Breaking News

38 CÂU HỎI THƯỜNG GẶP KHI THAM GIA BHNT

1. BẢO HIỂM NHÂN THỌ LÀ GÌ?

Bảo hiểm nhân thọ là một hợp đồng giữa một cá nhân và công ty bảo hiểm nhân thọ để bảo hiểm cho bản thân mình hay người thân, hoặc giữa một tổ chức với công ty bảo hiểm nhân thọ để bảo hiểm cho nhân viên của mình, với mục đích đảm bảo an toàn tài chính cho người tham gia bảo hiểm.
Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, Công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ căn cứ vào điều khoản hợp đồng tương ứng của sản phẩm mà khách hàng tham gia để chi trả quyền lợi bảo hiểm. Quyền lợi bảo hiểm mà khách hàng sẽ nhận được ghi rõ trong Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ, hoặc các văn bản xác nhận điều chỉnh nếu có.
2. LỢI ÍCH KHI THAM GIA BẢO HIỂM NHÂN THỌ LÀ GÌ?
Lợi ích khi tham gia Bảo hiểm Nhân thọ:
Đối với cá nhân và gia đình:
Là có được sự an tâm vì khách hàng sẽ có được nguồn tài chính đảm bảo trong trường hợp không may bị tử vong hay bị thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, dẫn đến mất nguồn thu nhập. Bằng cách đó, bảo hiểm nhân thọ góp phần ổn định cuộc sống gia đình.Để tích lũy cho những kế hoạch tương lai, như để dành tiền cho con đi học, cho con một số vốn để vào đời, hoặc có thể tiết kiệm tiền để mua xe, mua nhà, vui hưởng cuộc sống sau khi về hưu…
Đối với xã hội:
Bảo hiểm nhân thọ mang lại nhiều lợi ích to lớn:
Tạo sự ổn định xã hội thông qua việc giảm thiểu tối đa sự lo lắng cho bên mua bảo hiểm;Huy động vốn để đầu tư cho những dự án trung và dài hạn nhằm góp phần phát triển đất nước;Giảm gánh nặng ngân sách quốc gia trong việc chăm lo người già, và những người phụ thuộc khi người trụ cột trong gia đình qua đời;Tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
3. KHI NÀO THÌ HỢP ĐỒNG ĐƯỢC HƯỞNG LÃI CHIA VÀ TÔI CÓ THỂ SỬ DỤNG KHOẢN LÃI CHIA NHƯ THẾ NÀO?
Một số Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có điều khoản tham gia chia lãi, lãi chia có nguồn gốc từ khoản lãi do công ty bảo hiểm đầu tư từ phí bảo hiểm và các khoản chi phí mà công ty bảo hiểm tiết kiệm được. Thông thường, lãi chia thường được công ty bảo hiểm thoả thuận là trả cuối mỗi năm hợp đồng, tuy nhiên, khoản tiền lãi chia không trả trực tiếp mà được cộng dồn để đến khi đáo hạn hợp đồng. Ngoài số tiền bảo hiểm được nhận như cam kết ban đầu, khách hàng còn được nhận thêm phần lãi chia được tích luỹ từ các năm trong thời hạn hợp đồng.
Hiện nay có một số doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra những sản phẩm cạnh tranh về chia lãi (bảo tức), trường hợp thứ nhất, lãi được chia sẻ được thông báo hàng năm tới khách hàng vào ngày kỷ niệm tròn năm của hợp đồng bảo hiểm hoặc ngày cuối năm tài chính và được trả vào khi đáo hạn hợp đồng bảo hiểm, trường hợp thứ 2, lãi được chia có thể công bố hàng tháng hoặc hàng quý đối với những sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư và có thay đổi tuỳ theo kết quả đầu tư cao hay thấp thì lãi được chia sẻ cao hay thấp, thông báo cho người được bảo hiểm biết để lựa chọn đầu tư thêm hay rút bớt tiền đầu tư. Trường hợp thứ 3, doanh nghiệp công bố trả thêm quyền lợi bảo hiểm bằng tiền mặt hàng năm theo một tỷ lệ nhất định so với số tiền bảo hiểm, thực chất đây là khoản chia lãi của doanh nghiệp bảo hiểm bằng tiền mặt trả hàng năm cho người tham gia bảo hiểm.
4. KHI CÓ SỰ KIỆN BẢO HIỂM XẢY RA, NGƯỜI YÊU CẦU GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI BẢO HIỂM CẦN THỰC HIỆN NHỮNG VIỆC GÌ?
Khi có sự kiện Bảo hiểm xảy ra người yếu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm cần thực hiện:
Báo đại lý phục vụ, để được hướng dẫn chi tiết.Nộp các chứng từ, giấy tờ được yêu cầu trong Thư yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm.Hợp tác với Công ty để thực hiện các yêu cầu (nếu có) nhằm hoàn tất việc thẩm định yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm trong thời gian sớm nhất.
5. ĐIỀU KHOẢN HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ CÓ NÓI ĐẾN BẢO TỨC, VẬY BẢO TỨC LÀ GÌ VÀ ĐƯỢC TÍNH TRÊN CƠ SỞ NÀO?
Nếu hợp đồng bảo hiểm có tham gia vào việc chia lãi thu về từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Công ty bảo hiểm sẽ chia sẻ lợi nhuận cho Bên mua bảo hiểm dưới hình thức bảo tức hàng năm, căn cứ vào:
Chênh lệch giữa kết quả hoạt động kinh doanh thực tế và giả định kỹ thuật của:
Lãi suất đầu tư, Chi phí, Tỷ lệ thanh toán quyền lợi bảo hiểm.
Vào đầu mỗi năm dương lịch, đối với những hợp đồng đã có hiệu lực được ít nhất 3 tháng, Công ty sẽ thông báo cho Bên mua bảo hiểm bảo tức của năm trước. Khoản bảo tức này được tính trên cơ sở số tiền bảo hiểm có tại thời điểm cuối năm và tỷ lệ với thời gian hợp đồng có hiệu lực trong năm dương lịch trước đó.
6. GIÁ TRỊ HOÀN LẠI CỦA HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ LÀ GÌ? KHI NÀO HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ CỦA TÔI HÌNH THÀNH GIÁ TRỊ HOÀN LẠI VÀ NHỮNG HỢP ĐỒNG NÀO CÓ GIÁ TRỊ HOÀN LẠI?
Giá trị hoàn lại được áp dụng cho những hợp đồng bảo hiểm của các sản phẩm có tham gia chia lãi (tức có yếu tố tiết kiệm). Đây là giá trị được hình thành từ nguồn phí dự phòng được trích lập từ phí bảo hiểm thu được và sự tích lũy từ việc đầu tư phí bảo hiểm. Về bản chất: Giá trị hoàn lại là giá trị hiện tại của những quyền lợi trong tương lai của khách hàng.
Giá trị hoàn lại chỉ hình thành sau khi khách hàng đóng đủ 2 năm phí bảo hiểm. Giá trị hoàn lại sẽ tăng lên hằng năm.
Khi hợp đồng đã có giá trị hoàn lại, Bên mua bảo hiểm có thể:
Sử dụng giá trị hoàn lại để nộp phí bảo hiểm tự động,Tạm ứng số tiền không quá 80% giá trị hoàn lại để giải quyết những nhu cầu tài chính của mình,Nhận toàn bộ giá trị hoàn lại nếu hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm,Dừng nộp phí bảo hiểm và duy trì hợp đồng với số tiền bảo hiểm giảm.
7. TRONG TRƯỜNG HỢP 1 CÔNG TY BH DỪNG HOẠT ĐỘNG THÌ NHỮNG HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM CỦA KHÁCH HÀNG SẼ GIẢI QUYẾT NTN?
