Breaking News

Ở đời có 3 điều tiếc: Một là hôm nay bỏ qua, hai là đời này chẳng học, ba là thân này lỡ hư

Đới Danh Thế, nhà sử học tài năng nức tiếng từng đỗ Tiến sỹ thời vua Khang Hy – triều đại nhà Thanh, đương thời ông được bổ dụng làm quan chuyên trách viết lịch sử, về sau Đới Danh Thế bị triều đình khép tội vì nội dung chính sử mà ông viết có hàm ý tôn vinh nhà Minh.
Tác phẩm cũng như bút tích của Đới Danh Thế hiện nay còn sót lại không nhiều, trong đó có một bài viết kể về “Làng say” phản ánh góc nhìn rất thâm thúy và độc đáo của tác giả trước thực trạng bê tha, chè chén, “nhậu nhẹt” trong xã hội đương thời. Mặc dù bối cảnh lịch sử và đời sống thời bấy giờ khá khác biệt so với ngày nay, nhưng qua lời kể của ông, người đọc vẫn có thể cảm nhận được những thông điệp và triết lý nhân văn sâu sắc, dưới đây là trích lược nội dung chính của câu chuyện:
“Ngày trước, ta thường đến một làng kia, vừa bước chân vào thì chếnh choáng nghiêng ngả, mù mịt lu bù, trông trời như thấp, trông đất như cao, mặt trời mặt trăng như không có ánh sáng. Mắt ta ù, tai ta mờ, tâm thần ta mê hoặc, thân thể ta mệt nhọc. Ta mới hỏi người rằng: Đây là làng gì? Người nói:
– Đây là nơi vui say, sẵn của ngon bùi, tha hồ ăn uống phóng phiếm. Tục truyền là “Làng say”.
Than ôi! Đây gọi là làng say? Cổ nhân nói dối ta thật. Ta thường than cho lũ Lưu Linh, Nguyễn Tịch đang lúc trong nước lục trầm, bốn phương rối loạn mà những tay giỏi giang sinh ra chán đời, dông dài liều lĩnh, thất thểu rủ nhau vào làng say. Cứ như ý riêng ta thì trong làng say không có cái gì là vui cả…
Hoặc có kẻ nói: Đến đây cho nguôi những sự lo nghĩ. Ôi ! Cái lo nghĩ mà còn có cách nguôi được, thì không phải lo nghĩ. Nếu quả nhiên có điều gì đáng lo, thì bất tất phải tìm cách giải. Huống chi làng say này không có thể giải được lo. Vậy thì người làng say đều là vô lo, vô lự cả.
bai-hoc-cuoc-song-1
Than ôi! Từ đời Lưu Linh, Nguyễn Tịch đến bây giờ, khắp cả thiên hạ cũng đều có làng say. Làng say càng đông thì thiên hạ càng vắng. Mờ mịt say sưa, ẻo lả yếu đuối… Ai đã vào làng say, không biết lối mà ra. Gián hoặc có người vào làng say mà không mê, thì lại bị những kẻ đã mê hoặc bại loạn chê bai, nói cười mai mỉa. Thế mới thật là lũ say ở làng say”.
Lời bàn:
Nói đến cái “bản lĩnh” say ai ai cũng phải nhắc đến Lưu Linh, Nguyễn Tịch. Uống rượu say được như hai ông đúng là hiếm có: say đến độ lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu, trút sạch hết lợi dục, quên bỏ việc đời, không sợ cường quyền, không tham phú quý, quả là:
“Một vò rượu nếp vui gặp gỡ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng”
(Trích: Tam Quốc diễn nghĩa)
Thời nay hỏi mấy ai có được cảnh giới “say” như thế: say rũ sạch bụi trần! Chưa say đến độ như thế mà đã vội cười người khác say ấy là chưa thấu tỏ việc “say”. Phàm những kẻ say mà ăn nói hàm hồ, càn quấy, làm xằng làm bậy, phạm điều trái với luân thường đạo lý thì đó chính là bại hoại.
