Breaking News

Lôi kéo khách hàng mới bằng hoa hồng là phạm pháp?

Sau khi đăng tải bài báo “Chia hoa hồng bảo hiểm cho khách hàng là phạm luật”, ĐTCK nhận được không ít ý kiến đa chiều từ luật sư, công ty tư vấn bảo hiểm, lãnh đạo phụ trách pháp chế và đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).



Theo ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm TILA, trước hết cần xem xét thế nào là “hoa hồng bảo hiểm”, để phân biệt và nhận dạng đúng bản chất của khoản tiền, từ đó mới có thể xem xét các trách nhiệm liên quan.

Cụ thể, theo ông Nguyên, hoa hồng là khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho bên trung gian (đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm) do thực hiện dịch vụ đại lý hoặc môi giới bảo hiểm theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật.

“Khi khoản tiền “hoa hồng bảo hiểm” được thanh toán, chuyển về tài khoản của bên trung gian thì khoản tiền đó thuộc quyền sở hữu của họ. Nếu khoản tiền này được mang ra chia một phần cho khách hàng thì đó không còn là hoa hồng bảo hiểm nữa, mà là thu nhập chịu thuế của người được nhận khoản tiền thanh toán đó”, ông Nguyên cho hay. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyên, cần xem việc sử dụng khoản tiền đó cho mục đích gì để xem xét các trách nhiệm liên quan vì nếu khoản tiền hoa hồng được mang ra để dụ dỗ, lôi kéo khách hàng của một đại lý khác thì là vi phạm pháp luật.

Đồng quan điểm, ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho rằng, pháp luật hiện nay chỉ cấm mua chuộc, lôi kéo dụ dỗ khách hàng của DNBH hoặc đại lý khác.

“Khi bán được bảo hiểm, đại lý được hưởng hoa hồng và là người toàn quyền sở hữu hoa hồng này. Quyền của người sở hữu là khai thác, sử dụng cho tặng, định đoạt số tiền của mình”, ông Lộc nói.

Một số đại lý bảo hiểm nhân thọ cũng cho rằng, nếu khoản hoa hồng nhận được được dùng để cho tặng, chia sẻ với khách hàng của mình sau đó thì điều này hoàn toàn hợp lệ, giống như việc chia sẻ trở lại với khách hàng tại các lĩnh vực kinh doanh khác như tiêu dùng, bất động sản, ngân hàng …

Về quy định pháp lý, lãnh đạo phụ trách pháp chế một DNBH cho hay, theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 23 Nghị định 41/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, hành vi rebating (hứa hẹn giảm phí bảo hiểm, hoàn phí bảo hiểm hoặc các quyền lợi khác doanh nghiệp bảo hiểm không cam kết với khách hàng) sẽ bị phạt tiền 30 triệu đồng, cùng với đó hành vi misrepresentation (thông tin quảng cáo về nội dung, điều kiện và điều khoản bảo hiểm sai sự thật) cũng như hành vi twisting (xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng hiện có để mua hợp đồng bảo hiểm mới) cũng bị phạt.

Tuy nhiên, đến Nghị định 98/2013/NĐ-CP, sau đó là Nghị định 48/2018/NĐ-CP đã bỏ hành vi rebating ra khỏi hành vi bị xử phạt, chỉ giữ 2 hành vi còn lại. Vì vậy, pháp luật Việt Nam hiện tại không xử phạt hành chính đối với hành vi rebating của đại lý.

Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Tiến Hùng, việc chi trả, sử dụng khoản "hoa hồng bảo hiểm" phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bất kỳ ai (DNBH, đại lý …) nếu làm sai đều có thể chịu trách nhiệm trước pháp luật (hành chính/hình sự). Trong quá khứ, nhiều cán bộ, nhân viên, đại lý của DNBH đã phải buộc khắc phục hậu quả. 

Vậy nhưng, nếu DNBH chi trả sai, sử dụng sai khoản tiền được gọi là "hoa hồng bảo hiểm", thì bị xử lý, còn việc đại lý sử dụng "thu nhập chịu thuế" của họ để làm gì, thì lúc này không thể gọi là "hoa hồng bảo hiểm”. 

“Muốn quy lỗi/tội cho trung gian, thì phải chứng minh được đó là khoản được gọi là "hoa hồng bảo hiểm", tức là khoản tiền từ DNBH xuất ra, chưa về đến tài khoản của đại lý”, một chuyên gia pháp lý cho hay.

Điều 23, Nghị định 98/2013/NĐ-CP: Xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về môi giới bảo hiểm
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm tại một doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài với các điều kiện, điều khoản kém cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác nhằm thu được hoa hồng môi giới cao hơn;
b) Tư vấn, giới thiệu cho bên mua bảo hiểm quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm bắt buộc không đúng quy định của pháp luật;
c) Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm không thỏa thuận bằng văn bản với bên mua bảo hiểm hoặc có thỏa thuận bằng văn bản nhưng thỏa thuận này không nêu rõ nội dung hoạt động môi giới bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Kim Lan

No comments