Bảo hiểm tín dụng thương mại: Kỳ vọng ở tương lai gần
Doanh thu 2018 chỉ chiếm 1,2% tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm
Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm nghiệp vụ bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính của toàn thị trường mới đạt 558 tỷ đồng, chiếm 1,2% tổng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm.
Theo Coface Việt Nam - thành viên của Tập đoàn Bảo hiểm tín dụng Coface (Pháp), hầu hết tập đoàn lớn ở Việt Nam đều nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm tín dụng thương mại, đặc biệt trong giai đoạn có nhiều biến động về kinh tế như hiện tại, nhưng nghiệp vụ này chưa nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“So với giai đoạn 2007-2008, thời điểm chúng tôi mang đơn bảo hiểm đầu tiên về Việt Nam, hiện đã có sự thay đổi lớn. Song cần phải cố gắng hơn rất nhiều để bức tranh bảo hiểm tín dụng thương mại trở nên khả quan hơn", bà Võ Thị Phương Anh, Tổng giám đốc Coface Việt Nam nói.
Ðược biết, trong số 558 tỷ đồng doanh thu nêu trên, riêng phần của Bảo Minh là 345 tỷ đồng, tức chiếm hơn 60%. Bảo Minh là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đóng góp doanh thu lớn nhất cho thị trường ở mảng nghiệp vụ này và cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên triển khai bảo hiểm tín dụng thương mại. Tiếp đến là Bảo Việt Tokyo Marine với 55 tỷ đồng, QBE là 51 tỷ đồng, UIC đạt hơn 32 tỷ đồng, PVI đạt 19 tỷ đồng, còn lại là các doanh nghiệp khác như MIC, BIC…
“Sản phẩm bảo hiểm tín dụng thương mại khó thực hiện về mặt kỹ thuật, phải rất lâu mới có kết quả. Ðây là lý do chính khiến các doanh nghiệp không mặn mà triển khai”, bà Phương Anh chia sẻ.
Theo các công ty bảo hiểm, dù đã có đầy đủ hành lang pháp lý và Bộ Tài chính cũng đã lựa chọn 7 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đề án thí điểm về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu giai đoạn 2011-2013 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu mua bảo hiểm, nhưng từ đó đến nay, không có thêm công ty bảo hiểm nào tham gia vì khó khăn về năng lực thực hiện.
“Chúng tôi cũng có sản phẩm này nhưng chưa triển khai được nhiều vì vướng một số khó khăn như phải tìm được nhà tái bảo hiểm trước, sau đó chờ khách hàng chấp nhận các yêu cầu của nhà tái hay không... Hiện doanh thu nghiệp vụ này của Công ty còn rất nhỏ, chỉ vài trăm triệu đồng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Kỳ vọng ở tương lai gần
Dù còn nhiều khó khăn để có thể khơi thông, song những nhà bảo hiểm đầu tiên khai phá phân khúc bảo hiểm tín dụng thương mại kỳ vọng thị trường này sẽ tăng trưởng hơn trong tương lai gần, đặc biệt khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đang mở ra nhiều thị trường mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Hiện tại, vấn đề khiến các doanh nghiệp xuất khẩu lấn cấn là tìm được phương thức thanh toán tối ưu và an toàn nhất. Lâu nay, phương thức thanh toán được xem là an toàn nhất cho nhà xuất khẩu chủ yếu là mở tín dụng thư (L/C), nhưng phương thức này lại hạn chế vị thế của nhà xuất khẩu khi thương thảo hợp đồng ngoại thương vì không phải người mua nào cũng đủ năng lực thực hiện và thủ tục mở L/C khá mất thời gian.
Thời gian gần đây, phương thức trả chậm được sử dụng nhiều nhờ các ưu điểm như thủ tục thanh toán nhanh, giúp người bán thúc đẩy doanh số hàng, khai thác thêm nhiều khách hàng mới... Tuy nhiên, phương thức này cũng mang đến không ít rủi ro cho người bán về mặt thanh toán, chẳng hạn người mua cố tình trì hoãn, trả không đúng cam kết, thậm chí không thanh toán do phá sản hay tình hình chính trị biến động...
“Các doanh nghiệp đã ý thức được điều này và đang tìm kiếm giải pháp. Ðây chính là cơ hội để các công ty bảo hiểm đưa ra các sản phẩm bảo hiểm tín dụng thương mại phù hợp, từ đó tạo động lực tăng trưởng mới khi thị trường các sản phẩm bảo hiểm truyền thống đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt”, bà Phương Anh nhìn nhận.
No comments