Bảo hiểm hàng không nhìn từ vụ China Airlines hủy chuyến
Trả theo hóa đơn thực tế, không quá 250 USD/khách lẻ
Hiện chưa có con số cụ thể về số hành khách Việt Nam cũng như quốc tế chịu thiệt hại, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện văn phòng China Airlines tại Hà Nội (đóng tại số 60 Lý Thái Tổ) cho biết, tổng số hành khách nói chung lên tới vài nghìn người.
Văn phòng này đang tiếp nhận hồ sơ yêu cầu đền bù, trong đó có nhiều chuyến bay dài từ Hawaii, New York (Mỹ)… về Việt Nam. Được biết, hãng bay này từng bị đình công tương tự vào năm 2016.
Sau khi thông báo hủy chuyến, China Airlines đã thu xếp nơi nghỉ ngơi, đặt bù chặng bay mới cho hành khách thông qua các hãng hàng không khác nhằm đảm bảo hành trình cho hành khách.
Chị Đỗ Thị Kim Lan (Vinhomes Thăng Long, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, hãng đã đặt khách sạn cho gia đình chị ở New York thêm 1 đêm, sau đó bay bằng hãng hàng không mới là Aseana. Hành trình của chị bị trễ 12 giờ so với kế hoạch ban đầu.
Về vấn đề đền bù, trong thông báo gửi hành khách, China Airlines không công bố chi tiết các chính sách bồi thường. Giải thích điều này, vị đại diện trên cho biết, theo Luật Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, "bãi công" là lý do nằm ngoài tầm kiểm soát, không thuộc phạm vi trách nhiệm của hãng.
Dù vậy, China Airlines vẫn cam kết đền bù theo hóa đơn thực tế các chi phí giao thông, ăn ở phát sinh do bãi công, bất kể là hành khách theo đoàn hay khách lẻ, nhưng mức đền bù tối đa đối với khách lẻ là 250 USD/người.
Được bồi thường thêm nếu mua bảo hiểm du lịch quốc tế
Trong vụ việc của China Airlines, ngoài chính sách bồi thường của hãng hàng không, hành khách Việt Nam còn có thể được bồi thường bảo hiểm nếu mua bảo hiểm du lịch quốc tế.
Chị Lan cho biết, gia đình chị gồm 4 người đã mua bảo hiểm du lịch quốc tế của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với tổng phí đóng là 1.573.200 đồng. Theo giấy chứng nhận bảo hiểm, trường hợp bị cắt bớt hay hủy bỏ chuyến đi sẽ được đền bù 4.000 USD, còn hoãn chuyến đi được bồi thường 500 USD. Hiện chị đang thu thập các chứng từ liên quan để gửi bên bảo hiểm yêu cầu bồi thường.
Liên quan đến sự cố hủy bay của China Airlines, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên lạc với một số công ty bảo hiểm để tìm hiểu thông tin. Bảo hiểm Bảo Việt và PTI cho biết, đến nay vẫn chưa nhận được giấy yêu cầu bồi thường bảo hiểm của hành khách nào.
Còn thông tin từ PVI cho hay, với sản phẩm bảo hiểm du lịch quốc tế, nhà bảo hiểm này mới cung cấp cho hành khách của Vietnam Airlines, mà chưa cấp cho hành khách của China Airlines. Cũng theo PVI, thông thường, những khách lẻ gặp sự cố sau khi kết thúc hành trình một thời gian mới gửi giấy yêu cầu bồi thường.
Một điều quan trọng liên quan đến sản phẩm bảo hiểm du lịch quốc tế mà gần như khách hàng không biết đến, trong khi công ty bảo hiểm cũng không chủ động cung cấp, đó là bộ quy tắc bảo hiểm du lịch quốc tế mới.
Đây là văn bản quy định rõ ràng các quyền lợi được hưởng, cùng các điều khoản loại trừ, còn giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ ghi nhận chung chung về các quyền lợi mà khách hàng được hưởng khi xảy ra sự cố.
Chẳng hạn, tại PTI, căn cứ vào bộ quy tắc điều khoản thì hành khách sẽ không được bồi thường trong một số trường hợp như hãng vận chuyển hủy chuyến đi, hoặc đã được khách sạn, hãng hàng không, công ty lữ hành hay các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú chi trả... Như vậy, mức 4.000 USD bồi thương như đã nêu ở trên sẽ không được áp dụng.
Trong trường hợp chuyến bay bị trì hoãn ở nước ngoài do bãi công thì được bồi thường tối đa 125 USD cho 12 giờ liên tục bị trì hoãn, hoặc tối đa 500 USD nếu phát sinh chi phí đi lại (với điều kiện người được bảo hiểm phải thay đổi tuyến đi do bị hủy bỏ xác nhận giữ vé trước đây). Ngoài ra, nếu chuyến đi bị hủy bỏ trước ngày khởi hành cũng có thể không được bồi thường…
No comments