Breaking News

Hưởng BHXH một lần là tiêu trước phần để dành khi về già

Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH có sự đóng góp của người lao động (NLĐ) và chủ sử dụng lao động cho họ khi còn trẻ, chính là “của để dành” của NLĐ khi về già.

Chi trả lương hưu tại Bình Lục - Hà Nam. Ảnh: BHXH Hà Nam
Chi trả lương hưu tại Bình Lục - Hà Nam. Ảnh: BHXH Hà Nam
Do đó, không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống lại nhận BHXH một lần - tiêu trước phần để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, không còn sức lao động khi về già của bản thân.
Mỗi năm từ 600.000 - 700.000 NLĐ rời hệ thống an sinh xã hội
Ông Đào Việt Ánh cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 600.000 - 700.000 người hưởng BHXH một lần - một con số tương đối lớn. Thực trạng này không có xu hướng giảm mà ngày càng gia tăng. Chỉ tính riêng trong 8 tháng năm 2018,  số lượng người hưởng BHXH một lần cũng khoảng 470.000 người, tức cũng khoảng số đó rời khỏi hệ thống an sinh xã hội. Trong số đó có rất nhiều lao động hơn 35 tuổi trong các doanh nghiệp (DN) da giầy, may mặc, do bị mất việc nên hưởng BHXH một lần.
Về tình trạng này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, xu hướng hưởng BHXH một lần sau tuổi 35 là có thật. Hiện nay, những DN có sử dụng đông lao động như ngành dệt may, da giày, thủy sản, công nhân sau tuổi 35 rất khó có điều kiện đáp ứng yêu cầu do càng có tuổi thì sức khỏe càng giảm sút, độ nhanh nhạy kém đi, không chịu được môi trường làm việc nên họ phải tự xin thôi việc để tìm một công việc khác. Ngoài ra, một số DN cũng tìm mọi cách sa thải đối tượng lao động này, bởi khi NLĐ có tuổi, tức thời gian làm việc càng lâu đồng nghĩa mức đóng BHXH, chi phí cho họ cao hơn lao động mới. Vì vậy, nhiều DN tìm mọi cách, bao gồm cả hỗ trợ, khuyến khích trước mắt để NLĐ tự nguyện ra khỏi khu vực lao động. Theo ông Quảng, những lao động này khi nghỉ việc rất khó quay trở lại khu vực có quan hệ lao động nên số người nhận trợ cấp BHXH một lần nhiều cũng ở trong nhóm này.
Theo ông Đào Việt Ánh, mục tiêu của chính sách là BHXH toàn dân, Quỹ BHXH được xây dựng từ sự đóng góp của NLĐ cùng người sử dụng lao động nhằm đảm bảo an sinh lâu dài cho NLĐ. Xu hướng nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ khi hết tuổi lao động.
Cân nhắc khi hưởng BHXH một lần
Trong nhiều năm qua, kể từ khi chính sách BHXH được thực hiện, mức lương hưu cũng không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung của toàn xã hội. Vào các thời điểm tăng mức lương tối thiểu chung cũng như việc xem xét chỉ số giả cả, Nhà nước đều có sự điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý.
Cùng với quyền lợi về lương hưu, khi NLĐ về hưu còn được cấp thẻ BHYT (mức chi bằng 4,5% mức lương hưu), không may ốm đau được thanh toán và có trường hợp khi đi khám chữa bệnh đã được quỹ thanh toán số tiền hàng tỷ đồng. Khi qua đời, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm NLĐ chết. Thân nhân còn được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng; trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì tối đa được 4 định suất, trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già hưởng cho đến khi qua đời. Theo tính toán của các chuyên gia, với những quy định về đóng - hưởng BHXH như hiện nay, một NLĐ tham gia BHXH thì số tiền tích lũy được (đã bao gồm cả tiền lãi) chỉ đủ để chi trả lương hưu cho chính người đó từ 8 - 10 năm. Như vậy, với kỳ vọng sống của những người sống sau độ tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam hiện nay là khoảng 20 năm thì rõ ràng quyền lợi mà NLĐ đang được hưởng là rất lớn.
Trước thực trạng này, Nghị quyết số 28/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã đưa ra biện pháp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXH, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài.
Phân tích điều này, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Luật BHXH quy định, NLĐ đóng 8% và DN đóng cho NLĐ 14% (đây là trách nhiệm xã hội của DN đối với NLĐ, chi phí này được đảm bảo hạch toán trong giá thành sản phẩm và được trừ thuế thu nhập DN). Theo đó, NLĐ muốn hưởng BHXH một lần cũng được nhưng sẽ chỉ được lấy 8% mà mình đã đóng, 14% của DN đóng cho NLĐ sẽ được giữ lại để tăng trưởng quỹ BHXH. Điều quan trọng ở đây là phải tuyên truyền cho NLĐ tự nhận thức thấy việc hưởng BHXH một lần là không nên, bảo lưu thời gian đóng sau khi có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH để được đảm bảo an sinh xã hội khi về già là tối ưu nhất.
Mặt khác, hiện trên thực tế đang có rất nhiều người đã xin hưởng chế độ BHXH một lần muốn xin nộp lại, tiếp tục tham gia số năm còn thiếu để hưởng lương hưu. Nhưng hiện Luật BHXH chưa có quy định hồi tố cho việc này. Do vậy, để đảm bảo an sinh cho người dân khi đã nhận ra giá trị ưu việt của chính sách BHXH, cũng nên xem xét, thiết kế bổ sung điều kiện hồi tố với những trường hợp đã hưởng BHXH một lần có nhu cầu tiếp tục tham gia BHXH.
Mai Lâm