Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dùng công nghệ tiếp cận khách hàng
Theo số liệu từ Bản tin thị trường bảo hiểm toàn cầu của Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 44.364,08 tỷ đồng, tăng 33,68% so với cùng kỳ năm 2017.
Con số tăng trưởng doanh thu phí ở mức 30% đã liên tục được duy trì trong thời gian gần đây cho thấy tiềm năng của thị trường và nỗ lực đầu tư khai thác của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là việc đầu tư vào công nghệ để tăng cường sự kết nối, tương tác với khách hàng...
Có thể nói, tốc độ tăng trưởng liên tục của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam là điều mong ước ở nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông hay Singapore…, tuy nhiên, nếu so về mức đóng góp trên GDP thì doanh thu từ ngành bảo hiểm còn rất khiêm tốn, chỉ vào khoảng 1% GDP, trong khi con số này ở các thị trường khác như Thái Lan cũng đạt 4%, Indonesia trên 2%...
“Khoảng trống về bảo hiểm nhân thọ của thị trường còn rất lớn và kiến thức về bảo hiểm nhân thọ của người dân vẫn là rào cản lớn nhất khiến cầu và cung của ngành này còn cách xa”, phó tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn trên thị trường chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán và cho biết thêm, hiện tại, sự bùng nổ công nghệ và việc phát triển ứng dụng công nghệ đang giúp các doanh nghiệp bảo hiểm rút ngắn dần khoảng cách và tương tác nhiều hơn với khách hàng.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam, trong những năm qua, Prudential đã có nhiều thay đổi và đang tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ để tiếp cận khách hàng.
Prubox, chatbox trên Facebook, nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết bồi thường 24/7 trên ứng dụng nhắn tin Zalo, bán sản phẩm bảo hiểm ung thư hoàn toàn qua kênh trực tuyến… là những bước chuyển đổi nhanh chóng của hãng bảo hiểm có thị phần lớn thứ 2 thị trường và có thế mạnh về kênh bán hàng truyền thống này.
“Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển và đang trong giai đoạn thay đổi nhanh chóng. Nhu cầu của khách hàng ngày càng khắt khe, họ không muốn những bộ hợp đồng dày cộp với quá nhiều thủ tục.
Do đó, Prudential đang nỗ lực ứng dụng công nghệ để tăng trải nghiệm mới cho khách hàng”, ông Clive Baker, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam chia sẻ.
Trong khi đó, công nghệ kỹ thuật số cũng là chiến lược trọng điểm ngay từ những ngày đầu của hãng bảo hiểm non trẻ FWD và đang dần trở thành thế mạnh của doanh nghiệp này.
Sau hơn 2 năm hoạt động, FWD đã không ngừng tận dụng lợi thế công nghệ để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ bảo hiểm khác biệt, từ bán các sản phẩm bảo hiểm trực tuyến đến phát triển thương hiệu (digital marketing).
Theo bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam, xu hướng của thời đại là người tiêu dùng muốn giải quyết mọi thủ tục nhanh chóng, tức thời.
Do đó, việc đầu tư vào công nghệ sẽ giải quyết được nhiều mục đích như phục vụ khách hàng hiệu quả, mang đến những công cụ hiện đại, tiện lợi cho đội ngũ bán hàng; phát triển thương hiệu; giới thiệu sản phẩm và tiếp cận khách hàng tiềm năng; giảm sức người nhưng tăng cường hiệu quả cho doanh nghiệp.
“Ngay cả khi kỳ vọng từ doanh thu bảo hiểm trực tuyến chưa cao, thì việc đầu tư vào công nghệ cũng có nhiều lợi ích khác nhau. Do đó, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm sẽ lựa chọn chiến lược đầu tư công nghệ phù hợp với mục tiêu của riêng mình”, bà Tina Nguyễn cho biết. Theo đó, tại Generali Việt Nam, Công ty đang đầu tư mạnh vào công nghệ và ứng dụng Genvita để tạo ra “dịch vụ một cửa”.
No comments