Breaking News

Nữ thủ khoa ĐH Sư phạm tốt nghiệp xong về quê chăn lợn: Hạng nhất trong trường nhưng ra đời mà thụ động thì cũng bằng không!

Sau khi xuất hiện trên mạng, bài phỏng vấn Bùi Thị Hà - thủ khoa ĐH Sư phạm nhưng tốt nghiệp hơn 1 năm vẫn đang ở quê chăn lợn đã tạo nên được khá nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người chê trách rằng cô bạn này đã quá thụ động, không biết tự tìm lấy cơ hội cho riêng mình. 

Đối với các bạn sinh viên vừa mới ra trường, chắc hẳn mối quan tâm lớn nhất luôn là làm thế nào để có thể tìm được một công việc tốt, phù hợp và xứng đáng với những năm tháng "dùi mài kinh sử" của mình trên giảng đường Đại học. Đã có rất nhiều những câu chuyện, những quan điểm gây xôn xao cộng đồng mạng về vấn đề này. Và mới đây nhất, bài phỏng vấn bạn Bùi Thị Hà - Thủ khoa xuất sắc ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã một lần nữa khiến dân tình dậy sóng.Cụ thể, trong bài phỏng vấn này, bạn Hà đã chia sẻ rằng dù đã tốt nghiệp được hơn 1 năm nhưng tính đến thời điểm hiện tại, bạn chưa tìm được công việc phù hợp và vẫn ngày ngày làm việc đồng áng, nuôi lợn cùng bố mẹ ở quê nhà.


