Breaking News

Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (hiệu lực từ 01/01/2018)

BÀN THÊM VỀ ĐIỀU 213 TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ (TỘI GIAN LẬN TRONG KD BẢO HIỂM)
Hôm qua tôi có viết bài: "Gian lận bảo hiểm trong luật hình sự (Sử dụng ca HIV làm giả định phân tích)".

Sau đó có bạn hỏi tôi, vì sao trong luật hình sự dã có tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (gọi tắt là "lừa đảo chiếm đoạt (LĐCĐ) rồi, nay lại có thêm tội danh "gian lận bảo hiểm" (gọi tắt "GLBH") để làm chi, bởi vì GLBH cũng là một dạng LĐCĐ?
Thật là một câu hỏi hay! Tôi xin trả lời vắn tắt như sau:
1. Với mỗi tội danh riêng biệt sẽ có các yếu tố cấu thành tội phạm (CTTP) tương ứng. Khi Tội danh GLBH được đưa vào luật, các CTTP sẽ được xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Các đối tượng GLBH cũng dễ dàng được xác định cụ thể hơn (khách hàng, đại lý, nhân viên CTBH, cấp quản lý CTBH, cũng như bản thân CTBH với tư cách pháp nhân thương mại). Trong khi CTTP của tội danh LĐCĐ khá chung chung, đôi khi khó áp dụng cho những tình huống gian lận cụ thể.
2. Khi luật định tội danh GLBH với CTTP cụ thể như thế thì các cơ quan tố tụng (công an, viện kiểm sát, tòa án) sẽ dễ dàng thụ lý vụ án. Trước đây công an nhiều nơi không thụ lý theo vụ án hình sự vì họ cho rằng hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng dân sự, nên đây là tranh chấp dân sự giữa CTBH và khách hàng, hay giữa CTBH với đại lý.
3. Trong Luật HS có tội danh GLBH thì dễ dàng hơn trong việc phổ cập hiểu biết về pháp luật cho người dân, cho khách hàng và cho toàn ngành BH.
Tội danh GLBH được đưa vào luật HS là một bước tiến của ngành BH ở VN. Tuy nhiên so với các nước thì viêc này cũng chưa đủ. Bởi lẻ ở các nước, hành vi TÌM CÁCH GLBH CŨNG ĐƯỢC XEM LÀ GLBH VÀ CŨNG BỊ XỬ LÝ THEO QUY ĐỊNH VÈ GLBH. