Bảo hiểm nhân thọ: Làm mới chiến lược phát triển thời 4.0
Với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, ngành bảo hiểm nhân thọ đang thay đổi mạnh mẽ từ hình ảnh tới dịch vụ.
Không chỉ các dịch vụ và nhu cầu của khách hàng ngày càng được đáp ứng nhanh gọn dưới sự “trợ giúp” của các ứng dụng công nghệ (gửi yêu cầu và giải quyết bồi thường trong ngày với một số sản phẩm bảo hiểm cơ bản), hình ảnh văn phòng của các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng được thay đổi theo hướng tươi mới, với không gian mở và thân thiện hơn.
Là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ tiên phong trong việc làm mới mình, AIA Việt Nam đã gần như hoàn thiện chiến lược tái định nghĩa về hình ảnh nhà bảo hiểm, với hệ thống văn phòng làm việc cho nhân viên cũng như đại lý/tư vấn bảo hiểm hiện đại, trẻ trung và sáng tạo, vừa làm việc vừa có thể giải trí...
Với Generali Việt Nam, không chỉ thay đổi hình ảnh thiết kế hiện đại với nhiều khoảng không gian mở ở trụ sở và các văn phòng, thiết kế sáng tạo, thoát khỏi mô hình văn phòng thông thường, GenCasa (Casa nghĩa là “ngôi nhà nhỏ” trong tiếng Ý) là nơi khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo và nhiệt huyết của đội ngũ tư vấn bảo hiểm của hãng bảo hiểm hiểm này, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng mối quan hệ mật thiết với khách hàng và phục vụ khách hàng tốt nhất.
Không kể công ty bảo hiểm cũ hay mới, thay đổi và định vị lại hình ảnh là chiến lược mà hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ như Prudential, Manulife, Chubb Life hay FWD… đang thực hiện. Song song với đó là phát triển dịch vụ, sản phẩm dành riêng cho các đối tượng khách hàng riêng biệt.
“Trong thời đại 4.0, ngành bảo hiểm nhân thọ đang có nhiều cơ hội hơn bao giờ hết. Công nghệ phát triển giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, từ khâu bán hàng, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, đến tương tác với khách hàng”, ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) nhìn nhận.
Theo đại diện IAV, với 18 công ty bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường hiện nay, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2017 đạt 66.230 tỷ đồng (xấp xỉ 3 tỷ USD). Mỗi năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tăng trưởng khoảng 30%, tức tăng gấp đôi sau mỗi 3 năm.
“Thống kê trên cho thấy, tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam là rất nhanh, dù khá non trẻ. Dẫu vậy, chúng ta vẫn chưa khai thác tối đa tiềm năng thị trường”, ông Dũng nói và cho biết,
Với khoảng 8% người dân cả nước tham gia bảo hiểm nhân thọ, nếu chia tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ theo đầu người thì trung bình một người dân chi tiêu khoảng 32 USD để mua bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP của Việt Nam hiện đạt khoảng 1,3%. So với mặt bằng chung của thế giới, con số này còn quá khiêm tốn.
Chẳng hạn, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP của Đài Loan xấp xỉ 22%, Hàn Quốc trên 11% . Tại Mỹ, chỉ tính riêng tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đã trên 547 tỷ USD, gấp khoảng 2,5 lần GDP Việt Nam; còn Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt là 318 tỷ USD và 307 tỷ USD, gấp khoảng 1,5 lần...
Với 18 công ty bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường hiện nay, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2017 đạt 66.230 tỷ đồng (xấp xỉ 3 tỷ USD). Mỗi năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tăng trưởng khoảng 30%, tức tăng gấp đôi sau mỗi 3 năm.
“Nhận thức về vai trò của bảo hiểm nhân thọ ngày càng được nâng cao khi nhiều người thấy được ý nghĩa thiết thực của bảo hiểm.
Mặt khác, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, tốc độ già hóa cao của dân số Việt Nam khiến lượng người cao tuổi ngày một tăng nhanh - đây là các đối tượng rất quan trọng đối với ngành bảo hiểm nhân thọ", ông Dũng nhấn mạnh khi đánh giá về tiềm năng, cũng như cơ hội của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện IAV cũng cho rằng, thách thức đang ngày một lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nếu không có sự cải tiến thì sẽ bị tụt hậu. Trên thực tế, người tham gia bảo hiểm có thể sử dụng công nghệ để đối phó, thậm chí "lừa" lại doanh nghiệp có sản phẩm bảo hiểm phụ thuộc vào công nghệ...
“Với ngành bảo hiểm nhân thọ trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, khái niệm 'cá lớn nuốt cá bé' sẽ dần mai một, mà thay vào đó là 'cá nhanh đớp cá chậm'...”, ông Dũng ví von.
No comments