Có 3 kiểu dừng hoạt động của các công ty bảo hiểm:
Dừng hoạt động do mua bán : công ty cũ (người bán) có trách nhiệm bàn giao lại cho công ty mới (người mua) và khi đó các hợp đồng vẫn có hiệu lực như cũ. Chuyển giao cho ông mới sáp nhập/mua bán/ chia tách, giải thể theo hình thức tự nguyện. và khi đó quyền lợi khách hàng không thay đổi. Công ty tiếp nhận có trách nhiện đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, tôn trọng hiệu lực hợp đồng cũ đã kí.
Dừng hoạt động theo lệnh của bộ tài chính , do công ty khong phát triển được, khó có khả năng tồn tại mà chưa đến mức đọ phá sản, giải thể thì BTC có quyền chỉ định 1 doanh nghiệp BH đứng ra tiếp nhận. Và tương tự thì quyền lợi bảo hiểm của khách hàng vẫn được đảm bảo
Dừng hoạt động do mất khả năng thanh toán dẫn đến phá sản , khách hàng được quĩ “bảo vệ người được bảo hiểm” thành lập theo quyết định sô 101 ngày 20/8/2013 chi trả tối đa cho mỗi khách hàng là 200tr đồng. Tuy nhiên trường hợp này sẽ không bao giờ xảy ra bởi BTC thường xuyên kiểm tra bắt các DN báo cáo 3 tháng/1 lần để nắm rõ tình hình.
8. TẠI SAO NHỮNG NĂM ĐẦU KHI THAM GIA BẢO HIỂM, GIÁ TRỊ HOÀN LẠI THƯỜNG THẤP HƠN SO VỚI SỐ PHÍ MÀ KHÁCH HÀNG ĐÃ NỘP?
Thông thường, phí bảo hiểm mà khách hàng nộp khi tham gia bảo hiểm được công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tính toán dựa trên phí bảo hiểm thuần, tức phần phí để công ty cung cấp các quyền lợi bảo hiểm theo các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm, và phí quản lý cho suốt thời gian đã cam kết trong hợp đồng.
Trong những năm đầu, các chi phí liên quan đến việc phát hành và phục vụ hợp đồng (còn được gọi là chi phí khai thác ban đầu), như: chi phí thẩm định, chi phí xét nghiệm y khoa, chi phí thực hiện và in ấn hợp đồng, v.v… lớn hơn nhiều so với chi phí phục vụ cho việc duy trì hợp đồng trong những năm tiếp theo. Trong khi đó, phí bảo hiểm mà khách hàng đóng vào hàng năm là không thay đổi trong suốt thời hạn hợp đồng. Điều đó có nghĩa chi phí thực tế trong những năm đầu của hợp đồng bảo hiểm thường cao hơn nhiều so với số phí thu được từ hợp đồng đó. Thêm vào đó, do nét đặc thù của hoạt động BHNT theo nguyên tắc “số đông bù số ít”, nên ngay sau khi hợp đồng đã có hiệu lực, thì bản thân hợp đồng đó cũng đã đóng góp vào quỹ bồi thường rủi ro chung trong thời gian tham gia với các công ty bảo hiểm. Vì thế, trong hai năm đầu các hợp đồng BHNT chưa có giá trị hoàn lại, và trong những năm tiếp theo đó giá trị hoàn lại cũng thường nhỏ hơn so với số phí đóng vào. Điều đó giải thích vì sao, khi khách hàng hủy hợp đồng trong những năm đầu tham gia bảo hiểm không những khách hàng, mà ngay bản thân các công ty BHNT cũng bị thiệt thòi vì chưa thu hồi được chi phí lớn đã bỏ ra.
Điều 35 của Luật Kinh Doanh Bảo hiểm đã quy định: các công ty BHNT được phép không cung cấp giá trị hoàn lại nếu phí bảo hiểm trong hai năm đầu của hợp đồng BHNT chưa được nộp đủ. Bộ Tài chính khẳng định, quy định này của Luật Kinh doanh Bảo hiểm đã giúp cho các công ty bảo hiểm giữ vững được sự ổn định trong quá trình hoạt động của mình và từ đó tiếp tục phục vụ và bảo vệ khách hàng một cách tốt nhất.
Mục đích chính của khách hàng khi tham gia BHNT là bảo vệ an toàn tài chính cho bản thân và gia đình trước những bất trắc có thể xảy ra. Khi hợp đồng được phát hành, khách hàng đã được bảo hiểm ngay với số tiền bảo hiểm ghi trên hợp đồng, bất kể khách hàng đã tham gia bảo hiểm được bao lâu, đã nộp bao nhiêu phí, miễn là họ đã khai đầy đủ, trung thực khi điền Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, và phí bảo hiểm đến hạn được nộp đầy đủ và đúng hạn.
9. BẢO HIỂM NHÂN THỌ VỀ SỨC KHỎE CÓ GÌ KHÁC SO VỚI BẢO HIỂM Y TẾ?
Bảo hiểm y tế chữa bệnh theo hướng dẫn của bộ y tế: dùng loại thuốc nào, phác đồ điều trị ra sao và được thanh toán toàn bộ chi phí điều trị. 2020 nhà nước chủ trương 90% người Việt có BH y tế. Tuy nhiên Bảo hiểm về sức khỏe của BHNT có các yếu tố cạnh tranh như:
1- Được nằm bệnh viện quốc tế, những cơ sở điều trị tốt hơn hay chấp nhận điều trị theo hình thức tự nguyện.
2- Mức chi trả khách hàng được lựa chọn: thanh toán toàn bộ tiền viện phí, bảo lãnh tiền viện phí hoặc thanh toán theo ngày bao gồm cả tiền ăn, tiền điều trị, tiền chăm sóc, tiền lương, tiền thuốc men hằng ngày.
3- BHNT bảo hiểm cả những bệnh hiểm nghèo mà BH y tế loại trừ.
10. DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM CÓ GÌ ĐẢM BẢO SẼ CHI TRẢ TIỀN KHI THAM GIA BẢO HIỂM?
Hợp đồng bảo hiểm hợp pháp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng chính là Bằng chứng có giá trị pháp lý đảm bảo việc doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đúng cam kết chi trả.
Các điều khoản và điều kiện của bất kỳ sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nào, trước khi được triển khai trên thị trường đều được Bộ Tài chính Việt Nam kiểm tra và chấp thuận. Bộ Tài chính cũng ban hành và giám sát việc thực hiện các quy định về tài chính đảm bảo Công ty bảo hiểm đáp ứng được khả năng chi trả cho các chủ hợp đồng.
11. CÓ CÁC LOẠI SẢN PHẨM BẢO HIỂM NHÂN THỌ NÀO? PHÂN LOẠI BHNT, NÊN THAM GIA LOẠI SẢN PHẨM NÀO THÌ TỐT NHẤT?
Trên thực tế thị trường BHNT của Việt Nam hiện nay có 2 nhóm sản phẩm chính: Thứ 1 là nhóm bảo hiểm bảo vệ thuần túy, thứ 2 là nhóm bảo hiểm tiết kiệm và liên kết đầu tư.
Ở nhóm thứ 1, đây là nhóm bảo hiểm chỉ có duy nhất chức năng là bảo vệ thôi. Nghĩa là khi tham gia bạn sẽ đóng cho công ty một khoản phí bảo hiểm hàng năm, nếu cuộc sống êm đềm trôi đi không có sự kiện bảo hiểm nào xảy ra thì coi như số tiền đó mất, ngược lại nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra công ty bảo hiểm sẽ bồi thường một khoản tiền theo như cam kết trong hợp đồng.
