Niềm tin nào khiến Bitcoin chạm mốc 20.000 USD trong năm 2017?
Không khác gì một đống giấy lộn được chính phủ đóng dấu và được người dân chấp nhận giao dịch bằng niềm tin? Trong một xã hội đầy khủng hoảng và lừa dối, chúng ta có thể mất trắng tiền cũng như niềm tin bất kỳ lúc nào và Bitcoin ra đời như một vị cứu tinh cho những rủi ro này.
Bạn đã đi nhà nghỉ bằng giấy nợ bao giờ chưa?
Ngày Giáng sinh sắp đến, chắc hẳn nhiều bạn trẻ Việt Nam sẽ dắt người yêu ra đường chơi, thậm chí nhiều đôi có thể vào nhà nghỉ sau khi cuộc vui tàn. Bây giờ, hãy tưởng tượng thay vì thanh toán tiền cho nhân viên khách sạn, bạn viết một mẩu giấy "Tôi nợ XYZ nghìn đồng", liệu bạn có thể ở qua đêm được nhà nghỉ với bạn gái hay không?
Câu trả lời chắc chắn là không? Trừ khi bạn có ông chú làm quản lý của khách sạn đó.
Trớ trêu thay, đây lại là những gì mọi người vẫn đang làm hiện nay với tiền. Mỗi tờ tiền 100 USD, 500 USD đều là một tờ giấy lộn "Tôi nợ 100 USD, 500 USD", có khác chăng là chúng được chính phủ đóng dấu và đảm bảo.
Mọi người dân đều chấp nhận những tờ ghi nợ đó, họ tin tưởng rằng chính phủ sẽ đảm bảo thanh toán số nợ đó theo một hệ thống tài chính đặt sẵn. Chính vì lẽ đó mà các nhà nghỉ chấp nhận đồng tiền của bạn chứ không phải là một cục vàng, kim cương hay hiện vật có giá trị tương đương nào cả.
Từ đây, tiền được lưu chuyển nhờ niềm tin của mọi người, mỗi lần trả tiền là một lần niềm tin được tạo ra giữa những người giao dịch.
Theo Ngân hàng trung ương Anh (BoK), tiền mặt cũng có thể được coi là một dạng giấy nợ. Trước đây người dân có thể sử dụng tiền mặt để đổi lấy vàng tại BoK nhưng quy trình này đã bị loại bỏ cách đây khá lâu do không còn cần thiết.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước dự trữ một lượng lớn vàng, ngoại tệ mạnh. Kho dự trữ này ngoài việc dùng để thanh toán thương mại thì còn là bảo đảm lớn nhất cho chính phủ khi đóng dấu lên các tờ tiền của họ.
Trên website của BoK, cơ quan này thừa nhận lịch sử hơn 300 năm phát hành tiền của họ chỉ với một mục địch duy nhất là đảm bảo người dân tin vào giá trị thực của đồng tiền và họ có thể trao đổi giá trị tương đương với con số ghi trên đồng tiền đó.
Trên thực tế, hoạt động này đã tồn tại từ thời xa xưa khi con người biết lấy vỏ sò, răng thú làm tiền tệ giao dịch. Những di tích từ 3.000 năm trước đã cho thấy con người có các hoạt động trao đổi dựa trên niềm tin khi việc giao dịch vật đổi vật trở nên phức tạp và quá khó khăn với số lượng lớn.
Ngày nay, con người thậm chí không còn giao dịch nhiều bằng tiền mặt nữa. Số liệu của Visual Capitalist cho thấy khoảng 36,8 nghìn tỷ USD tiền mặt đang lưu thông trên thị trường, thấp hơn so với 53,6 nghìn tỷ USD tiền lưu thông trong các ngân hàng hay qua những đường phi tiền mặt.
Đây là điều dễ hiểu khi hình thức thanh toán qua ngân hàng nhanh gọn hơn, thuận tiện hơn cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại nhiều thị trường, thậm chí là ở nền kinh tế lớn như Nhật Bản hay Đức, mọi người vẫn chuộng tiền mặt.
