Breaking News

Đọc xong 10 điều sau đây trước khi bạn có ý định tham gia bảo hiểm


Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu và tham gia BẢO HIỂM NHÂN THỌ không còn xa lạ đối với mỗi người dân Việt Nam, Tuy nhiên, để đi đến quyết định tham gia một chương trình Bảo hiểm nhân thọ, chúng ta cần biết được:

Nên tham gia chương trình nào? học vấn? hưu trí? bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, ung thư hay bảo hiểm tử kỳ...?
Số tiền bao nhiêu? Quyền lợi có được là gì?

Nên tham gia cho ai? bố, mẹ hay con?

Thực tế tại Việt Nam đã phản ánh rằng rất nhiều khách hàng tham gia Bảo hiểm nhân thọ nhưng không phải tất cả khách hàng đều biết rõ quyền lợi của bản thân và gia đình trong hợp đồng bảo hiểm đó. Một hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp bao gồm rất nhiều quyền lợi và giá trị nhưng nhiều lúc khách hàng chưa được tư vấn kỹ lưỡng dẫn đến nhiều hiểu nhầm đáng tiếc về Bảo hiểm và tư vấn bảo hiểm nói chung.

Sau đây là những câu hỏi thông thường nhất về Bảo hiểm nhân thọ mà khách hàng cần biết trước khi tham gia:

1. Cần thấu hiểu Tại Sao Mình cần tham gia Bảo Hiểm:

Phần lớn chúng ta đều cần bảo hiểm nhân thọ vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống, nhưng đừng bao giờ tham gia bảo hiểm chỉ vì nghe người khác nói vì đó là một ý kiến tốt mà tự bản thân chúng ta hãy tìm hiểu để biết Bảo hiểm tốt như thế nào rồi hãy tham gia.
Bảo hiểm nhân thọ được xây dựng dựa trên nguyên lý số đông, tức là lấy sự đóng góp của số đông để bù đắp rủi ro mất mát cho số ít. Ngày nay, đi kèm với sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế toàn cầu, các công ty bảo hiểm ngày càng tích lũy được nhiều nguồn vốn lớn và đầu tư hiệu quả dẫn đến lợi nhuận cao và đồng nghĩa với việc bảo tức tích lũy các công ty phải chia cho khách hàng sẽ ngày càng nhiều hơn. Thậm chí gần đây nhiều công ty bảo hiểm còn đưa ra những dòng sản phẩm đầu tư giúp khách hàng gửi và rút tiền linh hoạt với lãi suất cao. Có thể nói bảo hiểm nhân thọ được thiết lập để giúp con người giải quyết bốn bài toán trong cuộc sống là:

* Mất quá sớm
* Sống quá lâu
* Tai nạn và bệnh tật
* Vay nợ quá nhiều

- Mất quá sớm: Ai sẽ là người thay thế bạn trả tiền học phí cho con, tiền mua nhà, mua xe, tiền sinh hoạt phí cho gia đình?

- Sống quá lâu: Tuổi thọ trung bình của người Việt là 75 tuổi trong khi đó tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55. Như vậy, trong cuộc đời một người trung bình sẽ có 20 năm tuổi già và bảo hiểm xã hội + tiền của để dành có giúp bạn lo toan được cho tuổi già đó hay không? bạn có cần phải tiếp tục đi làm khi tuổi già đến hay không?

- Tai nạn và bệnh tật: "Còn nước còn tát" là truyền thống của người Việt, 97% người Việt luôn ưu tiên cho việc bảo vệ sinh mạng và sức khỏe cho những người thân yêu của mình. Nếu không may người thân bị bệnh thì dù phải bán hết tất cả ruộng vườn, nhà cửa...vẫn phải tiếp tục cố gắng và hy vọng. Nếu bạn không may bị tai nạn hoặc bệnh tật thì câu hỏi đặt ra là:
     + Làm sao bạn bù đắp được sự mất mát về thu nhập và chi phí thuốc thang?
     + Ai sẽ là người tiếp tục chu cấp tài chính cho gia đình và việc học hành của con cái?
- Vay nợ quá nhiều: Trong cuộc sống cũng có lúc bạn cần tiền để mua sắm những tài sản có giá trị như nhà, đất.... và cũng có lúc bạn cần tiền cho các hoạt động đầu tư. Nếu chẳng may có gì xảy ra đối với bạn thì ai sẽ là người trả hết số tiền vay đó? Vợ/chồng/con bạn sẽ sống ở đâu nếu bị chủ nợ lấy hết nhà cửa và tài sản?