Ở nhóm thứ 2 , khi bạn tham gia cùng một mệnh giá bạn sẽ đóng một khoản phí hàng năm cao hơn so với nhóm bảo vệ thuần túy. Nhưng cái lợi của nhóm sản phẩm này là khi tham gia bạn sẽ vừa được bảo vệ vừa được tiết kiệm tiền. Sau 10 năm hay 20 năm tùy thuộc vào sản phẩm bạn tham gia, bạn sẽ nhận về một số tiền, số tiền này là số tiền bạn đã đóng vào sau khi trừ đi các khoản phí sẽ được công thêm lãi suất cùng các khoản thưởng duy trì hợp đồng. Nếu so với việc gửi tiền ngân hàng thì số tiền bạn nhận về chắc sẽ không nhiều như ngân hàng nhưng gửi ngân hàng thì nếu có rủi ro bạn sẽ không được bảo vệ còn tham gia bảo hiểm thì vừa được bảo vệ vừa được tiết kiệm. Với số tiền này bạn có thể dùng để tận hưởng cuộc sống an nhàn lúc về hưu hoặc chăm lo tương lai cho con cái mình.
Vậy tham gia sản phẩm BHNT nào thì tốt hơn, câu trả lời đó phụ thuộc vào nhu cầu của bạn là gì. Nếu bạn đang còn trẻ chưa có nhiều tiền để tiết kiệm nhưng vẫn muốn được bảo vệ thì nhóm sản phẩm bảo vệ thuần túy là một lựa chọn tuyệt vời. Nếu bạn đã có cuộc sống với thu nhập ổn định mong muốn vừa bảo vệ vừa tích lũy cho cuộc sống sau này thì có thể chọn nhóm sản phẩm 2 - nhóm sản phẩm tiết kiệm và liên kết đầu tư.
12. TÔI CÓ NHIỀU HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ KHÁC NHAU, NẾU KHÔNG MAY XẢY RA RỦI RO THÌ TÔI CÓ ĐƯỢC HƯỞNG QUYỀN LỢI THEO TẤT CẢ CÁC HỢP ĐỒNG ĐÓ BẢO HIỂM HAY KHÔNG?
Trường hợp người được bảo hiểm được bảo hiểm bởi nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khác nhau, khi xảy ra rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm trên, thì người đó có quyền được hưởng quyền lợi bảo hiểm theo tất cả các hợp đồng nếu không có hạn chế về số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong bất kỳ hợp đồng bảo hiểm nào.
13. CÓ SẢN PHẨM BẢO HIỂM NHÂN THỌ NÀO CÓ THỂ KHẮC PHỤC HAY HẠN CHẾ ĐƯỢC TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC ĐỒNG TIỀN MẤT GIÁ HAY KHÔNG?
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã phát triển các sản phẩm có số tiền bảo hiểm tăng dần qua các năm, theo một tỉ lệ cố định trên số tiền bảo hiểm gốc – số tiền bảo hiểm làm căn cứ tính phí bảo hiểm. Ví dụ sản phẩm An Sinh Tích Lũy 10 năm của AIA Việt Nam có số tiền bảo hiểm được gia tăng 2% mỗi năm trên số tiền bảo hiểm gốc, bắt đầu từ năm thứ 3, v.v…
14. TRONG THỜI GIAN THAM GIA BẢO HIỂM NẾU CHẲNG MAY BỊ KẸT TÀI CHÍNH KHÔNG THỂ ĐÓNG TIỀN THÌ SAO?
Tham gia Bảo hiểm Nhân thọ là tham gia một kết hoạch tài chính lâu dài nên bạn cần phải cân nhắc thật kĩ với mức phí có thể tham gia để đảm bảo mọi thứ sẽ được thực hiện theo kế hoạch. Nhưng nếu chẳng may bạn rơi vào trường hợp kẹt tài chính thì vẫn có nhiều cách giải quyết. Thông thường các công ty bảo hiểm đều cho bạn một khoảng thời gian để đóng phí bảo hiểm, thời gian thông thường là 60 ngày hoặc tạm ngưng đóng phí trong vòng 24 tháng hoặc linh hoạt đóng phí hoặc được vay từ giá trị tài khoản phục vụ nhu cầu tài chính ngắn hạn
15. NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO KHÁCH HÀNG THAM GIA BHNT SẼ KHÔNG ĐƯỢC BỒI THƯỜNG?
Đây là một trong những điều hết sức quan trọng cần lưu ý để tránh những hiểu lầm không đáng có giữa công ty bảo hiểm và người tham gia, những trường hợp sau sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường:
- Khách hàng có ý trục lợi bảo hiểm, ví dụ khi tham gia khách hàng khai trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm rằng sức khỏe tốt , chưa từng phải điều trị bệnh gì. Mặc dù trên thực tế khách hàng đó đang mắc bệnh hoặc đã từng điều trị bệnh trong quá khứ. Những trường hợp này khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, sau quá trình điều tra và phát hiện công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường.
- Người được bảo hiểm tử vong do nhiễm HIV hay AIDS hay các bệnh liên quan đến HIV/AIDS.
- Người được bảo hiểm tự tử trong 24 tháng đầu tiên kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
- Người đươc bảo hiểm bị thi hành án tử hình.
- Người được bảo hiểm tử vong do hành vi cố ý của Bên mua bảo hiểm, Người thụ hưởng. Trong trường hợp do hành vi cố ý của Người thụ hưởng, Công ty sẽ chỉ chi trả quyền lợi cho Người thụ hưởng nào không tham gia vào các hành vi đó và theo % quyền lợi bảo hiểm đã được chỉ định.
Trường hợp công ty không bồi thường, hợp đồng bảo hiểm sẽ kết thúc, công ty sẽ trả lại giá trị tài khoản vào thời điểm đó cho khách hàng.
16. NGUYÊN TẮC TRUNG THỰC TUYỆT ĐỐI KHI KÊ KHAI HỒ SƠ YÊU CẦU BẢO HIỂM LÀ GÌ? NẾU SỨC KHỎE CỦA TÔI KHÔNG ĐƯỢC TỐT NHƯNG TÔI KHÔNG KÊ KHAI TRONG HỒ SƠ YÊU CẦU BẢO HIỂM THÌ SAO?
Khi khách hàng kê khai trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, cần áp dụng nguyên tắc trung thực tuyệt đối. Việc thẩm định sức khỏe khách hàng tại các Trung tâm thẩm định y khoa/ Trung tâm khám sức khoẻ và chấp nhận bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dựa trên cơ sở tin tưởng vào những thông tin của khách hàng trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Vì vậy khách hàng có trách nhiệm cung cấp tất cả những chi tiết có liên quan đến cá nhân và tình trạng sức khỏe một cách đầy đủ và trung thực.
Trong trường hợp khách hàng có nghi ngờ nhưng không biết chắc chắn về tình trạng sức khỏe, khách hàng nên khai chi tiết và đầy đủ về những triệu chứng mà khách hàng cảm nhận được theo các câu hỏi trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Trên cơ sở những thông tin đó, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ chỉ định những nội dung khám sức khỏe cụ thể để có thể đánh giá về tình trạng sức khỏe của khách hàng.
Việc kê khai đầy đủ, trung thực của khách hàng khi điền hồ sơ yêu cầu bảo hiểm không những giúp cho việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm được nhanh chóng, thuận tiện khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra mà còn là yếu tố pháp lý rất quan trọng để hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Việc các công ty tiến hành kiểm tra sức khoẻ của khách hàng không thay thế cho nghĩa vụ cung cấp thông tin của khách hàng.
Lưu ý cho tất cả các khách hàng và tư vấn viên bảo hiểm: Hồ sơ bệnh án của tất cả các bệnh viện và phòng khám trên cả nước đều được lưu lại, chính vì vậy, các công ty bảo hiểm hoàn toàn có cơ sở để điều tra tính trung thực của khách hàng. Có những khách hàng sau khi phát bệnh hiểm nghèo mới yêu cầu công ty bảo hiểm cho tham gia hòng chuộc lợi bảo hiểm và đã ngay lập tức được trả lại hồ sơ và từ chối chi trả cùng với số tiền đã tham gia trước đó.