Lý do vô cùng dễ hiểu, những cuộc khủng hoảng tài chính, phá sản, lạm phát khiến ngay cả chính phủ cũng không thể đảm bảo 100% rằng tấm giấy nợ có đóng dấu bảo đảm của họ sẽ thanh toán đầy đủ mức giá trị ghi trên đó.
Cuộc Đại suy thoái tại Mỹ thập niên 1930, Khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1998, Khủng hoảng tài chính năm 2008, hay mới đây nhất là việc Zimbabwe từ bỏ đồng nội tệ để dùng đồng USD, Venezuela lạm phát hàng trăm nghìn phần trăm và phải giới hạn khẩu phần tiêu dùng của từng người. Tất cả những ví dụ trên cho thấy tại sao người dân nhiều nước vẫn thích giữ tiền mặt và họ sẵn sàng đổi sang các loại ngoại tệ mạnh, hoặc tài sản có giá trị như vàng khi thị trường có biến động.
Mặc dù vậy, chẳng mấy người muốn giấu một đống tiền mặt hay đồ quý hiếm trong nhà, nhưng họ cũng không hoàn toàn tin tưởng chính phủ khi tiền của họ có thể mất bất kỳ lúc nào. Kể từ đây, công nghệ Blockchain và tiền ảo ra đời đã tạo ra một lựa chọn hoàn toàn mới.
Vị cứu tinh đang lớn
Hệ thống Blockchain và tiền ảo hiện nay cho phép mọi người giao dịch mà không cần thông qua các ngân hàng, hay chịu sự kiểm soát của chính phủ. Nhờ đó, bạn có thể giữ tiền trên mạng mà không sợ bị chính phủ tịch thu hay mất giá do lạm phát.
Lấy trường hợp của Venezuela làm ví dụ, việc đồng tiền tại đây mất giá đã thúc đẩy người dân sử dụng Bitcoin như một giải pháp thay thế để chi tiêu, mua các hàng hóa nhập khẩu hoặc thậm chí là tẩu tán tài sản ra nước ngoài mà không thông qua sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ.
Theo Atlantic, nhiều người dân Venezuela có thể chạy cùng lúc vài máy đào Bitcoin để đem về thu nhập khoảng 500 USD mỗi tháng, đủ nuôi một gia đình 4 thành viên và mua những nhu yếu phẩm cần thiết như tã lót hoặc insulin từ nước ngoài.
Nhờ sự thuận tiện đó, niềm tin vào tiền ảo của người dân tăng cao, thúc đẩy nhu cầu lớn với loại "giấy nợ" này. Tuy nhiên, nếu được lựa chọn, chắc chắn không có nhiều người hiện nay muốn đổi hết tài sản của mình ra tiền ảo dù giá Bitcoin và nhiều đồng tiền khác đã tăng mạnh trong năm 2017.
Chính vì lượng cung có hạn kèm sự đầu cơ thái quá, nhiều loại tiền ảo đang tăng giá quá mạnh bất chấp những rủi ro tiềm ẩn đằng sau nó. Hiện công nghệ tiền ảo vẫn chưa thực sự hoàn thiện khi nhiều vụ đánh cắp bởi các tin tặc vẫn diễn ra, khiến người sở hữu mất tiền.
Nói cách khác, dù tiền mặt và hệ thống ngân hàng hiện nay có rủi ro khi khủng hoảng kinh tế nhưng chúng vẫn có độ an toàn nhất định so với tiền ảo, loại tài sản dễ dàng bị tổn thương từ các vụ tấn công tin tặc và còn mới lạ với thị trường.
Bất chấp những điều đó, niềm tin rằng công nghệ Blockchain và tiền ảo ngày càng được hoàn thiện đã khiến các nhà đầu cơ tiếp tục đổ tiền vào chúng. Số liệu của sàn giao dịch tiền ảo Ledger X tại New York cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng giá Bitcoin sẽ tăng gấp 3 trong năm 2018, lên mức 50.000 USD.
No comments