2. Xác định Số Tiền Bảo Hiểm (Mệnh giá) và số tiền có thể tiết kiệm được:

     - Nhìn chung nhiều chuyên gia khuyên rằng, bạn nên chuẩn bị một số tiền gấp 5 lần tiền lương hàng năm của mình trong trường hợp rủi ro. Chẳng hạn mức lương hàng năm của bạn là 120 triệu đồng thì bạn có thể lựa chọn tham gia hợp đồng bảo hiểm với mệnh giá 600 triệu đồng.
     - Số tiền có thể tiết kiệm được:
Phần lớn chúng ta thường sống với công thức của tiết kiệm như sau: Tiết kiệm = Thu nhập - Chi tiêu
     Đó là lý do nhiều khách hàng luôn phàn nàn rằng thu nhập hàng tháng không đủ để chi tiêu và họ không thể nào tiết kiệm được, nào là sinh hoạt phí, học phí, giao tế phí....và cuối cùng lúc họ cần một số tiền lớn thì phải bán tài sản hoặc vay mượn. Vậy làm sao để sự việc này không còn tiếp diễn và giúp cho cuộc sống của chúng ta chủ động hơn? Bạn hãy cố gắng áp dụng công thức dưới đây một cách đều đặn và có kỷ luật:  Chi tiêu = Thu nhập - Tiết kiệm
     Theo các chuyên gia tài chính thì số tiền tiết kiệm nên từ 10-20% thu nhập hàng tháng, bạn có thể dùng một nửa số tiền này gửi Ngân hàng hoặc đầu tư và một nửa còn lại thì tham gia một chương trình Bảo hiểm toàn diện cho gia đình. Tất nhiên, tiền của bạn bỏ vào BHNT đều được đảm bảo về lãi suất và không hề bị thất thoát.
     Như trường hợp bạn tham gia Bảo hiểm với mệnh giá 600 triệu trong phần trên thì trung bình bạn chỉ cần tiết kiệm khoảng 1,5Tr - 2,5triệu đồng/tháng (tùy theo tuổi, nghề nghiệp..). Tuy nhiên, vẫn có nhiều người tham gia các mức bảo hiểm lớn hơn nhằm chuẩn bị nhiều thu nhập hơn cho gia đình khi có rủi ro.

3. Hãy chọn loại Hợp Ðồng phù hợp:

     Một khi đã có được số tiền ước tính cho bảo hiểm nhân thọ, nên nghĩ đến loại hợp đồng nào là phù hợp với nhu cầu của mình. Ngày nay, bảo hiểm nhân thọ trở nên đa dạng và phong phú, phù hợp với nhiều độ tuổi và nhiều nhu cầu khác nhau như: Chương trình tiết kiệm bảo hiểm học vấn, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo và chăm sóc sức khỏe... Việc lựa chọn tham gia loại bảo hiểm nào sẽ tùy thuộc vào nhu cầu nào là quan trọng nhất của bạn, hoặc bạn có thể tham gia nhiều loại hình bảo hiểm khác nhau (nhân viên Tư vấn sẽ hoạch định giúp bạn)

4. Bạn có cần phải khám bệnh khi mua Bảo hiểm nhân thọ không?

     Trong những trường hợp cần thiết bạn sẽ được công ty bảo hiểm mời thăm khám sức khỏe tổng quát.

5. Hợp đồng bảo hiểm có thể bị hủy bỏ vì lý do sức khỏe?

     Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ sau khi bạn tham gia thì bạn sẽ được bảo hiểm ngay từ thời điểm ký hợp đồng, hàng năm bạn sẽ không cần phải kiểm tra sức khỏe lại và hợp đồng vẫn có hiệu lực. Nếu không may sức khỏe của bạn giảm sút thì hợp đồng của bạn không bao giờ bị hủy vì sức khỏe thay đổi và sẽ không bị yêu cầu cung cấp bằng chứng về tình trạng sức khỏe tốt để gia hạn hợp đồng bảo hiểm của mình hằng năm mà bạn còn được chi trả một khoản tiền nhất định tùy theo từng sản phẩm Bảo hiểm. Đây là một trong những điểm hoàn toàn khác giữa bảo hiểm nhân thọ và các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.

6. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bị tàn phế?

     Nhiều hợp đồng bảo hiểm bao gồm một phụ lục tùy chọn, trong đó cung cấp chương trình “miễn đóng phí bảo hiểm” trong trường hợp bị tàn phế hoàn toàn. Trong trường hợp bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, công ty bảo hiểm sẽ trả lệ phí bảo hiểm hàng năm cho bạn và gia đình để đảm bảo cuộc sống khi người trụ cột không thể làm việc và tạo ra thu nhập...