17. NHIỀU NGƯỜI CHO RẰNG CÓ TIỀN THÌ GỬI TIẾT KIỆM HOẶC MUA VÀNG SẼ AN TOÀN HƠN SO VỚI MUA BẢO HIỂM NHÂN THỌ, SUY NGHĨ NÀY CÓ ĐÚNG KHÔNG?
Trước hết, do Bảo hiểm Nhân thọ (BHNT) kéo dài nhiều năm nên việc lo lắng mua BHNT chịu ảnh hưởng xấu của sự mất giá đồng tiền và lo lắng ai sẽ bảo vệ mình nếu công ty BHNT bị phá sản là suy nghĩ hoàn toàn có thể giải thích được. Tuy nhiên, suy nghĩ này không hoàn toàn đúng bởi các lý do sau:
Thứ nhất, các sản phẩm BHNT có thể bảo vệ người tham gia BH và gia đình họ khi gặp rủi ro trong khi việc gửi tiền tiết kiệm và mua vàng không thể mang lại cho bạn điều này.
Thứ hai, nếu xuất phát từ lý do lo ngại đồng tiền mất giá thì bản thân việc gửi tiết kiệm cũng bị ảnh hưởng chứ không chỉ tham gia BHNT. Hơn nữa, các công ty BHNT có thể thiết kế các sản phẩm BH có số tiền BH tăng dần để đối phó với rủi ro lạm phát, như vậy nếu lo ngại, bạn có thể chọn các loại sản phẩm này.
Thứ ba, nếu xuất phát từ việc sợ rủi ro công ty BH bị phá sản thì thống kê trên thế giới cho thấy xác suất phá sản một tổ chức tín dụng cao hơn so với một công ty BHNT. Điều này cho thấy, ngay cả việc gửi tiết kiệm cũng chứa đựng rủi ro không rút được tiền nếu tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán. Tính đến khả năng này, VN cũng như các quốc gia khác có hệ thống BH tiền gửi nhằm bảo vệ người gửi tiền song mức chi trả bảo hiểm tiền gửi với mỗi sổ tiết kiệm được giới hạn (chẳng hạn ở VN con số này tối đa là 50 triệu đồng). Còn nếu xảy ra khả năng DNBH NT bị mất khả năng thanh toán thì Bộ Tài chính sẽ có phương án chuyển giao các HĐBH cho DNBH khác để bảo vệ lợi ích của bên được BH.
Cuối cùng, nếu bạn mua vàng với mục đích đầu tư thì bấp bênh và rủi ro hơn nhiều bởi giá vàng là yếu tố cực kỳ nhạy cảm, biến động thất thường và khó dự đoán. Thực tế ở VN thời gian qua đã minh chứng cho điều đó. Còn nếu mua vàng với mục đích cất trữ thì khi xảy ra khủng hoảng, việc tích trữ này không có ý nghĩa gì.
18. BẢO HIỂM HƯU TRÍ TỰ NGUYỆN ĐANG CÓ SỰ CẠNH TRANH ĐỐI VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI NHƯ THẾ NÀO? VÀ QUĨ BẢO HIỂM HƯU TRÍ TỰ NGUYỆN CÓ NGUY CƠ BỊ VỠ HAY KHÔNG?
Thông tư 115 của Bộ Tài chính về hưu trí tự nguyện qui định chặt chẽ phải công khai 2 phần:
1- Gặp rủi ro thì được quyền lợi của khách hàng như thế nào
2- Phí đóng cho hưu trí phải tách bạch, doanh nghiệp chỉ thu thủ tục phí = % do Bộ Tài chính qui định. Còn lại bắt buộc phải gửi ngân hàng vào 1 tài khoản. Mỗi hợp đồng hưu trí có 1 tài khoản cá nhân trong tài khoản đó. Lãi đầu tư hàng kì sẽ được bổ sung vào tài khoản cá nhân của người tham gia bảo hiểm. Vì thế người tham gia bảo hiểm hưu trí bất cứ lúc nào cùng biết được mình đã gửi được bao nhiêu tiền trên tài khoản này và biết được lãi tự kỳ và lũy kế là bao nhiêu.Tính công khai minh bạch rất rõ ràng. Phần tiền hưu trí này chắc chắn được chi trả kể cả trong trường hợp phát sinh rủi ro khi chưa đến tuổi về hưu hay dừng không tham gia bảo hiểm. Doanh nghiệp Bảo hiểm nếu bị phá sản thì số tài sản trên tài khoản hưu trí này cũng không được đem vào để thanh toán chi phí phá sản. Quí hưu trí là độc lập. Đảm bảo quyền lợi 1 cách chắc chắn cho ngươi tham gia.
19. NHỮNG ĐỐI TƯỢNG NÀO THÌ NÊN HOẶC KHÔNG NÊN THAM GIA BẢO HIỂM NHÂN THỌ?
Bất kỳ ai không phân biệt già trẻ, tầng lớp xã hội đều có nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ bao gồm các nhu cầu sau đây:
Chăm lo sức khỏe cho bản thân và những người thân (cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột) về những rủi ro ốm đau, thương tật, tử vong với những chi phí điều trị ở các mức độ khác nhau: viện phí, điều trị tự nguyện, điều trị tại bệnh viện quốc tế ở Việt Nam, bệnh viện nước ngoài, bệnh nan y mà chế độ bảo hiểm y tế hiện hành chưa đáp ứng được.
Tiết kiệm tiền trung và dài hạn (tương đươngvới thời gian bảo hiểm) để thực hiện một công việc không thể không làm trong tương lai mà ngay cả khi người tham gia bảo hiểm bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc tử vong không đóng đủ phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm nhưng hết thời hạn bảo hiểm vẫn được DNBH chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm nhằm mục đích: cho con tiếp tục học phổ thông, học nghề, học đại học, du học nước ngoài, nuôi dưỡng vợ/chồng/con, phụng dưỡng cha mẹ già yếu từ số tiền bảo hiểm, mua nhà cho con ra ở riêng, cưới xin, có thu nhập hàng tháng khi hết tuổi lao động (hưu trí).
Trả nợ khi đến thời hạn đúng với thời gian đáo hạn hợp đồng bảo hiểm dù người tham gia bảo hiểm không may bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc tử vong trước đó.
Có thu nhập nhất định từ số tiền bảo hiểm khi mất sức lao động hoặc làm vốn đầu tư kinh doanh chuyển đổi nghề nghiệp.
Vừa bảo hiểm rủi ro, vừa đầu tư sinh lời với các sản phẩm bảo hiểm đầu tư: liên kết chung và liên kết đơn vị. Vì vậy, người có thu nhập thấp có thể mua bảo hiểm với số tiền bảo hiểm vừa phải phù hợp với khả năng tài chính của mình có thể tiết kiệm được hàng kì để đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn. Và ngược lại, người có thu nhập cao thì tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm lớn hơn. Nhìn chung thời gian bảo hiểm càng dài (thời hạn của hợp đồng bảo hiểm) thì xác suất xảy ra rủi ro càng lớn và người được bảo hiểm thường có lợi hơn.
Tuy nhiên nếu tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm nhiều hơn, tùy theo quy định của từng doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) (thường là 300 triệu hoặc 400 triệu đồng) các DNBH thường quy định phải khám sức khỏe trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Mục đích của kiểm tra sức khỏe để phát hiện các bệnh sẵn có, bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, bệnh di truyền thuộc phạm vi loại từ bảo hiểm để không giao kết hợp đồng bảo hiểm. Khi người tham gia bảo hiểm đã khám sức khỏe theo quy định của DNBH đã bị từ chối ký kết hợp đồng bảo hiểm có thể hỏi lại DNBH có thể tham gia bảo hiểm với sản phẩm bảo hiểm nào khác không, nếu thấy phù hợp thì ký kết hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, những người có thu nhập bấp bênh, không ổn định để thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm định kỳ theo tháng thì có thể đăng ký đóng phí bảo hiểm theo mùa vụ để đảm bảo khả năng duy trì hợp đồng bảo hiểm, đóng phí lâu dài không ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn vì không đóng đúng và đủ phí bảo hiểm.
