Cháy tại Carina, lộ nhiều chuyện về bảo hiểm tòa nhà
Bảo hiểm PVI cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin cháy nổ tại Chung cư Carina, đại diện Công ty đã có mặt tại hiện trường, phối hợp với người được bảo hiểm và các cơ quan chức năng, đồng thời chỉ định giám định viên đánh giá tổn thất nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả của vụ cháy.
Cùng với Bảo hiểm PVI, Bảo Minh cũng là đơn vị bảo hiểm cho Chung cư Carina. PTI cũng cho biết, đã nhận được thông báo tổn thất của 5 khách hàng với ô tô (tính tới sáng 27/3). Ngoài 3 hãng này, chưa có thêm nhà bảo hiểm nào xác nhận liên quan đến vụ cháy tại chung cư này. Tuy nhiên, nhìn vào mức trách nhiệm mà người bảo hiểm đã mua kể trên, sự lo ngại là hoàn toàn có cơ sở.
“Việc ký bảo hiểm trách nhiệm công cộng, nhưng chỉ ở mức 500 triệu đồng cho mỗi vụ như trên là quá nhỏ. Thực tế này cho thấy, việc mua bảo hiểm chỉ là cho có. Chính vì mua bảo hiểm thấp nên số tiền được bồi thường thấp tương ứng là điều dễ hiểu”, phụ trách bảo hiểm tài sản của một doanh nghiệp bảo hiểm lớn cho hay.
Liên quan đến đòi bồi thường, từng có quan điểm của luật sư quy kết trách nhiệm đối với Ban quản trị tòa nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bảo hiểm cho rằng, nếu chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì và phí quản lý chung cư cho Ban quản trị, dẫn đến việc chung cư không bầu được Ban quản trị do không có nguồn vốn hoạt động, thì không thể quy trách nhiệm cho Ban quản trị trong trường hợp này.
“Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa chính thức xác nhận chuyện bàn giao quỹ bảo trì. Nếu Chung cư Carina chưa có Ban quản trị, thì rõ ràng, việc yêu cầu chủ đầu tư hoặc Ban quản trị bồi thường, rồi sau đó chủ đầu tư hoặc Ban quản trị đi đòi công ty bảo hiểm là không thực tế”, một quan điểm được đưa ra.
Liên quan đến việc tạm ứng bồi thường đối với xe trong hầm, có ý kiến cho rằng, cư dân/Ban quản trị có thể yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường trước, rồi ký ủy quyền cho công ty bảo hiểm đòi Ban quản lý toà nhà, nhưng cũng phải chờ cơ quan nhà nước xác nhận nguyên nhân vụ cháy.
Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn Đại lý bảo hiểm TILA trong trường hợp này, nhà bảo hiểm không cần phải đợi kết luận của cơ quan điều tra.
“Đây là hợp đồng dân sự giữa hai bên, giữa chủ xe và nhà bảo hiểm. Bên bảo hiểm có đầy đủ công cụ (giám định độc lập) và chuyên môn để đánh giá nguyên nhân và mức độ tổn thất.
Đối với các hợp đồng bảo hiểm vật chất xe thì không cần đợi kết luận của cơ quan điều tra vẫn có cơ sở để bồi thường cho khách hàng”, ông Nguyên nói.
Về quan điểm cư dân còn có quyền đòi nhà bảo hiểm bồi thường về sức khỏe, tinh thần, trách nhiệm cấp dưỡng nếu có thiệt hại về người, chi phí mai táng…, theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Tiến Hùng, cần xem xét lại quan điểm này.
“Tại hợp đồng bảo hiểm, cần xem xét phạm vi và đối tượng bảo hiểm đó là gì. Nếu chỉ là bảo hiểm cháy nổ đối với tài sản, thiệt hại vật chất, không có đảm bảo về tai nạn con người hay trách nhiệm dân sự (của người quản lý) thì không thể đòi bảo hiểm về sức khỏe, tinh thần, trách nhiệm cấp dưỡng nếu có thiệt hại về người, chi phí mai táng… Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân của vụ cháy, nếu bị cháy do 'vũ khí' thì phải tính đến điều khoản loại trừ bảo hiểm”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Hùng, cần xem nguyên nhân đám cháy có do lỗi bị loại trừ trong đơn bảo hiểm hay không, bởi việc thế quyền đòi người thứ ba có lỗi (điều khoản - subrogation) chỉ áp dụng trong bảo hiểm tài sản, không áp dụng trong bảo hiểm tai nạn sức khỏe.
Vào khoảng 0h30' ngày 23/3/2018 đã xảy ra đám cháy tại tầng hầm giữ ô tô, xe máy nằm giữa khu A và B của Tòa nhà Chung cư Carina Plaza, số 1648 Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM, gây ra thiệt hại rất lớn về con người và tài sản.
Thống kê đến thời điểm hiện tại, số người tử vong là 13 người, nhiều người đang phải nhập viện điều trị do bị ngạt khí độc của khói. Bên cạnh đó, một lượng lớn xe ô tô, xe máy của cư dân để tại tầng hầm đã bị thiêu trụi, nhiều căn hộ và tài sản cá nhân của cư dân bị hư hỏng do nhiệt và khói của vụ cháy.
No comments