Breaking News

BHXH Việt Nam: Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Trong quý III/2018, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố và các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm về cải cách hành chính của ngành. Do đó, công tác cải cách hành chính của BHXH Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bộ phận một cửa BHXH quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Bộ phận một cửa BHXH quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh:Hà Phương
Nhiều kết quả tích cực
Về thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), BHXH Việt Nam cho biết, trong tháng 7/2018, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-BHXH sửa đổi, bổ sung một số điều quy trình thu; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT. Đồng thời, cơ quan này cũng ban hành Quyết định 929/2018/QĐ-BHXH công bố Bộ TTHC được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. BHXH Việt Nam cũng đồng ý với đề xuất của BHXH TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM), kể từ ngày 1/7/2018, người tham gia BHYT trên địa bàn TP.HCM được cấp lại, đổi thẻ BHYT mà không phụ thuộc vào nơi cấp thẻ BHYT ban đầu. BHXH TP. HCM phân cấp cho BHXH các quận, huyện và văn phòng BHXH thành phố thực hiện cấp lại, đổi thẻ cho người tham gia BHYT thuộc các đối tượng người có công, hưu trí, cận nghèo, hộ gia đình..., có thể lập hồ sơ cấp lại thẻ BHYT do điều chỉnh thông tin trên thẻ; đổi mã quyền lợi hưởng BHYT; mất, hỏng... nộp tại bất kỳ cơ quan BHXH quận, huyện nào hoặc văn phòng BHXH thành phố.
Ngành BHXH cũng tiếp tục triển khai hệ thống các phần mềm nghiệp vụ; kiện toàn hệ thống chăm sóc khách hàng để hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chế độ chính sách về BHXH cho người dân và doanh nghiệp; nâng cấp Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT. Đồng thời tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy trình nghiệp vụ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt các thủ tục không cần thiết cho người hưởng…
Trong quý III, các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đã được các đơn vị nghiệp vụ và BHXH địa phương giải quyết kịp thời, đúng quy định, cập nhật thông tin đầy đủ trên hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ. Bên cạnh đó, đã thực hiện công bố công khai TTHC của ngành theo quy định của Chính phủ; công khai trên trang TTĐT của ngành và tổ chức niêm yết tại Phòng Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC của cơ quan BHXH tỉnh, bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC của cơ quan BHXH huyện. Đồng thời, duy trì việc tổ chức bộ phận “một cửa” tại BHXH cấp tỉnh, cấp huyện để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân và vận hành có hiệu quả hệ thống “Một cửa điện tử tập trung” trên cơ sở phần mềm “Tiếp nhận và quản lý hồ sơ” để quản lý, theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC về lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam), quá trình cải cách TTHC của ngành BHXH đã đem đến nhiều lợi ích và sự hài lòng cho người lao động, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, người dân thuận lợi khi giao dịch do TTHC thường xuyên được rà soát, đơn giản hóa, kịp thời niêm yết công khai, cụ thể, rõ ràng. Người dân và doanh nghiệp không cần đi đến cơ quan BHXH để giao dịch nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC nhờ việc đăng ký, thực hiện giao dịch điện tử, chuyển phát hồ sơ qua dịch  vụ bưu chính. Qua đó, không phải mất thời gian đi lại, chờ đợi nộp hồ sơ, giảm được phần lớn số giờ thực hiện thủ tục BHXH. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ thông tin đầy đủ về lập và nộp hồ sơ, được giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp qua hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng. Đồng thời, tình trạng chậm muộn hồ sơ được tối giản sau khi triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC.
Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cũng khẳng định, hiện vẫn còn một số hạn chế mà ngành cần tập trung khắc phục. Tại một số BHXH cấp huyện vẫn để xảy ra việc hướng dẫn người thụ hưởng chế độ BHXH về thủ tục hồ sơ chưa đầy đủ, gây phiền hà, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. Hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) chưa thực sự đồng bộ ảnh hưởng đến hiệu quả của việc giao dịch điện tử, nhất là trong lĩnh vực giám định BHYT… Do đó, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ triển khai có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn các chỉ số, chỉ tiêu thuộc phạm vi quản lý của BHXH Việt Nam được nêu tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP. Thực hiện đẩy mạnh việc cải cách, đơn giản hóa TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 19-NQ/TW; Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2018…
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực nghiệp vụ của ngành, nhằm khai thác, chia sẻ thông tin dữ liệu cho các đơn vị liên quan và BHXH các tỉnh, thành phố; kết nối với các đơn vị ngoài ngành theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách cải cách trong lĩnh vực BHXH; vận hành có hiệu quả Hệ thống hỗ trợ, tư vấn, giải đáp chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và xây dựng phương pháp đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của ngành.
Hà My

No comments