20. BẢO HIỂM NHÂN THỌ CÓ NHỮNG NHÓM SẢN PHẨM CƠ BẢN NÀO VÀ GIÁ TRỊ LỢI ÍCH CỦA TỪNG NHÓM SẢN PHẨM ĐÓ LÀ GÌ?
Bảo hiểm nhân thọ nhằm cung cấp một khoản tiền tài chính cho người tham gia bảo hiểm lựa chọn để đáp ứng nhu cầu chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí phải bỏ ra trong tương lai khi bị rủi ro ốm đau, thương tật, mất sức lao động, tử vong hoặc phải thực hiện những sự kiện khi đáo hạn hợp đồng, cho con du học, cưới xin, mua nhà, mua xe, an dưỡng tuổi già khi mất sức lao động. Các sản phẩm bảo hiểm hiện nay nằm trong nhóm nghiệp vụ bảo hiểm sau:
1. Bảo hiểm trọn đời : bảo hiểm cho các rủi ro, sự kiện bảo hiểm cho đến hết đời
2. Bảo hiểm sinh kỳ : chỉ trả tiền bảo hiểm khi sống đến hết thời hạn hợp đồng
3. Bảo hiểm tử kỳ : chỉ trả tiền bảo hiểm khi bị tử vong trong thời hạn hợp đồng
4. Bảo hiểm hỗn hợp : bao gồm cả sinh kỳ, tử kỳ
5. Bảo hiểm trả tiền định kỳ : hết thời hạn bảo hiểm hoặc đến 1 độ tuổi nhất định, tổng số quyền lợi được bảo hiểm sẽ được chi trả làm nhiều kỳ cho người được bảo hiểm theo thảo thuận phù hợp với trả học phí cho con du học hoặc trả khi mất sức lao động.
5 loại nghiệp vụ nói trên có bổ sung thêm quyền lợi bảo hiểm như chia lãi (bảo tức) hoặc miễn đóng phí khi người tham gia bảo hiểm bị tử vong hoặc thương tật toàn bộ, vĩnh viễn nhưng quyền lợi của người được bảo hiểm (bố mẹ, vợ chồng, con cái) không đổi tùy theo hợp đồng giao kết. Ngoài ra còn có 3 nghiệp vụ bảo hiểm sau đây:
6. Bảo hiểm liên kết chung : người tham gia bảo hiểm được bảo hiểm cho các rủi ro với số tiền nhất định trên hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra người tham gia bảo hiểm còn liên kết với DNBH để DNBH đầu tư số tiền phí bảo hiểm đã đóng nhằm sinh lời cao. Lãi suất được thay đổi và công bố định kỳ (tháng, quý) và số tiền đầu tư (phí bảo hiểm dành cho đầu tư) do người tham gia bảo hiểm quyết định tăng hoặc giảm tùy theo lựa chọn của họ.
7. Bảo hiểm liên kết đơn vị : người tham gia bảo hiểm được bảo hiểm rủi ro với một số tiền bảo hiểm nhất định ghi trên hợp đồng. Ngoài ra họ góp thêm 1 số tiền phí bảo hiểm để đầu tư vào các quỹ đầu tư của DNBH công bố công khai mức độ an toàn, sinh lời và giá đơn vị từng quỹ để người tham gia bảo hiểm lựa chọn tăng hay giảm số tiền đầu tư hoặc chuyển từ quỹ này sang quỹ kia. Có ít nhất 3 loại quỹ (mạo hiểm, bình ổn, an toàn) hoặc 5 loại quỹ (mạo hiểm, tương đối mạo hiểm, bình ổn, an toàn, tương đối an toàn).
8. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện : người tham gia bảo hiểm ngoài việc được bảo hiểm rủi ro với 1 số tiền nhất định ghi trong hợp đồng bảo hiểm còn đóng thêm khoản phí bảo hiểm để hưởng quyền lợi bảo hiểm hưu trí. Số tiền phí bảo hiểm đóng cho hưu trí tự nguyện được tách riêng theo dõi trên 1 tài khoản cho 1 khách hàng. Khách hàng có thể theo dõi kiểm tra đối chiếu bất kì lúc nào số tiền đã đóng và lãi đầu tư của số tiền đã đóng. Số tiền trên tài khoản đầu tư của khách hàng thuộc quyền sở hữu của khách hàng kể cả khi DBBH sát nhập, chia tách, giải thể hoặc phá sản.
Quyền lợi bảo hiểm hưu trí được chi trả trên tổng số tiền trên tài khoản hưu trí của khách hàng (bao gồm phí đã đóng và lãi đầu tư) cho các trường hợp sau đây:
- Khách hàng hết độ tuổi lao động (nam 60, nữ 55)
- Khách hàng bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc mất sức lao động
- Khách hàng bị tử vong khi chưa hết tuổi lao động
- Cách thức chi trả bao gồm: trả 1 lần, trả ngay một phần khi hết độ tuổi lao động và trả làm nhiều kì cho những năm còn lại, trả làm nhiều kỳ đều đặn cho đến khi tử vong trả hiết số tiền còn lại hoặc đã hết tiền trên tài khoản hưu trí của họ.
Đặc biệt, các DNBH còn có các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ bán kèm với 8 loại nghiệp vụ bảo hiểm nói trên liên quan đến rủi ro sức khỏ: ốm đau, thương tật, tử vong, bệnh hiểm nghèo, bảo lãnh viện phí, … có quyền lợi bảo hiểm độc lập, bổ sung cho quyền lợi bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm chính.
21. BẢO HIỂM TẠM THỜI LÀ GÌ?
Thời gian từ khi khách hàng chấp nhận giao kết hợp đồng đóng phí bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phát hành hợp đồng bảo hiểm kể từ ngày phát hành hợp đồng bảo hiểm đến 21 ngày sau đó, được coi là bảo hiểm tạm thời. Trong thời gian này, nếu khách hàng bị tử vong thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm cho rủi ro tử vong với số tiền được ghi trên hợp đồng bảo hiểm, chứ không được chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm. Và trong thời hạn bảo hiểm tạm thời, khách hàng được quyền cân nhắc, đọc lại các quy tắc điều khoản quy định trong hợp đồng để được giải thích rõ thêm, nếu bất lợi hoặc không chấp nhận thì có thể huỷ bỏ và được hoàn lại phí. Tuy nhiên, đối với những khách hàng phải kiểm tra sức khoẻ trước khi giao kết hợp đồng, thì số phí hoàn lại sẽ trừ đi chi phí khám sức khoẻ. Luật quy định thời gian cân nhắc ít nhất là 14 ngày, nhưng các công ty bảo hiểm thường đưa ra thời gian cân nhắc là 21 ngày.
22. TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH THAM GIA ĐÓNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ, NẾU CÓ ĐIỀU CHỈNH VỀ NHU CẦU GÓI SẢN PHẨM CÓ GIÁ TRỊ NHIỀU HƠN HOẶC ÍT HƠN, CHÚNG TÔI CÓ THỂ THAY ĐỔI TRÊN HỢP ĐỒNG ĐÃ KÝ ĐƯỢC KHÔNG?
Đối với một số Công ty Bảo hiểm , trong quá trình tham gia bảo hiểm người mua bảo hiểm có quyền yêu cầu điều chỉnh về số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm trong Hợp đồng bảo hiểm đã ký. Người mua bảo hiểm chỉ cần lập Hồ sơ theo mẫu gởi đến công ty Bảo hiểm để yêu cầu điều chỉnh Hợp đồng bảo hiểm. Một số Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có quy định tự động điều chỉnh phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm khi Người mua bảo hiểm có khó khăn khi đóng phí bảo hiểm.
