các quy định, điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm rất phức tạp.

Các hợp đồng bảo hiểm hiện nay rất dài, có quá nhiều trang nội dung, sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, người không có kiến thức, hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực tài chính thì khó mà hiểu hết được.

Trong khi khách hàng mua bảo hiểm ở nhiều trình độ, hiểu biết khác nhau. Chưa kể, trong nhiều trường hợp, vì mua bảo hiểm từ người quen nên khách hàng được hướng dẫn “chỉ để ý mấy cái dòng loại trừ, còn những nội dung khác khi nào có vấn đề gì thì gọi tư vấn viên sau”.

Khi giải thích bảng minh họa quyền lợi, tư vấn viên chỉ chăm chăm vào cột lãi suất minh họa, mà không nêu rõ lãi suất cùng các giá trị được hưởng mang tính chắc chắn.

“Khi xảy ra tranh chấp phải đưa ra tòa phân xử, hợp đồng bảo hiểm chính là căn cứ để xử lý. Lúc này, khách hàng đành ngậm ngùi bỏ cuộc, nhưng cũng vì thế mà mất niềm tin vào bảo hiểm”, chị H. chia sẻ.

Có lỗi từ nhân viên bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm phức tạp, nhưng theo chị Trần Minh Ngọc, đại lý một công ty bảo hiểm nhân thọ, nhiều tư vấn viên không hề tư vấn cho khách, hoặc tư vấn không đúng cách, không đầy đủ.

Vậy nên, có tình trạng khách hàng đọc hợp đồng trong thời hạn 21 ngày chờ hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực đã quyết định hủy hợp đồng.

Đây được cho là thực trạng nhức nhối của lực lượng tư vấn viên trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Vấn đề là hầu hết các đại lý bảo hiểm, tư vấn viên chưa được đào tạo kiến thức cơ bản để trở thành tư vấn viên đúng nghĩa thì một số doanh nghiệp bảo hiểm đã “xua” ra thị trường để chạy doanh số.

Thường thì, một tư vấn viên cần được trang bị các kiến thức cơ bản như tính pháp lý của hợp đồng bảo hiểm (ít nhất là phải hiểu và đọc hiểu hợp đồng bảo hiểm); kiến thức về thẩm định sơ bộ, về dòng tiền.

Còn các kiến thức về sản phẩm sẽ được trang bị sau khi trở thành tư vấn viên.

Vì vậy, họ trở thành "cò bảo hiểm" chèo kéo, giành giật khách hàng là chính. Không hiểu rõ sản phẩm cũng như các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm, làm sao họ có thể giải thích, tư vấn kỹ càng cho khách hàng?

Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, hợp đồng bảo hiểm chứa đựng đầy đủ các thông tin theo quy định của pháp luật, nên đọc hết được là rất tốt.

Nếu không đọc được hết, tư vấn viên chỉ cần hướng dẫn khách hàng đọc kỹ các quyền lợi được hưởng, nghĩa vụ thanh toán và các quy định về loại trừ bảo hiểm là đã có thể tránh được những hiểu lầm cho khách hàng - nguồn cơn của nhiều vụ tranh chấp với công ty bảo hiểm.

Tất nhiên, ghi nhận từ các công ty bảo hiểm cho thấy, vẫn có những tư vấn viên giỏi, có tâm với nghề. Chỉ tiếc là đội ngũ này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng tư vấn viên trên thị trường hiện nay (thống kê chưa chính thức thì con số này là khoảng 5%).
Kim Lan

No comments