Breaking News

Bà mẹ bỉm sữa làm kinh tế nhất định phải tránh 7 sai lầm 'chết người' này

Những bà mẹ vừa chăm lo con cái, vừa gánh vác công việc mưu sinh, chẳng khác nào một siêu nhân (Superwoman). Bản tính chu toàn của một bà mẹ rất hữu ích khi ở nhà nhưng ra thương trường có thể khiến cho việc kinh doanh khó khăn hơn. Sau đây là những sai lầm chết người các bà mẹ bỉm sửa muốn thử sức làm kinh doanh cần nên tránh.

Bà mẹ bỉm sữa làm kinh tế nhất định phải tránh 7 sai lầm 'chết người' này

Sai lầm thứ nhất: Suy nghĩ 'Tôi có thể làm tất cả'

Đây là một sai lầm cổ điển mà hầu hết các bà mẹ bỉm sữa gặp phải: Thay vì từ bỏ quyền kiểm soát và để cho người khác làm thay trong một thời gian, họ cố gắng làm tất cả một mình. Tất nhiên, bản năng làm mẹ khiến họ nghĩ có thể làm bất cứ điều gì nhưng trong trường hợp này là không hiệu quả.

Thời gian đối với hầu hết các bà mẹ là rất quý và họ không thể để lãng phí. Họ thường tranh thủ làm nhiều việc cùng một lúc, vừa lo công việc gia đình vừa lo công việc của công ty. Nếu điều này diễn ra trong một thời gian dài sẽ dẫn đến kiệt sức và có thể ngăn chặn sự thành công.

Vậy bạn làm gì? Bạn học cách ủy quyền. Là một nhà lãnh đạo, hãy tìm hiểu những gì nhân viên của bạn nổi trội tại và cố gắng cho họ quyền tự chủ cũng như truyền đạt kinh nghiệm những gì bạn tích lũy được để hỗ trợ việc phát triển nghề nghiệp của họ, như vậy bạn mới có thời gian nghỉ ngơi.

Joanna Strober, mẹ của ba con và CEO của Kurbo Health nói, “Là một bà mẹ làm kinh tế thực sự rất khó khăn. Chúng tôi có một mớ hỗn độn của cảm xúc mâu thuẫn, bao gồm bất lực, sợ hãi, giận dữ, và tội lỗi mà chúng ta không thể giải quyết tất cả. Nhưng bạn biết không? Không ai có thể làm được - thậm chí cả Superwoman”.

Sai lầm thứ hai: Bỏ qua việc lập kế hoạch kinh doanh khả thi

Khi bạn có một ý tưởng “rung chuyển trái đất”, bạn muốn thực hiện ngay nó và để lại sau lưng các công việc nhàm chán như viết một chiến lược kinh doanh hay một kế hoạch khả thi. Kế hoạch kinh doanh vững chắc đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định sự thành công của thương vụ. Một kế hoạch kinh doanh chính là định hướng để doanh nghiệp của bạn đi đúng hướng.

Trước khi viết kế hoạch của bạn, trả lời các câu hỏi sau: mục đích, giá trị và sứ mệnh của doanh nghiệp của bạn là gì? Các khách hàng tiềm năng là ai? Định hướng bạn mong muốn cho công ty? Đối thủ cạnh tranh của bạn là ai và họ đang làm gì để khác biệt? Làm thế nào để đo lường thành công?

Hãy chắc chắn rằng bạn đã có sẵn một kế hoạch kinh doanh trước khi bạn bước về phía trước.

Sai lầm thứ ba: Lộn xộn giữa công việc kinh doanh và công việc “làm mẹ”

Một trong những sai lầm chết người mà một số bà mẹ mắc phải là không phân định ranh giới giữa công việc và việc chăm con. Những cuộc nói chuyện quan trọng thường bị gián đoạn bởi sự làm phiền của những đứa trẻ. Bạn cần dành riêng một không gian làm việc để bạn có thể tập trung vào những gì cần phải được thực hiện mà không bị phiền nhiễu bên ngoài.