23. TÔI CÓ TIẾP TỤC ĐƯỢC BẢO HIỂM KHI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI KHÔNG?
Đầu tiên, phải căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm, sẽ ghi rõ các phạm vi được bảo hiểm, các rủi ro được bảo hiểm, nếu trong hợp đồng không ghi rõ phạm vi được bảo hiểm, kể cả khi người được bảo hiểm ra nước ngoài thì đương nhiên là không được bảo hiểm. Tuy nhiên, những trường hợp mà người được bảo hiểm ra nước ngoài công tác ngắn hạn hoặc dài hạn vẫn đóng phí bảo hiểm đầy đủ và không xảy ra những rủi ro, những điều kiện được bảo hiểm tại nước ngoài thì khi trở về Việt Nam, hợp đồng tiếp tục có hiệu lực. Có nghĩa là, nếu sau đó tất cả các rủi ro, các điều kiện được bảo hiểm xảy ra đối với người được bảo hiểm tại Việt Nam thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chi trả quyền lợi bảo hiểm.
24. TÔI RẤT MUỐN THAM GIA BHNT NHƯNG ĐANG BĂN KHOĂN VÌ THU NHẬP CỦA TÔI KHÔNG ỔN ĐỊNH, CÓ LÚC RẤT CAO NHƯNG CŨNG CÓ LÚC KHÔNG DƯ DẢ NHIỀU? CHUYÊN GIA CÓ THỂ ĐƯA RA LỜI KHUYÊN GIÚP TÔI?
Trong bảo hiểm nhân thọ có hai cách đóng phí, cách thứ nhất, đóng một lần duy nhất cả hợp đồng, trong khi đó, cách đóng phí hàng kỳ là cách phổ biến nhất. Nếu thu nhập khách hàng không ổn định, khi thu nhập cao, có thể chọn cách đóng phí một lần, hoặc có thể lựa chọn đóng theo mùa vụ, ví dụ mùa thu hoạch cà phê, hạt tiêu, cà phê cao su…đúng lúc thu hoạch bán được sản phẩm nông sản sẽ có được thu nhập.
Trường hợp khó khăn quá vẫn không đóng được phí bảo hiểm đúng hạn thì người tham gia bảo hiểm có thể lựa chọn các giải pháp sau: thứ nhất, đề nghị doanh nghiệp cho vay một số tiền đóng phí bảo hiểm với lãi suất ưu đãi, số tiền được vay tối đa bằng giá trị hoàn lại của hợp đồng đó tại thời điểm vay để duy trì được hợp đồng và bảo vệ quyền lợi của mình khi những rủi ro và sự kiện được bảo hiểm xảy ra. Trường hợp thứ 2, xin giảm số tiền bảo hiểm. Từ đó, giảm được số phí bảo hiểm phải đóng, đồng thời, số phí bảo hiểm đã đóng của thời kỳ trước đã dư ra một lượng nhất định để đóng phí bảo hiểm cho những kỳ tiếp theo đang khó khăn và hợp đồng vẫn được duy trì, quyền lợi bảo hiểm vẫn được đảm bảo.
Trường hợp thứ 3, xin gia hạn, thông báo với doanh nghiệp bảo hiểm tạm thời dừng hợp đồng bảo hiểm cho đến khi có thu nhập tốt sẽ tái tục lại hợp đồng bảo hiểm bằng 2 cách: cách 1, đóng đầy đủ phí bảo hiểm còn thiếu, đóng bổ sung phí bảo hiểm còn thiếu và thời hạn hợp đồng không đổi; cách 2, khởi động lại hợp đồng bảo hiểm, chỉ đóng phí bảo hiểm cho những kỳ tiếp theo. Hợp đồng bảo hiểm sẽ buộc phải thoả thuận lại về thời hạn bảo hiểm và mức phí bảo hiểm đóng mới.
Trường hợp xin chấm dứt hợp đồng và doanh nghiệp bảo hiểm hoàn trả lại giá trị hoàn lại. như vậy bạn có thể lựa chọn theo 4 cách trên để bảo đảm quyền lợi bảo hiểm của mình.

25. THỜI GIAN GIA HẠN ĐÓNG PHÍ - TÔI ĐƯỢC TRÌ HOÃN VIỆC ĐÓNG PHÍ TRONG BAO LÂU VỚI TRƯỜNG HỢP KHÓ KHĂN VỀ KINH TẾ?
Thời gian gia hạn tối đa là 60 ngày với sản phẩm truyền thống và 24 tháng với sản phẩm liên kết đầu tư kể từ thời điểm người mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm theo đúng kỳ hạn quy định.
26. TÔI CÓ NGHE NÓI VỀ QUỸ BẢO VỆ NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HIỂM. QUỸ NÀY HOẠT ĐỘNG THẾ NÀO? NÓ BẢO VỆ NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM RA SAO?
Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm quy định từ năm 2010 và đến ngày 20 tháng 8 năm 2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 101 hướng dẫn về việc thu, trích lập, sử dụng, thanh quyết toán Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm hàng năm phải nộp vào quỹ tối đa 0,3% doanh thu phí bảo hiểm. Số tiền này dùng để chi trả cho khách hàng khi doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Bao gồm: 1. Hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng khi hợp đồng bảo hiểm không được chuyển giao cho một doanh nghiệp bảo hiểm khác. 2. Chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng khi sự kiện hoặc rủi ro được bảo hiểm xảy ra trước ngày doanh nghiệp bảo hiểm đó mất khả năng thanh toán.
27. KHI TÔI NỘP TIỀN CHO ĐẠI LÝ MÀ ĐẠI LÝ KHÔNG NỘP TIỀN CHO CÔNG TY THÌ SAO? TÔI PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐẢM BẢO QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA MÌNH?
Khi nộp tiền cho đại lý, khách hàng sẽ được cung cấp hoá đơn hoặc biên lai thu phí, đây là chứng từ pháp lý thể hiện khách hàng đã đóng phí cho công ty bảo hiểm, đại lý là người làm việc theo sự uỷ quyền của công ty bảo hiểm thông qua hợp đồng đại lý. Theo quy định của pháp luật, những gì đại lý nhận được từ khách hàng được coi như là công ty bảo hiểm cũng nhận được từ khách hàng. Việc đại lý chiếm dụng phí không nộp cho công ty bảo hiểm không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, công ty bảo hiểm có quyền truy đòi và thu hồi khoản phí này từ người đại lý theo quy định của pháp luật.
28. TÔI ĐÃ MUA BẢO HIỂM XÃ HỘI VÀ BẢO HIỂM Y TẾ, VẬY CÓ CẦN THIẾT PHẢI MUA THÊM BẢO HIỂM NHÂN THỌ NỮA HAY KHÔNG, VÌ SAO?
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyên. BHXH bắt buộc bao gồm các chế độ trợ cấp : ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tử tuất và hưu trí. BHXH tự nguyện bao gồm hai chế độ hưu trí và tử tuất. Khi người có BHXH gặp rủi ro hoặc khi về già, BHXH sẽ chi trả các khoản trợ cấp trên cho người được hưởng BHXH. Trừ chế độ thai sản, các chế độ khác mức hưởng được tính bằng một tỷ lệ % nhất định (dưới 100%) trên thu nhập thường xuyên (lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất thường xuyên) cho thời gian hưởng trợ cấp. Chẳng hạn, trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động, trợ cấp hưu trí (lương hưu) được tính tối đa bằng 75% tiền lương khi làm việc. Nhìn chung, nguyên tắc chi trả của BHXH ở tất cả các quốc gia là mức hưởng BHXH thấp hơn thu nhập khi còn làm việc.