Bùi Thị Hà (Phải)
Bùi Thị Hà (Phải)
Hà cho hay: "Một năm qua tỉnh nhà không có đợt thi tuyển giáo viên nào. Lãnh đạo sở GD&ĐT cũng rất quan tâm tới em, họ nói khi nào có đợt sẽ thông báo để em thi. Nhưng, em không biết đợi đến bao giờ."
Ngay sau khi xuất hiện trên mạng, đã có vô số ý kiến trái chiều về câu chuyện này được đưa ra. Bên cạnh những người cảm thông và ủng hộ Hà bước tiếp trên con đường mà mình đã chọn thì cũng không ít người chê trách rằng cô bạn này đã quá thụ động, không biết tự tìm lấy cơ hội cho riêng mình.
Hạng nhất trong trường nhưng nếu ra đời mà không năng động, chịu khó thì cũng bằng không!
Bên cạnh những lời động viên, chia sẻ thì cũng không ít người thẳng thắn cho rằng đúng là nhu cầu thị trường lao động có thể thấp, nhưng lỗi một phần cũng là do bản thân bạn Hà chưa chủ động tìm kiếm và nắm bắt lấy cơ hội.
"Thủ khoa thì chỉ là hạng nhất ở ghế giảng đường thôi, còn ra trường thì ai năng động, chịu khó học hỏi, thay đổi bản thân thì mới thành công được. Việc làm thì rất nhiều, chỉ là lao động và nhu cầu của doanh nghiệp không gặp nhau thôi. Lao động phải tự thay đổi mình chứ không thể ngồi chờ doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho mình được." - một bạn có nickname B. Xuka để lại bình luận.
"Bạn ấy nên năng động hơn và tự mình tìm việc, vì bây giờ tất cả các cơ quan nhà nước từ giáo dục đến tài chính đều đang tinh giảm bớt biên chế, bạn có học giỏi thế nào cũng chưa chắc vào được vì người ta có tổ chức thi tuyển đâu mà đòi vào? Mấy năm người ta mới thi tuyển một lần để tìm thêm người thay cho số nhân viên nghỉ hưu, mà đừng quên thời những người cũ thì rất ít nhân viên, một người ra thì cả trăm người muốn chen vào vị trí trống đó, bạn nhắm chen nổi người ta không?" - đây là chia sẻ từ bạn B.Moon.
"Tôi thắc mắc tại sao các bạn có thể chấp nhận thất nghiệp, chấp nhận ngồi chờ "1 công việc gần nhà, đúng chuyên ngành" mà không biết chờ đến bao giờ... Chẳng thà năng lực của bạn yếu kém đã đành, đây lại là Thủ khoa. Tại sao trong lúc chờ đợi bạn không kiếm việc làm? Trái ngành cũng được, gia sư cũng được miễn sao không thất nghiệp ngồi nhà chơi. Trong thời gian 1 năm các bạn dự định sẽ ghi gì trong CV xin việc của mình? Ngồi nhà chăn lợn? Sao tôi thấy 1 số SV giờ an phận và thụ động thế? Năng động lên, mình đi kiếm việc tìm việc chứ việc không bao giờ tự tìm đến mình đâu các bạn trẻ ạ." - bạn Bùi Trang không ngần ngại thể hiện quan điểm của mình.
"Thân là thủ khoa mà ngồi chờ người ta xếp cho trường dạy gần mới dạy. Miệng nói khát khao sao không lao đi mà dạy, đã khát khao thì dạy đâu chẳng là dạy. Cứ trách xã hội, nhưng con người cần phải thay đổi mình một cách tích cực để thích ứng với chính xã hội ấy. Dù việc làm ngành Sư phạm bây giờ khó khăn thật, nhưng với cách nhìn của một sinh viên bằng giỏi thất nghiệp, mình tự nhận thấy, thất nghiệp là do bản thân mình đã không năng động, không nỗ lực, không tìm kiếm cơ hội." - một bạn nam có tên Thanh Hải cho hay.
Nếu thật sự giỏi thì có hàng trăm cách khác để cống hiến và thể hiện chứ không chỉ có mỗi công việc giáo viên
Với tấm bằng thủ khoa xuất sắc, chắc chắn kiến thức lẫn kĩ năng của Bùi Thị Hà "không phải dạng vừa đâu". Và với những nền tảng sẵn có, Hà có thể làm được rất nhiều thứ khác chứ không chỉ quẩn quanh mỗi công việc giáo viên đứng lớp. Đây cũng chính là một góc nhìn khác đã được đưa ra xoay quanh câu chuyện này. Kha khá người đã lên tiếng và ủng hộ bạn Hà đi tìm một hướng đi mới, một công việc mới. Và trên đời này không chỉ có người làm giáo viên mới được xem là cống hiến, có rất nhiều cách để bạn có thể sử dụng năng lực bản thân và đem lại những giá trị tốt đẹp cho người khác.
"Bản thân mình thấy cô gái này cũng nên xem lại mình. Thủ khoa, đâu nhất thiết phải xin vào làm giáo viên. Có vốn kiến thức văn học còn bao công việc khác mà. Ngay cả dạy cho các cơ sở tư nhân thôi cũng hơn là về nhà chăn lợn. Chỉ có là thủ khoa mọt sách, thủ khoa giấy thôi." - bạn V.H khuyên Hà.
Một bạn khác có nickname T.Hoàng thì lại: "Học giỏi thì rất tốt, nhưng học giỏi chưa chắc ra xã hội sống được, nói thật mất lòng, tấm bằng thủ khoa của bạn chả đáng là gì trong xã hội này đâu. Bên nhà nước thì bão hòa nhân viên, muốn tinh giảm biên chế, bên tư nhân thì người ta cần kỹ năng, cần người làm được việc cho họ, chứ bằng cấp thì họ chỉ xem như một thông tin để tham khảo thêm về bạn thôi, cứ ôm khư khư cái danh "thủ khoa" thì chỉ có thể nuôi lợn rồi ngồi đợi một ngày rất xa được gọi đi làm. Cánh cổng này khép lại thì sẽ có rất nhiều cánh cổng khác mở ra, điều quan trọng là bước chân của mình đi như thế nào thôi!"
Đây là tình hình chung, là thực trạng mà những sinh viên ngành học đang bị bão hoà phải làm quen và chấp nhận.
Đây chính là phản ứng đầu tiên của rất nhiều người sau khi đọc xong bài viết về bạn Bùi Thị Hà. Ngành học Sư phạm trong suốt nhiều năm nay vẫn được cho rằng đã và đang bão hoà, lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm đều quá lớn so với nhu cầu thực tế. Vậy nên khi nghe bạn Hà chia sẻ rằng đã chờ hơn một năm nhưng vẫn chưa được tham gia thi tuyển, không ít người đã thể hiện sự thông cảm và cho rằng đây là điều có thể hiểu được.
Một bạn có nickname B.M để lại bình luận: "Chia sẻ cho bạn này những gì mình đã trải qua, trước kia khi mình học chọn ngành ngân hàng rất hot, học xong thì ngân hàng đã bão hòa, lượng sinh viên ra trường không có việc làm nhiều lắm, mình xin làm thời vụ trong một ngân hàng thuộc nhà nước với mức lương chỉ vỏn vẹn 2 triệu/tháng, nhưng mình cắn răng mà làm, hy vọng đợi được vào chính thức. Vừa làm mình vừa học lên tiếp trong thời gian chờ đợi. 
Nhưng mất 5 năm trời ngồi nuôi hy vọng mà vẫn không được nhận vào làm vì ngân hàng thậm chí còn muốn cắt giảm bớt biên chế thì đâu ra suất cho mình vào? Chờ không nổi, mình quyết định xin nghỉ, ra ngân hàng cổ phần xin vào làm và được nhận vào với mức lương căn bản cũng 7 triệu/ tháng, tính cả lương kinh doanh thì tháng nào cũng trên 10 triệu. Mình nghĩ bạn này cũng giống mình trước kia, kiểu như được gia đình vẽ sẵn cho một cái tương lai ổn định với một chỗ ngồi trong nhà nước, rốt cuộc thì chỉ phí hoài thời gian chờ đợi mà chẳng được gì."
Ngoài ra cũng có một vài bạn trẻ khác hiện đang theo đuổi đam mê sư phạm chia sẻ với khó khăn của Bùi Thị Hà. Một nữ giáo viên trẻ tên P.An tỏ vẻ cảm thông: "Mình cũng học sư phạm giống bạn nên hiểu rõ hoàn cảnh mà bạn đang kẹt phải. Đúng là tiến thoái lưỡng nan thật. Mình tốt nghiệp được 3 năm rồi nhưng chỉ mới làm công việc liên quan đến ngành học trong khoảng 1 năm trở lại đây. Hai năm còn lại mình phải làm những công việc rất không liên quan như làm nhân viên nhà sách hay phụ trách thiết bị trong trường. Nơi mình làm việc hiện nay vẫn chưa phải là nơi mà mình mơ ước. Nhưng thôi thế cũng được rồi. Mong bạn sớm tìm được vị trí phù hợp với khả năng nhé!"