Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Thu gần 100.000 tỷ đồng nợ đọng trong 4 tháng
Hơn 11,3 triệu sổ BHXH đến tay người lao động
Thi hành Luật BHXH số 58/2014/QH13, ngay từ đầu năm 2017, ngành BHXH đã tổ chức thực hiện rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động. Sau hơn 1 năm triển khai, tính đến ngày 31/3/2018, cả nước đã bàn giao được 11.325.624 sổ BHXH cho người lao động, đạt 78,81 % so với tổng số sổ BHXH phải bàn giao, tạo sự đồng thuận từ phía đơn vị sử dụng lao động, sự phấn khởi cho người tham gia BHXH khi lần đầu tiên được cầm cuốn sổ BHXH của mình.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Lê Quang Dương, công tác tại Công ty Sam Sung - một công ty tại Thái Nguyên, cho biết: “Trước đây, lúc chưa được phát sổ BHXH, người lao động như chúng tôi thường hoài nghi về việc đóng bảo hiểm cho công nhân của Công ty. Lý do là bởi khi muốn nghỉ ngang thì rất khó làm thủ tục bảo hiểm, thậm chí khi đó mới phát hiện doanh nghiệp không đóng BHXH cho mình. Hiện tại, khi được tận tay giữ và theo dõi sổ bảo hiểm, chúng tôi đã yên tâm hơn nhiều”.
Theo chia sẻ của đại diện BHXH Việt Nam, để đạt được kết quả trên, ngay sau khi có kế hoạch triển khai của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh đã kịp thời có văn bản báo cáo, tham mưu, đề nghị UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức, các doanh nghiệp và UBND cấp huyện cùng vào cuộc để tổ chức thực hiện rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động.
"Chính sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị của giám đốc BHXH các cấp, sự nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong ngành BHXH, cũng như cán bộ trực tiếp được giao nhiệm vụ rà soát, bàn giao sổ BHXH, sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành BHXH, ngành bưu điện và đơn vị sử dụng lao động trong việc tổ chức triển khai thực hiện, nên công tác bàn giao sổ BHXH cho người lao động thời gian qua có nhiều biến chuyển", vị đại diện này nói.
Tiếp đà tích cực, BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ: Chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động đảm bảo chất lượng, phấn đấu đến 30/9/2018 hoàn thành việc trả sổ BHXH cho người lao động. Đồng thời, phối hợp cơ quan bưu điện tỉnh và đơn vị sử dụng lao động trả sổ BHXH đến tận tay người lao động một cách thuận tiện nhất, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động.
“Đặc biệt, kiểm tra, rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu người tham gia BHXH trong phần mềm quản lý, tiến tới mục tiêu năm 2020, thực hiện quản lý sổ BHXH điện tử. Theo đó, người lao động sẽ dễ dàng quản lý, tra cứu được quá trình đóng BHXH của mình, rút ngắn hơn nữa quy trình, thủ tục trong giải quyết các chế độ BHXH cho người tham gia”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Đẩy mạnh thanh - kiểm tra, xử lý nợ đọng
Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, trong tổng số nợ, nợ BHXH khoảng 10.000 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế (BHYT) khoảng 2.000 tỷ đồng. Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai công tác thanh tra, xử phạt nghiêm ngặt, đồng thời định kỳ thông báo tới những đơn vị nợ trong vòng 15 ngày phải trả nợ, tăng cường công tác thanh tra và cung cấp số liệu, danh sách đơn vị nợ cho ngành công đoàn, phục vụ công tác khởi kiện. BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung mọi nguồn lực để đôn đốc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, nợ đọng BHXH tuy gia tăng về số tuyệt đối, nhưng tỷ lệ thấp hơn mức cuối năm 2017. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2018, cơ quan BHXH thu được gần 100.000 tỷ đồng nợ, đạt 29% kế hoạch năm 2018 mà Thủ tướng Chính phủ giao phó.
"Nợ đọng bảo hiểm thường tăng trong những tháng đầu năm, bởi các doanh nghiệp ưu tiên chi tiêu cho thưởng Tết Nguyên đán. Cụ thể, tính đến hết tháng 4/2018, số nợ BHXH là 10.000 tỷ đồng, tăng so với tháng 3 (4,2%) và tăng 4,8% so với kế hoạch thu", ông Thắng cho hay.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Thắng cho biết, nợ tồn đọng tăng còn do tích tụ từ những khoản nợ trước đây, trong đó bao gồm những khoản nợ có khả năng không thu hồi được. Bên cạnh đó, việc một số doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng trong những tháng đầu năm và chuyển sang hình thức khoán trong kinh doanh cũng gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ.
"Trước thực trạng trên, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh công tác thanh tra, xử phạt. Đối với những doanh nghiệp cố tình chây ì sẽ tiến hành chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khởi tố hình sự. Tuy nhiên, việc tố tụng phải rất thận trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động", ông Thắng nói.
Về công tác thanh tra, xử phạt, ông Thắng cho hay, thực hiện Quyết định số 34/QĐ-BHXH ngày 3/1/2018 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra liên ngành và thanh tra chuyên ngành năm 2018, toàn ngành BHXH đã triển khai thực hiện kiểm tra, thành tra chuyên ngành và thanh tra liên ngành theo kế hoạch. Tính đến hết tháng 3/2018, tổng số đơn vị sử dụng lao động được thanh tra, kiểm tra của toàn ngành là 943 đơn vị, trong đó số đơn vị được thanh tra chuyên ngành là 443 đơn vị, số đơn vị được thanh - kiểm tra liên ngành là 348 đơn vị, số đơn vị được kiểm tra là 152 đơn vị.
"Tuy nợ đọng thời điểm này có tăng, nhưng tỷ lệ nợ thấp hơn so với cuối năm 2017 (trên 5%) và thực hiện thu nợ tốt hơn”, ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam nói.
No comments