Bảo hiểm Y tế (BHYT) đảm bảo chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho người được hưởng BHYT. Trừ một số đối tượng do NSNN đóng BHYT như sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, …Mức hưởng BHYT của đại đa số các đối tượng hưởng BHYT đều ở mức 80% chi phí khám chữa bệnh với dịch vụ thông dụng do Bộ Y tế quy định (không phải dịch vụ theo yêu cầu).
Qua đó cho thấy, người có BHXH, BHYT được bảo vệ trước các rủi ro xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, mức hưởng BHXH và BHYT phần lớn là thấp hơn thu nhập và chi phí phát sinh. Hơn nữa, người được BH không được quyết định tiền lương hưu hoặc dịch vụ y tế được hưởng. BHNT có thể khắc phục được các hạn chế, khiếm khuyết này của hệ thống BHXH, BHYT. Cùng với các chế độ BHXH, BHYT được hưởng, tham gia BHNT giúp cho người đươc BH có thể có được một cuộc sống thoải mái hơn khi về già, có thể bù đắp phần chi phi khám chữa bệnh mà BHYT không đảm bảo và đặc biệt là có thể lựa chọn được dịch vụ y tế hoàn hảo hơn.
29. CHÚNG TÔI THƯỜNG KHÔNG ĐƯỢC TRỰC TIẾP LÀM VIỆC VỚI CÔNG TY MÀ THÔNG QUA ĐẠI LÝ, LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ CHỌN ĐƯỢC ĐẠI LÝ UY TÍN VÀ TƯ VẤN ĐẦY ĐỦ THÔNG TIN CHO CHÚNG TÔI?
Thường những đại lý có uy tín và cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng theo yêu cầu của bạn là những đại lý đã hoạt động lâu năm liên tục và có nhiều thành công (ký kết được nhiều hợp đồng bảo hiểm). Bạn có thể đưa ra những câu hỏi để đánh giá chất lượng của đại lý như đã được cấp chứng chỉ đào tạo đại lý chưa, khi nào, đã ký hợp đồng đồng đại lý chưa, ký với DNBH nào, cấp mã số đại lý chưa, có ký được nhiều hợp đồng bảo hiểm không, khách hàng của đại lý đã ký kết hợp đồng bảo hiểm là những đối tượng nào, người ký gần đây nhất là ai, làm gì, ở đâu, ký như thế nào để tôi tham khảo, thu nhập một năm gần đây của đại lý là bao nhiên. Nếu chưa tin câu trả lời bạn có thể yêu cầu đại lý chứng minh cụ thể thêm.
Tuy nhiên, một số đại lý mới có 1, 2 năm trong nghề những với khôn mặt dễ tin, thái độ nghiêm túc trung thực, giao tiếp cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ khách hàng cũng là những yếu tố đáng tin cậy để khách hàng tin tưởng.
Ngoài ra, khi đã giao kết hợp đồng bảo hiểm trong thời hạn 21ngày cân nhắc (dù đã ký hợp đồng và đóng phí bảo hiểm lần đầu đầy đủ, khách hàng vẫn có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và được hoàn trả phí bảo hiểm khi không muốn tham gia bảo hiểm nữa) khách hàng có thể gọi điện trực tiếp cho DNBH để hỏi thêm một số thông tin chưa rõ ràng và thông tin thêm về đại lý.
30. NẾU TÔI QUÊN KỲ ĐÓNG PHÍ BẢO HIỂM DẪN ĐẾN VIỆC HỢP ĐỒNG CỦA TÔI BỊ MẤT HIỆU LỰC, VẬY TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG TY BẢO HIỂM Ở ĐÂY NHƯ THẾ NÀO?
Luật Kinh doanh BH điều 35 khoản 2 quy định: trong trường hợp đóng phí bảo hiểm làm nhiều lần, bên mua bảo hiểm không thể đóng phí bảo hiểm vào kỳ hạn đóng phí thì sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày gia hạn hợp đồng bảo hiểm, DNBH có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm.
Như vậy, khi hết thời hạn đóng phí mà người mua bảo hiểm không đóng được phí bảo hiểm cho DNBH thì DNBH phải thông báo cho người mua bảo hiểm biết và gia hạn thêm 60 ngày để thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Quá thời hạn trên, DNBH mới được quyền đình chỉ hợp đồng bảo hiểm và hoàn trả lại giá trị hoàn lại cho người mua bảo hiểm.
Trường hợp của bạn khi nhận thông báo đình chỉ hợp đồng bảo hiểm, bạn có thể đề nghị DNBH 1 trong 4 cách xử lý sau đây: Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm để nhận lại giá trị hoàn lại; Tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo hiểm bằng cách xin vay số tiền từ doanh nghiệp trong phạm vi giá trị hoàn lại để thực hiện nghĩa vụ đóng phí; Xin giảm số tiền bảo hiểm (quyền lợi bảo hiểm) để giảm số phí phải đóng hàng kỳ làm cho số tiền đóng phí bảo hiểm từ trước đến ngày xảy ra sự kiện trên dư ra coi như đã đóng trước phí bảo hiểm cho một số kỳ tiếp theo tương đương với số tiền dôi dư đó, đến khi nào khả năng tài chính tốt sẽ tăng thêm số tiền bảo hiểm.
Xin tạm dừng hợp đồng bảo hiểm trong một thời gian nhất định (trong thời gian này nếu xảy ra rủi ro hoặc sự kiện được bảo hiểm sẽ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm) sau đó tái tục khôi phục lại hợp đồng bảo hiểm.
31. NHỮNG SẢN PHẨM BẢO HIỂM VÀ CÁC HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM CÓ ĐƯỢC PHÊ DUYỆT HOẶC THÔNG QUA BỞI CÁC CẤP CÓ THẨM QUYỀN HAY KHÔNG?
Các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải công bố các sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai bao gồm: Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và các tài liệu có liên quan trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và Doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong thời gian vừa qua, tại một số địa phương có một số người lợi dụng danh nghĩa các Công ty Bảo hiểm để lừa đảo người dân , chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỷ đồng. Những kẻ lừa đảo này tự đặt ra các sản phẩm bảo hiểm kỳ lạ với mức lãi rất cao, quyền lợi rất lớn điều khoản bảo hiểm không bình thường, tự in ấn hồ sơ và tổ chức bán các sản phẩm bảo hiểm ngoài luồng. Những kẻ này đã và đang bị các cơ quan pháp luật theo dỏi, trừng trị.
Vì vậy, Bạn đừng nên giao dịch với bất kỳ ai bán các Sản phẩm bảo hiểm với những điều kiện quá hấp dẫn, quá dễ dàng . Hãy kiểm tra trước với Văn phòng đại diện Cty bảo hiểm tại địa phương, với Tổng đại lý , Văn phòng Công ty bảo hiểm, Website của Công ty bảo hiểm về sản phẩm định mua bảo hiểm trước khi ký tên vào Hợp đồng , và đóng số tiền bảo phí đầu tiên cho Đại lý bảo hiểm.
32. TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH THAM GIA BHNT, NGOÀI VẤN ĐỀ VỀ TÀI CHÍNH, CHÚNG TÔI CẦN PHẢI CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ?
Tham gia BH nhân thọ tạo ra nếp sống đẹp, có trách nhiệm đối với bản thân và người thân, là tiêu chí cần thiết cho một xã hội văn minh. BHNT có thời hạn dài, thường đóng phí làm nhiều kỳ, và có thể đạt tới nhiều mục tiêu khác nhau. Vì vậy, ngoài vấn đề tài chính, trước hết cần phải tìm hiểu kỹ nội dung hợp đồng, cần thiết có thể yêu cầu bên DNBH giải thích rõ những điều bạn quan tâm. Việc làm này để chắc chắn rằng bạn không ký hợp đồng BHNT với bất kỳ một sự ngộ nhận nào.
