Quỹ bảo hiểm y tế dự kiến bội chi 10.000 tỷ đồng năm 2017
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều địa phương bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tốc độ tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thời gian qua rất lớn, bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều địa phương đến nay đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả năm của tỉnh như Quảng Nam, Quảng Trị. Dự kiến năm nay quỹ Bảo hiểm y tế bội chi trên 10.000 tỷ đồng. Ước tính khoảng 59 tỉnh bội chi, nhiều nơi dự kiến bội chi 500-1.000 tỷ như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng...
Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, bội chi nghĩa là số thu bảo hiểm y tế trong năm thấp hơn số chi, chi nhiều hơn thu. Tình trạng bội chi quỹ khám chữa bệnh tính trong một năm của một địa phương; còn quỹ bảo hiểm y tế phải bù trừ lẫn nhau giữa tỉnh có kết dư và tỉnh bội chi.
Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Bảo hiểm Y tế. Ảnh: N.Phương.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bội chi là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ tháng 3/2016, giúp đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trước đây một số chi phí chưa được tính vào giá nên người bệnh phải trả thêm. Việc tăng chi phí khám chữa bệnh đã được dự báo từ trước, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2017 tiếp tục tăng, ông Khảm cho biết.
Thứ hai là do áp dụng chính sách thông tuyến huyện, người bệnh có cơ hội tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh chữa bệnh thuận tiện hơn, thủ tục hành chính giảm đi nhiều. Thứ ba, kỹ thuật mới được ứng dụng, chuyển giao từ tuyến trên xuống tận tuyến huyện, người dân dễ dàng tiếp cận hơn mà không phải đi lại xa. Do đó chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao.
Thứ tư, tốc độ già hóa dân số ở nước ta rất nhanh kèm theo bệnh tật cũng là nguyên nhân bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Mỗi người già mang 3-4 bệnh; các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường… gia tăng, đều là bệnh mãn tính làm gia tăng chi phí điều trị xét nghiệm, thuốc…
Lạm dụng dịch vụ y tế cũng được cho là nguyên nhân. Tuy nhiên, ông Khảm cho rằng tình trạng này không phải mang tính hệ thống mà chỉ xảy ra ở một đơn vị cụ thể nào đó. Tổng hội Y học Việt Nam mới đây thực hiện nghiên cứu phân tích hồ sơ bệnh án các bệnh nhân đã ra viện tại một số cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, tư nhân, trạm y tế xã để đánh giá sự gia tăng chi phi y tế. Theo kết quả ban đầu, số chi do lạm dụng chiếm khoảng 5% tổng chi. Lạm dụng gồm hai cấp độ: Chỉ định phù hợp với chẩn đoán nhưng không cần thiết và chỉ định không phù hợp chẩn đoán.
Bảo hiểm xã hội kiểm tra trên hệ thống thông báo từ chối thanh toán hàng triệu hồ sơ bệnh án, với hàng trăm tỷ đồng. Ông Khảm cho biết không phải tất cả do “làm ăn gian dối” mà có thể chuyển dữ liệu bị lỗi, nhập mã sai, lỗi kỹ thuật....; ngoài ra cũng có trường hợp chỉ định không cần thiết. Ví dụ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có trường hợp chụp X-quang 12 lần trong một ngày, thực chất do bị lỗi nhập liệu.
Số thu về quỹ bảo hiểm y tế được chia hai cấu phần: 90% dành khám chữa bệnh, 5% cho quản lý, 5% dự phòng. Ví dụ quỹ thu 70.000 tỷ đồng thì dự phòng 350 tỷ, số dự phòng khá lớn cộng thêm khoảng kết dư hàng năm. Cân đối toàn hệ thống quỹ bảo hiểm y tế cuối 2016 còn dư hơn 47.000 tỷ đồng, dự báo nếu trong mỗi năm sử dụng thêm hơn 10.000 tỷ thì hết năm 2019 quỹ vẫn còn cân đối được vì không mở rộng chính sách. Trong khi đó quỹ dự phòng là để dành khám chữa bệnh khi thu không đủ chi.
Việc bội chi quỹ hiện tại ở nhiều địa phương không ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân, theo các chuyên gia. Hiện cũng chưa có sự thay đổi nào đối với giá hoặc chi trả bảo hiểm y tế. “Thực tế, mức đóng bảo hiểm y tế không thay đổi nhưng quyền lợi đã được mở rộng qua thông tuyến, người nghèo không phải cùng chi trả, người cận nghèo chỉ phải cùng chi trả 5%, người tham gia năm năm liên tục được miễn giảm đồng chi trả… ”, ông Khảm nói.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sáu tháng đầu năm có 15 tỉnh tăng trên 20% số lượt khám chữa bệnh, trong đó Bình Phước tăng gần 40%, Khánh Hòa hơn 34%. 31 tỉnh gia tăng chi phí khám chữa bệnh trên 40% so với cùng kỳ. Đặc biệt một số địa phương gia tăng trên 70% như Kon Tum, Lạng Sơn, Khánh Hòa…