2017: Bancassurance tăng trưởng ngoài dự kiến
Chia sẻ
với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc top
đầu cho biết, đây là mức tăng trưởng khả quan và vượt dự tính của các
doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bởi doanh thu từ phân khúc này đã “dậm
chân” khá lâu ở mức 5-6%/năm trong vài năm qua.
Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu tính tổng
doanh thu khai thác mới của toàn thị trường đến hết năm, thì doanh thu
đến từ bancassurance còn chiếm tỷ trọng cao hơn, ở mức hai con số.
“Kết thúc năm 2017, bancassurance có thể
chiếm tỷ trọng 10-12%/tổng doanh thu phí khai thác mới của toàn thị
trường. Từ giờ đến hết năm, rất nhiều ngân hàng sẽ cập nhật thêm số liệu
doanh thu mới”, ông Gaurav Sharma, Tổng giám đốc BIDV Metlife chia sẻ.
Là một trong những doanh nghiệp tiên
phong trong việc phát triển kênh bancassurance tại thị trường bảo hiểm
Việt Nam, lãnh đạo BIDV Metlife cho biết, rất hào hứng với tiềm năng
tăng trưởng của thị trường nói chung và bancassurance nói riêng.
Với chiến lược phát triển dài hạn, trước
khi bán sản phẩm cho khách hàng, Metlife đặt mục tiêu đào tạo kỹ năng,
kiến thức cho đội ngũ cán bộ ngân hàng lên hàng đầu, bên cạnh những công
cụ hỗ trợ bán hàng cần thiết khác.
“Tương lai của bancassurance tại thị
trường bảo hiểm Việt Nam đang rất khả quan. Có thể trong 2 năm tới, việc
bán bảo hiểm qua kênh bancassurance sẽ phát triển nhanh hơn và được dự
báo sẽ tăng trưởng gấp đôi so với con số doanh thu khai thác mới của năm
2017”, ông Gaurav Sharma nhìn nhận.
Là một trong số ít công ty bảo hiểm có
các thương vụ hợp tác phát triển bancassurance đình đám trong năm nay,
Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life International khu vực châu
Á-Thái Bình Dương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life Việt
Nam - ông Takashi Fujii cho biết, thực tế, doanh thu đến từ kênh bưu
điện và bancassurance của Dai-ichi Life Việt Nam vẫn còn thấp so với
tiềm năng thị trường, chiếm khoảng 8% tổng doanh thu phí bảo hiểm.
“Việc doanh thu từ bancassurance chiếm
tỷ trọng chưa cao một phần do chúng tôi chỉ mới ở giai đoạn đầu phát
triển mô hình này. Trong sự hợp tác với các ngân hàng như Sacombank hay
SHB mới đây, để việc triển khai được thông suốt, các bên phải mất vài
tháng chuẩn bị. Hơn nữa, hiện tại, kênh đại lý của Dai-ichi Life Việt
Nam cũng đang phát triển rất tốt, nên chúng tôi sẽ dành nhiều thời gian
hơn để phát triển bancassurance theo hướng tăng trưởng bền vững”, ông
Takashi Fujii nói.
Cũng theo Chủ tịch Dai-ichi Life Việt
Nam, với việc đẩy mạnh ký kết hợp tác với các ngân hàng lớn trong năm
2017, kỳ vọng năm 2018, các kênh phi truyền thống của nhà bảo hiểm này
sẽ đóng góp 15% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm. Con số này sẽ tăng
lên 20% trong 5 năm tới và đạt tỷ trọng 25-30% trong khoảng thời gian từ
7-10 năm.
Dù đóng góp còn hạn chế so với tiềm
năng, nhưng Dai-ichi Life Việt Nam là doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu
phí bảo hiểm khai thác mới từ kênh bancassurance lớn thứ 2 thị trường,
chỉ sau Manulife Việt Nam.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng
khoán, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới từ bancassurance của
Manulife hiện chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Manulife
cũng là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có chiến lược rõ
ràng và bền bỉ để phát triển kênh bancassurance ngay từ khi mô hình này
bắt đầu manh nha phát triển tại thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Bancassurance hiện tại đã là mô hình bán
bảo hiểm quen thuộc và đang trong giai đoạn cạnh tranh khá quyết liệt.
Với bancassurance, dù mỗi doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có một định hướng
chiến lược khác nhau, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, để có thể
hợp tác được với nhau, các bên cần có thời gian để tìm hiểu lẫn nhau
nhằm xác định vị thế, tầm nhìn, cũng như mục tiêu phù hợp.
“Một khi thị trường bảo hiểm tiếp tục
tăng trưởng khoảng 20%/năm, thì riêng kênh bancassurance có thể tăng
trưởng 30-40%/năm, bởi các công ty bảo hiểm đang đầu tư rất mạnh vào
kênh này. Hơn nữa, cơ hội bán chéo các sản phẩm trong nội bộ khách hàng
của các ngân hàng là rất rộng mở...”, một chuyên gia trong ngành nhìn
nhận.
Gia Linh