Breaking News

Hủy thầu và khoảng trống trách nhiệm bảo hiểm

Hủy thầu và khoảng trống trách nhiệm bảo hiểm

Sau 6 tháng, một chủ thầu mới chốt xong nhà thầu - là nhà bảo hiểm cho số lượng lớn ô tô.
 
Vài năm gần đây diễn ra không ít trường hợp chủ thầu buộc phải hủy thầu do những tranh cãi, thậm chí là cuộc chiến không khoan nhượng giữa các nhà thầu trong vụ đấu thầu.
Chuyện hủy thầu
Sau 6 tháng chờ đợi, đến tháng 9/2018, chủ thầu là một đơn vị trực thuộc tổng cục của một bộ quy mô lớn mới chốt xong nhà thầu - là nhà bảo hiểm cho số lượng lớn ô tô với giá gói thầu trên 14 tỷ đồng.
Lý do 6 tháng mới chốt xong nhà thầu là bởi hồ sơ mời thầu vào tháng 3/2018 gây tranh cãi, sau đó điều chỉnh hồ sơ thầu, nhưng rồi buộc phải hủy thầu và chuyển sang hình thức chỉ định thầu.
Tranh cãi bắt đầu từ việc đại diện nhà thầu phản ánh hồ sơ mời thầu có một số tiêu chí không rõ ràng, dẫn đến lo ngại bên mời thầu có thể tạo điều kiện cho một nhà thầu nào đó trong quá trình chấm thầu.
Đại diện của liên danh nhà thầu này cũng đã có văn bản gửi bên mời thầu ngay tại lễ mở thầu, trong đó nêu rõ một số tiêu chí về tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm tại hồ sơ mời thầu không đúng với Thông tư 14/2016/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời nêu một số thắc mắc về tính thống nhất của các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật.
Ngay tại lễ mở thầu, đại diện bên mời thầu đã giải đáp các thắc mắc của nhà thầu và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét ý kiến của các nhà thầu và cuối cùng buộc phải hủy thầu.
Việc doanh nghiệp bảo hiểm trong vai trò là nhà thầu tìm mọi cách để thắng thầu theo kiểu cạnh tranh không lành mạnh và sau đó buộc phải hủy thầu không phải hiếm, nhất là với các vụ thầu lớn, giá gói thầu lên tới vài chục tỷ đồng.
Vừa qua, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được phản ánh của một nhà thầu cho biết, hồ sơ mời thầu gói thầu mua bảo hiểm tàu thuyền của một đơn vị cấp cục có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật, không rõ ràng, minh bạch. Nhà thầu này cũng lo ngại bị loại trực tiếp, vì một số tiêu chí trong hồ sơ mời thầu có ý tạo điều kiện để một nhà thầu khác vào mở hồ sơ đề xuất tài chính.
Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với đại diện đơn vị mời thầu và được biết, bên mời thầu đã có công văn phúc đáp nhà thầu và khẳng định, hồ sơ mời thầu không có nội dung trái luật.
“Trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn nên công bằng và đúng luật”, đại diện đơn vị mời thầu nói.
Chiều 28/11/2018, vụ thầu trên được mở, nhưng kết quả như thế nào sẽ được công bố trong… một thời gian nữa.
Khoảng trống trách nhiệm bảo hiểm
Trước phản ứng của một số nhà thầu, việc các chủ đầu tư có quyết định gia hạn thời gian đóng, mở thầu và sửa hồ sơ mời thầu, thậm chí buộc phải hủy thầu đã và đang xảy ra.
Hệ lụy của câu chuyện này không chỉ khiến việc đấu thầu trở nên vô nghĩa, mà chính người trong cuộc cũng phải thừa nhận cạnh tranh không lành mạnh sẽ khiến mức giá (phí bảo hiểm) thu về bị ép mạnh xuống, điều khoản bảo hiểm thì mở rộng thêm. Khi rủi ro xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị thua lỗ, năng lực hoạt động suy giảm.
Điều đáng nói, theo các nhà thầu, hệ lụy trước tiên đó là khoảng trống về trách nhiệm bảo hiểm, nghĩa là tài sản của chủ thầu sẽ không có ai đứng ra bảo vệ, do không có nhà bảo hiểm trong một khoảng thời gian nhất định cho đến khi chính thức tìm được nhà bảo hiểm.
“Cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà thầu khiến giá bỏ thầu ngày càng thấp, thậm chí có trường hợp bỏ giá bằng 1/5 so với phí dự toán. Nhưng nguy hại hơn, không chỉ họ bị thiệt hại mà còn gây ảnh hưởng cho các nhà thầu. Ai sẽ bảo hiểm cho nhà thầu nếu không may xảy ra sự cố lớn bất thường khi không có nhà bảo hiểm bên cạnh”, đại diện một nhà thầu từng tham gia một gói thầu bị hủy nói.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, sau khi bắt đầu ra thông báo mời thầu, có gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước phải mất gần 1 năm, chủ thầu mới chọn xong nhà bảo hiểm do giá trị gói thầu lớn và liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau, trong khi hợp đồng mua bảo hiểm đã hết hạn từ lâu.
Trong khoảng thời gian chưa chọn được nhà bảo hiểm, chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa, bởi nếu rủi ro xảy ra sẽ phải tự chi trả số tiền thiệt hại trong khi ngân sách dự trù để mua bảo hiểm có mà không thể mua được.
Kim Lan

No comments