Breaking News

6 ưu điểm nổi bật của chế độ bảo hiểm thai sản mới nhất




Chế độ bảo hiểm thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội đã đặt ra nhiều quyền lợi cho người lao động. Những ưu điểm của chế độ bảo hiểm thai sản khá nhiều, bạn cần phải nắm rõ để tránh mất quyền lợi.


Bảo hiểm thai sản là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ mang thai và sinh con trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm thai sản ngoài chức năng đảm bảo thu nhập cho người lao động khi công việc lao động tạm thời bị gián đoạn, nó còn góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động, đảm bảo quyền được chăm sóc trẻ em. Có thể nói, chế độ bảo hiểm thai sản có tầm quan trọng đặc biệt đối với lao động nữ. Những quy định của chế độ bảo hiểm thai sản đã tạo điều kiện để chị em thực hiện tốt chức năng làm mẹ.



Chế độ bảo hiểm thai sản có tầm quan trọng đặc biệt đối với lao động nữ

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã có những quy định mới dành cho người vợ sinh con cũng như cho người chồng, người mang thai hộ. Mới đây nhất, Nghị định 47/2017/NĐ-CP được ban hành có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 cũng điều chỉnh một số chế độ thai sản có lợi cho người lao động mang thai. Các quy định mới nhất về bảo hiểm thai sản của Luật cũng như Nghị định, Thông tư đã hỗ trợ rất nhiều cho các gia đình trong quá trình sinh con.
1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản đã được ưu tiên cho nhiều đối tượng hơn

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội cũ 2006 (Khoản 1 Điều 28 Luật BHXH 2006) thì đối tượng được hưởng chế độ thai sản chỉ bao gồm:

“a)Lao động nữ mang thai.

b)Lao động nữ sinh con.

c)Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi.

d)Người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản” .

Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã mở rộng thêm cho đối tượng là người mang thai hoặc nhờ mang thai hộ và đối tượng là người chồng. Cụ thể theo Điều 31 Luật BHXH 2014:

“c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con”.
2. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản hợp lý
Thời gian nghỉ khám thai: Trong thời gian có thai, người lao động được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Trường hợp thai phụ ở xa cơ sở y tế hoặc mang thai cần điều kiện chăm sóc đặc biệt thì sẽ được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Thời gian nghỉ khi bị sảy thai, thai chết lưu, sinh non,…: Người mẹ sẽ được quyền nghỉ việc như sau: Nghỉ 10 ngày nếu sảy thai dưới 1 tháng; nghỉ 20 ngày nếu thai từ 1-3 tháng; nghỉ 40 ngày nếu thai từ 3-6 tháng; nghỉ 50 ngày nếu thai từ 6 tháng trở lên.
Thời gian nghỉ sinh con: Người mẹ được quyền nghỉ trước và sau thời gian sinh con 6 tháng (trong đó, thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng). Nếu sinh đôi trở lên thì sẽ được nghỉ thêm 1 tháng. Trường hợp đặc biệt, nếu có nhu cầu nghỉ thêm, thai phụ có thể xin nghỉ phép không lương.
Nếu di làm trước hạn: Theo quy định về đi làm trước thời gian nghỉ thai sản, việc đi làm trước hạn tăng lên ít nhất 4 tháng. Tuy nhiên, người lao động phải báo trước và phải được được người sử dụng lao động đồng ý. Ngoài tiền lương nhận được từ những ngày làm việc, người lao động đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ thai sản vẫn được hưởng trợ cấp thai sản cho đến khi đủ 6 tháng.



Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản hợp lý
3. Mức hưởng trợ cấp thai sản đã được điều chỉnh cho phù hợp

Mức hưởng trợ cấp thai sản bằng 100% bình quân tiền lương hàng tháng của 6 tháng liền kề trước khi sinh con. Ngoài ra, người mẹ còn được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi.
4. Người mẹ được hưởng chế độ hỗ trợ sau sinh

Trong vòng 30 ngày từ ngày làm việc đầu tiên sau chế độ nghỉ thai sản, người mẹ có quyền xin nghỉ thêm để hồi phục sức khỏe, và được nhận 30% mức lương tối thiểu chung/ ngày nếu nghỉ tại nhà, hoặc 40% lương tối thiểu chung/ ngày nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ được quy định như sau: Nghỉ 5 ngày/ năm trong trường hợp bình thường; nghỉ tối đa 7 ngày/ năm nếu sinh mổ; nghỉ tối đa 10 ngày/ năm nếu sinh đôi trở lên.
5. Luật bảo hiểm xã hội đã ưu ái khi dành một quyền lợi cho người chồng

Đây thực sự là một ưu điểm tuyệt vời của chế độ bảo hiểm thai sản. Luật bảo hiểm xã hội 2014 đã có quy định mới trong việc dành những đặc quyền cho người chồng có vợ sinh con.



Luật bảo hiểm xã hội đã ưu ái khi dành một quyền lợi cho người chồng

Theo đó, nếu người chồng có tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì khi vợ sinh con, chồng cũng có quyền được nghỉ theo chế độ thai sản . Chế độ nghỉ thai sản dành cho người chồng có hiệu lực trong vòng 30 ngày tính từ ngày vợ sinh con. Theo đó:
Nghỉ 5 ngày nếu vợ sinh thường.
Nghỉ 7 ngày trường hợp sinh mổ hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi.
Nghỉ 10 ngày nếu vợ sinh đôi. Trường hợp từ ca sinh 3 trở lên thì sẽ được nghỉ thêm 3 ngày cho mỗi bé.
Nghỉ 14 ngày dành cho những trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật.

Ngoài ra, trường hợp chỉ có người chồng tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì người chồng cũng được hưởng trợ cấp thai sản. Theo Điểm e Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì: Nếu vợ sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội thì mức tiền hưởng trợ cấp thai sản của chồng bằng hai tháng lương cơ sở tại tháng sinh con.
6. Bổ sung chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ

Hiện nay, việc mang thai hộ đã trở nên phổ biến ở đất nước ta. Do đó, luật đã bổ sung quyền lợi dành cho đối tượng mang thai hộ cũng như người mẹ nhờ mang thai hộ.

Lao động nữ mang thai hộ được hưởng chế độ giống với chế độ thai sản của người mẹ khi khám thai, sẩy thai, nạo hút thai,...và chế độ sinh con đến khi giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ.

Đối với người mẹ nhờ mang thai hộ thì được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Nhìn chung, những sửa đổi, bổ sung của Luật dành cho chế độ bảo hiểm thai sản đều mang hướng có lợi cho người lao động, tạo điều kiện cho thai nhi sinh ra một cách tốt nhất.