Điều thứ hai là phải có sự bàn bạc trong gia đình để có sự đồng thuận, nhất trí về mục đích, cách thức, loại hình sản phẩm BH tham gia. Điều này là rất quan trọng bởi mọi thành viên trong gia đình đều có quyền biết, có quyền bàn bạc trước quyết định tham gia BH, ngay cả với trẻ em. Nếu một đứa trẻ biết bố mẹ tham gia bảo hiểm để lo cho tương lai học hành của nó thì tự khắc sẽ cảm động, tự hào và yêu thương bố mẹ hơn, có động lực để học hành hơn. Nếu vợ chồng nhất tâm vì một mục tiêu đẹp đẽ khi tham gia BHNT thì họ sẽ quyết tâm cùng nhau vượt qua mọi khó khăn kể cả là khó khăn tài chính (nếu có) trong quá trình thực hiện hợp đồng BH.Hơn thế nữa, nếu có bàn bạc trước sẽ ít xảy ra tranh chấp không đáng có trong gia đình khi nhận quyền lợi BH.
Điều thứ 3 , nên chia sẻ cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp về việc tham gia để có sự động viên, khích lệ của họ cho việc thực hiện mục tiêu đẹp đẽ đó là mua BH để lo cho tương lai của con, của gia đình. Hơn nữa có sự chia sẻ này bạn sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn và có được giúp đỡ cần thiết của họ mỗi khi bạn cần đến.
33. LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHAI ĐÚNG, KHAI ĐỦ, TRONG KHI BẢN THÂN CHÚNG TÔI NHIỀU KHI CŨNG KHÔNG NẮM ĐƯỢC HẾT TÌNH TRẠNG SỨC KHOẺ CỦA MÌNH?
Mục đích của việc cung cấp thông tin về tuổi, lịch sử bệnh tật và điều trị, thu nhập, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký với DNBH khác là để DNBH xác định được rủi ro, khả năng tài chính của khách hàng tham gia bảo hiểm lâu dài, ổn định nhằm chấp nhận bảo hiểm và xác định số tiền bảo hiểm với mức độ đóng phí bảo hiểm phù hợp. Những thông tin này phải trung thực chính xác và theo sự hiểu biết của khách hàng. Nếu kê khai không trung thực chính xác thì ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Ví dụ: khai sai tuổi, khai chưa nằm viện lần nào hay nằm viện vì bệnh này nhưng khai vì bệnh khác. Khi trả tiền bảo hiểm, DNBH phát hiện khai sai tuổi, đã điều trị tại cơ sở y tế hợp pháp về bệnh loại trừ không được bảo hiểm thì DNBH có quyền từ chối thanh toán tiền bảo hiểm. Nói chung người tham gia bảo hiểm khi kê khai về lịch sử thương tật cần kê khai trung thực thời gian từ 2 đến 5 năm gần đúng (tùy theo số năm yêu cầu kê khai của DNBH) đã đi khám sức khỏe ở đâu, phát hiện ra bệnh gì,,đã nằm điều trị bệnh gì ở đâu.
34. CÔNG TY TÔI MUỐN THAM GIA BẢO HIỂM CHO NHÂN VIÊN, TÔI (ĐẠI DIỆN CÔNG TY) CHỈ CẦN KÊ KHAI GIẤY YÊU CẦU BẢO HIỂM DÀNH CHO BÊN MUA BẢO HIỂM LÀ TỔ CHỨC ĐÚNG KHÔNG?
Trường hợp Bên mua bảo hiểm là tổ chức, Quý khách vui lòng kê khai một bản Giấy yêu cầu bảo hiểm dành cho Bên mua bảo hiểm là tổ chức chung cho tất cả các trường hợp yêu cầu tham gia bảo hiểm ở cùng một thời điểm, không phụ thuộc vào số lượng Người được bảo hiểm. Từng cá nhân Người được bảo hiểm vẫn phải kê khai Giấy yêu cầu bảo hiểm tương ứng.
35. NẾU MẤT BẢN GỐC CỦA BỘ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM, TÔI CÓ ĐƯỢC CẤP LẠI HAY KHÔNG?
Trường hợp mất bộ hợp đồng gốc, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ cho bạn, các văn bản khác (như Điều khoản bảo hiểm nhân thọ, bản sao Giấy yêu cầu bảo hiểm…) không được cấp lại. Bạn có thể thông báo với Nhân viên tư vấn để được hướng dẫn thủ tục yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ hoặc hoàn tất mẫu Đơn xin cấp lại giấy chứng nhận bảo hiểm nhân thọ và gửi về địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm
36. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM MẤT HIỆU LỰC CÓ THỂ ĐƯỢC KHÔI PHỤC TRONG VÒNG BAO LÂU? THỦ TỤC KHÔI PHỤC HIỆU LỰC HỢP ĐỒNG?
Sau khi Hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực, bạn có quyền yêu cầu khôi phục Hợp đồng bảo hiểm trong vòng 24 tháng tính từ ngày Hợp đồng bảo hiểm bị mất hiệu lực và tùy thuộc vào bằng chứng về khả năng có thể được bảo hiểm của Người được bảo hiểm. Để yêu cầu khôi phục Hợp đồng bảo hiểm, bạn vui lòng: - Điền đầy đủ thông tin vào "Đơn yêu cầu khôi phục hợp đồng bảo hiểm"; - Kê khai đầy đủ thông tin vào Tờ khai sức khỏe (nếu hợp đồng đã mất hiệu lực trên 6 tháng); - Nộp các khoản phí còn nợ - Hoàn trả khoản tạm ứng từ giá trị hoàn lại và khoản Giảm thu nhập đầu tư (nếu có).
37. SAU KHI KÝ HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM, TÔI CÓ THỂ YÊU CẦU THAY ĐỔI ĐỊNH KỲ ĐÓNG PHÍ KHÔNG? THỦ TỤC YÊU CẦU THAY ĐỔI ĐỊNH KỲ ĐÓNG PHÍ NHƯ THẾ NÀO?
Bạn có thể yêu cầu thay đổi định kỳ đóng phí bằng cách điền "Đơn yêu cầu điều chỉnh hồ sơ/ hợp đồng bảo hiểm - Mẫu 02". Định kỳ mới sẽ được áp dụng từ ngày hiệu lực hợp đồng nếu người tham gia bảo hiểm nộp yêu cầu trong thời gian cân nhắc. Nếu sau thời gian cân nhắc, người tham gia vui lòng nộp yêu cầu chậm nhất 15 ngày trước kỳ hạn đóng phí tiếp theo/ngày kỷ niệm hợp đồng hàng năm, định kỳ mới sẽ được áp dụng từ ngày đóng phí tiếp theo/ngày kỷ niệm hợp đồng.
38. QUYỀN LỢI BẢO HIỂM TẠM THỜI ĐƯỢC CHI TRẢ TRONG TRƯỜNG HỢP NÀO? GIỚI HẠN CHI TRẢ CỦA BẢO HIỂM TẠM THỜI?
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chỉ chi trả Quyền lợi bảo hiểm tạm thời đối với trường hợp tử vong do tai nạn (không thuộc trường hợp loại trừ theo điều khoản hợp đồng bảo hiểm). Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ thanh toán số tiền lớn hơn giữa: a) Tổng Số tiền bảo hiểm theo tất cả các Giấy yêu cầu bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm chính cho Người được bảo hiểm đang được xem xét chấp nhận bảo hiểm nhưng không quá 100.000.000 (một trăm triệu) đồng; và b) Tổng Phí bảo hiểm tạm tính đã đóng theo tất cả các Giấy yêu cầu bảo hiểm cho Người được bảo hiểm đang được xem xét chấp nhận bảo hiểm.
Thanks & Best regards!