Thị phần doanh thu phí bảo hiểm mới: Bám sát từng li
Dù doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới riêng tháng 9/2018 có biến động do sự vươn lên của Manulife, nhưng nếu tính tổng doanh thu phí khai thác bảo hiểm mới 9 tháng năm 2018, Bảo Việt vẫn giữ vị trí số 1, tiếp theo là Dai-ichi Life Việt Nam, Prudential, Manulife Việt Nam, AIA Việt Nam…, theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Trong đó, Dai-ichi Life Việt Nam và MB Ageas Life là hai thương hiệu tạo dấu ấn mạnh về tăng trưởng doanh thu khai thác mới trong 9 tháng năm 2018.
Nếu Dai-ichi Life Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 về tổng thị phần khai thác mới, thì MB Ageas Life cũng ngoạn mục vượt qua nhiều thương hiệu để nằm trong nhóm 9 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thị phần khai thác mới lớn nhất thị trường.
Theo đó, phí bảo hiểm quy năm của MB Ageas Life trong 9 tháng năm 2018 là 602,6 tỷ đồng, vượt 63% so với kế hoạch. Đáng chú ý, kênh bancassurance đóng góp 526,5 tỷ đồng, vượt 101% kế hoạch 9 tháng năm 2018.
CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nhìn nhận, cuộc đua cạnh tranh thị phần diễn ra quyết liệt không chỉ giữa các công ty bảo hiểm thuộc nhóm dẫn dầu, mà còn rất gay gắt tại các doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn, khi các công ty này mạnh tay đầu tư nhiều hơn cho hệ thống văn phòng, cũng như ứng dụng công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2018, Hanwha Life Việt Nam đã liên tục mở rộng mạng lưới văn phòng tổng đại lý và văn phòng kinh doanh với tổng số hiện đạt trên 120 điểm giao dịch trên khắp cả nước.
Cùng với việc phát triển kênh đại lý truyền thống, Công ty cũng tăng cường hợp tác với các đại lý tổ chức (Corporate Agency) mới như B.O.M Finance và Worldlink.
Bên cạnh đó, hãng bảo hiểm đến từ Hàn Quốc này cũng vừa triển khai “Hệ thống xử lý bồi thường tự động - JetClaims” cho phép xử lý và phê duyệt bồi thường ngay tại các quầy phục vụ khách hàng.
Chương trình này đang đưa Hanwha Life trở thành công ty ứng dụng xử lý bồi thường tự động đầu tiên và có thời gian quyết định cho 1 trường hợp bồi thường nhanh nhất.
Song song với chương trình JetClaims, Hanwha Life Việt Nam cũng đầu tư và xây dựng hệ thống E-Submission, giúp đại lý nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến; hỗ trợ xử lý hoạt động đánh giá trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm, đồng thời trợ giúp hệ thống kinh doanh trong việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Trong tương lai, khi đi vào hoạt động, E-submission không chỉ dành riêng cho đại lý mà sẽ mở rộng sang với đối tượng khách hàng.
Với những bước đi này, 9 tháng năm 2018, Hanwha Life Việt Nam đạt 587 tỷ đồng doanh thu phí mới, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này giúp thị phần hiện tại của Hanwha Life tiếp tục nâng cao và duy trì trên mức 3,1%.
Trong khi đó, ngoài 1.000 điểm thanh toán trực tiếp tại các điểm giao dịch của ngân hàng BIDV, từ trung tuần tháng 10/2018, khách hàng của BIDV MetLife sẽ có thể thanh toán tại hơn 7.000 địa điểm mới bao gồm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/7 gần nơi ở nhất, hoặc thanh toán trực tuyến qua web và ứng dụng di động.
“Khách hàng hiện nay yêu cầu cao về tốc độ, sự tiện lợi và an toàn trong mọi dịch vụ. Các công ty bảo hiểm nhân thọ với phương châm đặt khách hàng làm trọng tâm như chúng tôi cần phải đáp ứng yêu cầu này và liên tục phát triển trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khác biệt cho khách hàng”, ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV MetLife cho biết.
Đáng chú ý, chia sẻ với truyền thông mới đây, đại diện bảo hiểm VCLI cho biết, với mục tiêu trở thành công ty bảo hiểm theo mô hình liên kết ngân hàng dẫn đầu trên thị trường vào năm 2020 và chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trong lĩnh vực bảo hiểm tín dụng, VCLI đang thực hiện những dự án lớn về công nghệ, quản lý và nghiên cứu thị trường, với sự hỗ trợ từ chuyên gia bảo hiểm quốc tế BNP Paribas Cardif.
Theo bà Yong Lai Yin, Tổng giám đốc VCLI, Công ty sẽ tiếp tục tập trung triển khai các dự án số hóa dịch vụ khách hàng, cải tiến quy trình vận hành, nghiên cứu thị trường và kiến tạo nhiều sản phẩm mới để đem lại những lợi ích và chất lượng dịch vụ cao nhất…
No comments