Breaking News

Quy chế mới có thể gây thiệt hại cho đại lý bảo hiểm

Sau khi đăng tải bài “Siết lại hoạt động của 'danh sách đen' ngành bảo hiểm”, Báo ĐTCK tiếp tục nhận được phản hồi từ một số thành viên thị trường về những bất cập tại quy chế mới có thể gây thiệt hại đối với đại lý bảo hiểm.
Hiện chưa có chế tài đối với DNBH lạm dụng "danh sách đen" gây tổn hại cho đại lý bảo hiểmHiện chưa có chế tài đối với DNBH lạm dụng "danh sách đen" gây tổn hại cho đại lý bảo hiểm

Dấu hỏi về quyền và trách nhiệm của IAV?

Liên quan đến việc xử lý đại lý bảo hiểm vi phạm và đưa vào danh sách vi phạm được quy định tại quy chế mới, ông Nguyễn Khắc Thành Đạt, Giám đốc Công ty Luật An Thành Sài Gòn nhìn nhận, việc ấn định quyền cập nhật danh sách này sẽ tạo ra những thay đổi nhất định.

“Theo quy chế mới, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) không được tự  động cập nhật danh sách đại lý vi phạm lên hệ thống AVICAD, mà chỉ đưa ra quyết định kỷ luật, rồi thông báo quyết định đó cho cả IAV và đại lý vi phạm nắm rõ. 

Điều này có nghĩa là DNBH phải có đầy đủ bằng chứng để chứng minh đại lý vi phạm rồi mới tiến hành kỷ luật, bởi việc 'tiền trảm, hậu tấu' (vì cố tình hay chỉ vì nghi ngờ - PV) là trái quy định”, ông Đạt nói và cho biết thêm, thay vào đó, quyền đưa đại lý vi phạm vào "danh sách đen" thuộc về Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) và Hiệp hội sẽ thụ lý giải quyết những khiếu nại của đại lý hay thành viên (nếu có).

Tuy nhiên, trên thực tế, DNBH vẫn phải chịu trách nhiệm về những thông tin, bằng chứng đã cung cấp. Phụ trách pháp chế của một DNBH thắc mắc, khi bị khiếu kiện, IAV hay DNBH sẽ là bên chịu trách nhiệm? 

Trả lời câu hỏi này, ông Đạt khẳng định, do quyền quyết định đưa tên đại lý vào danh sách vi phạm thuộc về IAV, nên IAV sẽ là đối tượng bị khiếu kiện.

Chia sẻ về quy trình thực hiện khiếu nại, ông Đạt cho biết, hiện tại, trong Ban chấp hành IAV có thành viên là lãnh đạo của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính). Do đó, đại lý bảo hiểm có thể khiếu nại lần 1 tại Hiệp hội, khiếu nại lần 2 tại Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm. Nếu các khiếu nại không được giải quyết thỏa đáng, đại lý bảo hiểm có thể đưa vụ việc ra tòa án.

Ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký IAV cũng đặt vấn đề rằng, liệu IAV có chức năng ban hành quy chế quản lý đại lý hay không? Theo ông Lộc, để phù hợp với điều kiện hiện tại, nên sửa tên quy chế thành "Quy chế hợp tác giữa các DNBH về xử lý đại lý vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp đại lý bảo hiểm nhân thọ".

Những băn khoăn khác

Về các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, ông Nguyễn Khắc Thành Đạt cho rằng, quy chế mới đã quy định rõ ràng hơn các hành vi này để có thể xét đưa vào "danh sách đen", đồng thời loại bỏ những quy định chung chung, dễ dẫn đến việc vận dụng không thống nhất, gây thiếu công bằng giữa các DNBH, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của đại lý bảo hiểm.

"Đơn cử, hành vi trục lợi, gian lận bảo hiểm đã được định nghĩa rõ ràng tại Khoản 11, Điều 4 của quy chế mới. Đây là điểm tiến bộ so với quy chế trước đây", ông Đạt nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Đạt, lấy việc đại lý còn nợ tiền DNBH để đưa vào danh sách vi phạm là chưa thỏa đáng. 

“Theo tôi, cần phải xác định rõ số tiền đó là tiền gì? Nếu đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý, chiếm dụng phí khách hàng, hay làm thiệt hại cho khách hàng, đồng thời DNBH đã ứng tiền trả trước và có quyền thu hồi từ đại lý, thì đưa vào danh sách vi phạm. 

Còn với các loại nợ khác, tôi cho rằng, đại lý và DNBH nên giải quyết với nhau tại tòa án nếu có tranh chấp. Khi đó, tòa án sẽ phán quyết ai sai, ai đúng, số tiền đó có thực sự là nợ hay không và ai phải trả cho ai. IAV không nên chỉ dựa vào ý kiến một bên là DNBH hay làm thay công việc của tòa án để đưa đại lý bảo hiểm vào danh sách vi phạm", ông Đạt phân tích.

Một vấn đề khác cũng được ông Đạt chỉ ra, đó là theo hợp đồng đại lý và hợp đồng quản lý đại lý hiện hành, DNBH hay đại lý đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và phải báo trước 30 ngày đối với hợp đồng đại lý, 60 ngày đối với hợp đồng quản lý đại lý. 

Trong khi đó, theo quy chế mới, DNBH có 60 ngày để giải quyết nếu như có tranh chấp (Khoản 5, Điều 7), kể từ ngày đại lý/quản lý đã hoàn trả đầy đủ các chứng từ và công cụ làm việc cho DNBH. Ông Đạt cho rằng, điều này có thể gây thiệt hại đến quyền lợi của những đại lý bảo hiểm thuần túy, mà không phải là quản lý đại lý. 

Chia sẻ về chế tài xử lý vi phạm, theo ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA, quy chế mới chưa có chế tài cụ thể đối với DNBH, hay việc đền bù thiệt hại cho đại lý bảo hiểm trong trường hợp DNBH lạm dụng "danh sách đen" gây tổn hại cho đại lý bảo hiểm...

Kim Lan 

No comments