7. Nên tham gia bảo hiểm cho ai? 

Vợ/chồng và/hoặc con không?
     Bảo hiểm cho cả vợ/chồng và con là ý kiến rất hay. Nhưng trước tiên, nên bảo hiểm cho người trụ cột..
     Nhiều sản phẩm bảo hiểm có thể bảo vệ toàn diện cho một gia đình với tất cả thành viên, và nếu chẳng may có rủi ro xảy ra đối với 1 trong những thành viên trụ cột của gia đình thì điều khoản chung này sẽ yêu cầu công ty Bảo hiểm phải chi trả cho gia đình một khoản tiền để chu toàn cuộc sống và hợp đồng bảo hiểm từ thời điểm đó sẽ được miễn nộp phí hoàn toàn tức là khách hàng không phải nộp bất kỳ một khoản phí nào nhưng mục đích tiết kiệm ban đầu vẫn an toàn, đến ngày kết thúc hợp đồng khách hàng vẫn có thêm một khoản tiền như ý muốn. Đó là giá trị nhân văn to lớn mà người ta hay nhắc đến khi nói về Bảo hiểm nhân thọ.

8. Ai là người được bảo vệ chính?

     Chúng ta mua bảo hiểm thì phải xác định được là: Bảo hiểm cho người quan trọng và có nguy cơ rủi ro cao nhất. Có nghĩa là "người đang làm ra tiền, tiếp xúc với xã hội nhiều, tai nạn rình rập...". Vì tính nhân văn của bảo hiểm là khi Người Quan trọng đó có sự cố thì Công ty Bảo hiểm sẽ hổ trợ và chi trả toàn bộ số tiền Bảo hiểm để lo cho những Người phụ thuộc. Đây là yếu tố khác biệt với việc chúng ta bỏ tiền vào Ngân hàng.

9. Quyết tâm đi đến cùng:

     Đã quyết định đầu tư về lĩnh vực gì thì chúng ta phải đi đến cùng, bỏ ngang giữa chừng thì chuyện thất thoát là Tất yếu, ví dụ như chúng ta đầu tư vào một quán Cà fê, với sự tính toán là 5 năm lại vốn (ước tính như vậy) thế mà mới 2 năm chúng ta lại bỏ thì thử hỏi chúng ta có Thất thoát không. Tham gia Bảo hiểm cũng thế, những năm đầu tiên chi phí cho bảo hiểm rủi ro là rất lớn cho nên nếu chúng ta bỏ ngang giữa chừng thì thật sự là không có lợi. Nhưng bạn hãy hỏi tất cả những ai đã tham gia Bảo hiểm và đi đến ngày đáo hạn thì họ sẽ thấy bảo hiểm thật sự là lời và có thể lời hơn gửi tiết kiệm hoặc đầu tư 
     Chi phí quản lý rủi ro ở đây có nghĩa là chi phí công ty sẽ bỏ ra để chi trả cho bạn (một số tiền lớn) nếu không may rủi ro xảy ra đối với bạn ngay khi tham gia hợp đồng tức là bạn vừa đóng một số tiền rất nhỏ cho công ty. Chẳng hạn bạn tham gia hợp đồng với mệnh giá 500 triệu đồng và thời gian đóng phí là 10 năm, mỗi năm bạn đóng 15 triệu đồng thì ngay khi vừa đóng số tiền phí bảo hiểm đầu tiên là 15 triệu đồng bạn đã được bảo hiểm đến 500 triệu. Tức là công ty bảo hiểm mới chỉ nhận của bạn 15 triệu đồng nhưng có rủi ro xảy ra với bạn thì công ty sẽ trả cho gia đình bạn tối thiểu 500 triệu đồng, và cũng tùy vào từng loại điều khoản hợp đồng mà sau này gia đình bạn có thể nhận thêm một khoản tiền khác nữa. Đó là lý do tại sao nếu tham gia bảo hiểm và hủy hợp đồng sớm thì số tiền bạn nhận lại sẽ không nhiều, còn nếu bạn quyết tâm đi đến cùng thì lợi ích là rất lớn...

10. Nếu chẳng may thu nhập của gia đình bị giảm sút?

     Bạn tham gia Bảo hiểm nhân thọ được 5 năm và lúc này gia đình bạn gặp một vài khó khăn về tài chính, việc tiếp tục duy trì đóng phí Bảo hiểm trở nên khó khăn với gia đình bạn thì Công ty bảo hiểm vẫn có rất nhiều giải pháp dành cho bạn và gia đình để vẫn tiếp tục được bảo hiểm:
     Được gia hạn đóng phí 60 ngày (hoặc 2 tháng) không tính lãi suất
     Giảm mệnh giá bảo hiểm để giảm số tiền bảo hiểm
     Bên cạnh đó rất nhiều tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại sẵn sàng cho bạn vay ưu đãi với số tiền tối đa bằng 100 lần phí bảo hiểm đóng hàng tháng của bạn, để bạn và gia đình vượt qua được những thời điểm kinh tế xuống dốc,,,

*** Thực tế đã chứng minh hợp đồng bảo hiểm sẽ ngày càng có giá trị trong tương lai về rất nhiều mặt.