Breaking News

Doanh nghiệp bảo hiểm nhận định thách thức năm 2018


Doanh nghiệp bảo hiểm nhận định thách thức năm 2018
Thiên tai ngày càng nhiều và khó lường đã trở thành trở ngại cho hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm

Bên cạnh những cơ hội mới trong năm 2018, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần phải chuẩn bị để đối mặt với những khó khăn chung, cũng như những thách thức riêng đối với mỗi công ty.
Khó khăn vì thiên tai
Nói tới khó khăn nổi cộm nhất của ngành bảo hiểm trong năm 2017, không thể không nhắc tới số lượng bão và áp thấp ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam đạt mức kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới), đáng chú ý là cơn bão lịch sử số 12 đổ bộ vào những ngày cuối năm tại Nam Trung Bộ, gây ra thiệt hại lớn.
Bên cạnh đó, trong năm qua, một số tổn thất lớn cũng xảy ra như các vụ cháy Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (gây tổn thất 25 triệu USD), Nhà máy Kwong Lung Meko (18 triệu USD), Nhà máy ô tô Trường Hải (16 triệu USD)…
Theo đánh giá của các hãng bảo hiểm, những khó khăn này vẫn tiếp tục là trở ngại tiềm ẩn trong năm 2018. Điểm khác biệt có chăng chỉ là tên gọi của những cơn bão, hay địa điểm xảy ra tổn thất.
Tại lễ tổng kết hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2017, nhiều công ty có liên quan đều coi đây là “điểm nghẽn” ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận từ mảng kinh doanh bảo hiểm.
“Không chỉ nhiều về số lượng, các cơn bão năm qua còn có mức độ tàn phá nặng nề. Thiệt hại từ thiên tai là khá lớn và đến đầu năm 2018 vẫn chưa khắc phục xong”, đại diện Bảo hiểm PVI cho hay.
Trong khi đó, tại PJICO, những tổn thất phát sinh do các đợt thiên tai như bão, lũ lụt liên tục trong năm 2017 vừa qua, cộng với việc chi trả bồi thường cho các vụ việc xảy ra từ các năm trước thuộc nghiệp vụ tài sản hỏa hoạn, kỹ thuật, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ô tô đã khiến tỷ lệ bồi thường của hãng này tăng 10% so với năm trước đó, chiếm 50% doanh thu bảo hiểm gốc (ước bồi thường bảo hiểm gốc 1.250 tỷ đồng).
Tuy nhiên, kết quả chung cuộc, năm qua, PJICO vẫn hoàn thành và vượt kế hoạch, với tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 155 tỷ đồng, hoàn thành 111% kế hoạch lợi nhuận năm 2017 và tăng trưởng 24% so với năm 2016.
Mặc dù vậy, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng có thể về đích. Tại một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác, các tổn thất lớn về thiên tai, bảo hiểm ô tô… đã gây lỗ nghiệp vụ khoảng 100 tỷ đồng.
Thực tế, các cơn bão này đã ảnh hưởng đến đa phần doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhỏ (22/29 công ty). Trong đó, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo Minh… thuộc nhóm chịu tổn thất lớn nhất.
“Nỗi khổ” riêng
Ngoài những khó khăn tác động chung tới các doanh nghiệp trong ngành, một số doanh nghiệp bảo hiểm còn phải chịu những “nỗi khổ” riêng.
Trong đó, các công ty bảo hiểm như Bảo hiểm Hàng không, BSH trong thời kỳ hậu thoái vốn đã và đang phải tìm lợi thế cạnh tranh mới, khi các lợi thế trước đây biến mất.
Chẳng hạn, với BSH, sau khi thoát khỏi Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, mảng bảo hiểm than – khoáng sản chịu ảnh hưởng đáng kể, khi "miếng bánh" cơ hội được chia đều cho tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm khác và đặc biệt có sự tham chiến tích cực của các ông lớn trong ngành. Chưa kể, đây đều là các nghiệp vụ bảo hiểm thuộc loại “dễ xơi” khi tốc độ tăng trưởng cao mà tỷ lệ bồi thường luôn ở mức chấp nhận được.
Hay với mảng bảo hiểm hàng không, dù không ảnh hưởng nhiều từ các cơn bão lịch sử nên tỷ lệ bồi thường mảng này thấp hơn tỷ lệ bồi thường của thị trường nhưng Bảo hiểm Hàng Không (VNI) lại chịu “thiệt thòi” sau một khoảng thời gian không còn liên quan đến Vietnam Airlines. Đã hơn 2 năm kể từ sau khi Vietnam Airlines thoái vốn, mảng bảo hiểm hàng không giờ chỉ đóng góp một tỷ lệ khá nhỏ trong cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm gốc của hãng này. 
Năm 2018, theo công bố của VNI, Công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu bảo hiểm phi hàng không tăng trưởng 34% còn doanh thu bảo hiểm hàng không thì không được nhắc đến do chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Một trường hợp khác là Bảo hiểm PVI khi chịu ảnh hưởng từ ngành dầu khí. Trong lễ tổng kết của PVI mới đây, hãng này cho biết 2017 là năm thứ 4 giá dầu chưa trở về được mức cao như trước, ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực bảo hiểm dầu khí - năng lượng; ngành dầu khí Việt Nam năm 2017 trải qua những sóng gió lớn, vừa ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các đơn vị trong ngành vừa tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người lao động.
Thực tế, để bù đắp doanh thu do những khó khăn nội ngành, vài năm gần đây Bảo hiểm PVI đã từng bước phát triển thị trường bán lẻ, đặc biệt là khai thác các kênh bán lẻ qua ngân hàng (bancassurance), đại lý, môi giới… Đến nay, hãng này cũng đã bảo hiểm cho nhiều dự án trong các lĩnh vực khoáng sản, điện năng, giao thông...
Kim Lan