Làng say ở đây là chỉ sự việc người ta chè chén bê tha, phàm ai đã bước chân vào làng này cũng đều cho là gặp nơi vui thú cả. Lại còn viện những lời này, lẽ khác tưởng chừng chính đáng như: để tiêu phiền giải sầu, giải nỗi lo sự đời… Thiết nghĩ đã gọi là việc đáng lo, đáng nghĩ ở đời lẽ ra cần tỉnh táo để mà lo nghĩ cho phân minh, chứ say xỉn thì lo nghĩ được gì cho cam!
bai-hoc-cuoc-song-2
Đã vậy, ngày nay đến đâu ta cũng gặp cảnh “chén chú chén anh”, thậm chí còn coi đó như là lễ tiết để mà hậu đãi, thể hiện mối thâm tình giữa anh em bằng hữu, song cái “lễ tiết” ấy đâu có được như người xưa. Ấy là vì bại hoại mà làm hỏng việc.
Biết bao người khi trẻ tuổi lòng nuôi chí lớn, thân chứa tài cao, học rộng biết nhiều, ai nấy đều khen về sau ắt là bậc hiền tài, công danh rạng rỡ. Vậy mà vì tuổi trẻ thường hay cậy tài mà sinh kiêu ngạo, vì chút “nghĩa khí” và muốn thể hiện với chúng bạn ở đời mà sa vào đam mê tửu sắc, say đắm trụy lạc giữa chốn “hoa thiên tửu địa”, lâu dần thành nết rồi cũng không muốn bước ra khỏi cái mê cung ấy.
Than ôi! Cái biển dục vọng lấp mãi mà không đầy, cái núi tình sầu phá mãi mà không tan. Thời gian kia như bóng câu qua cửa, tài năng kia như nước chảy về đông, trải qua mấy phen cay đắng ngọt bùi nơi nhân thế đến khi ngoảnh lại tóc đã pha sương, tuổi thời xế bóng, sức tàn lực kiệt, bệnh tật đầy thân, mà công danh sự nghiệp ngổn ngang, một việc cũng không thành, muốn hồi đầu thì chính là đã muộn.
Phật gia có giảng về thời mạt thế, mạt Pháp, quỷ ma thác loạn, đạo đức suy đồi, con người đang đứng trước vực sâu nguy hiểm mà không hay không biết. Đáng thương cho ai mê muội, ngông cuồng tự cho mình là tài trí mà tranh với người, đấu với trời với đất, lại tuyên dương, nói về “vô Thần luận” mà không biết sợ trời, không biết sợ đất, chẳng còn đức tin gì, ngoài lợi ích hiện thực trước mắt, thủ đoạn nào cũng không từ, điều ác nào cũng dám phạm. Nếu không sớm quay đầu quy chính thì cũng là quá nguy hiểm rồi.
Thế gian càng phức tạp ta càng phải nên hết sức cố gắng duy trì tâm thức cho sáng mà không để mình bị cuốn theo những chiêu trò bại hoại. Người ta ai mà không có lỗi lầm, có lỗi mà sửa đổi được thì còn gì hay hơn. Vào khoảng 2500 năm trước, đức Phật Thích Ca Mâu Ni có nói với đệ tử của ông rằng: vào thời kì mạt pháp, Pháp của ông không thể độ nhân được nữa, khi ấy đức “Chuyển Luân Thánh Vương” sẽ hạ thế truyền chân Pháp của vũ trụ, cứu độ chúng sinh.
bai-hoc-cuoc-song-3
Nhiều lời tiên tri cũng nói rằng, xã hội con người hiện nay chính là đang trong một thời kỳ hết sức đặc thù. Cổ nhân vẫn có câu: “Họa đấy mà phúc đấy”, họa chính là khi người ta không đủ tỉnh táo mà nhận ra kiếp nạn gần kề. Phúc ấy là có thể thức thời mà tự mình quy chính nhân tâm, đồng hóa với quy luật của tự nhiên, vũ trụ và chính Pháp. Không thanh tỉnh bây giờ thì đợi đến khi nào? Đúng như thức giả Nho gia Chu Hi đã từng nói: “Ở đời có ba điều tiếc: một là hôm nay bỏ qua, hai là đời này chẳng học, ba là thân này lỡ hư”.
Theo Đại Kỷ Nguyên