Jessica Kettle, chủ sở hữu của Jessica Kettle Photography và mẹ để ba đứa con, nói: “Tách biệt thời gian dành cho gia đình riêng và thời gian làm việc càng nhiều càng tốt. Điều này làm tăng năng suất làm việc, gia đình và khách hàng của bạn hạnh phúc hơn khi bạn có thể tập trung vào những gì bạn đang làm, chứ không phải dàn trải”.

Sai lầm thứ tư: Bám vào các ý tưởng sai bởi vì bạn làm theo cảm tính

Nhiều doanh nhân rất say mê với ý tưởng của họ và vẽ ra viễn cảnh tươi sáng của việc kinh doanh nhưng khi họ biết ý tưởng của họ sai lầm thì đã quá muộn. Kinh doanh theo cảm tính có thể là sai lầm tồi tệ nhất bạn có thể làm.

Trong khi bạn không bao giờ nên bỏ qua một linh cảm, nhưng phải chắc chắn rằng “linh cảm” cần được cân bằng với chiến lược kinh doanh dựa trên việc nghiên cứu, xem xét các chỉ số hoạt động quan trọng. Nếu đây là thương vụ làm ăn đầu tiên của bạn, hãy kiểm tra thử những sản phẩm nào tốt nhất để thu hút khách hàng. Bạn cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng các chi phí tiếp thị để có một khách hàng mua sản phẩm là bao nhiêu và xem xét những cải tiến cần thiết nhằm làm giảm chi phí.

Sai lầm thứ năm: Không đam mê

Nếu bạn đang bắt đầu một doanh nghiệp chỉ đơn giản là để trả các hóa đơn, bạn có nhiều khả năng vận hành một doanh nghiệp “trả tiền nhiều hơn” thay vì làm “những gì bạn yêu thích hơn”. Yêu những gì bạn làm có thể giúp làm giảm bớt sự căng thẳng của công việc, đem lại sự cân bằng cá nhân, và giúp duy trì năng lượng của bạn.

Theo Erin Schurtz, chủ sở hữu của Mommi và là một người mẹ của ba con, “Cuộc sống quá ngắn để dành thời gian làm việc chỉ để trả hóa đơn, nhất là bạn phải hy sinh thời gian ở bên cạnh con và gia đình. Nếu bạn yêu thích công việc của bạn, bạn sẽ dễ dàng có một cuộc sống cân bằng“.

Sai lầm thứ sáu: Không tìm sự hỗ trợ ngay

Cố gắng thu xếp giữa gia đình và công việc có thể quá tải, vì vậy điều quan trọng là bạn cần có sự giúp đỡ khi cần. Nên tạo dựng mối quan hệ giữa các bà mẹ cùng cảnh ngộ để mọi người có thể tư vấn và giúp đỡ cho bạn. Họ hiểu những gì bạn đang trải qua và những gì bạn cần hỗ trợ.

Amber Lont, người sáng lập ‘Organized (re)designed’ là mẹ của hai con, gợi ý rằng bạn nên tìm các bà mẹ khác và cố gắng làm bạn với họ. Điều này giúp nuôi dưỡng một tình bạn thân thiết với các bà mẹ khác - những người cũng đang cố gắng để thể hiện phong cách làm việc và phong cách cá nhân chuyên nghiệp tương tự như bạn.

Sai lầm thứ bảy: Lo ngại thất bại

Bắt đầu việc kinh doanh mới là một việc rất lớn và không có gì sai khi cảm thấy sợ hãi. Tuy nhiên, đừng để những nỗi sợ hãi lấn lướt và cản trở tiến độ công việc của bạn.

Đừng cho phép suy nghĩ tiêu cực của những người khác ảnh hưởng đến bạn vì điều đó có thể làm thiệt hại nhiều hơn lợi. Dù thận trọng với những cảnh báo xung quanh, nhưng hãy làm theo tiếng nói trong tâm trí của bạn. Điều quan trọng là bạn tiếp tục chiến đấu cho doanh nghiệp của mình và tin vào chính mình!

No comments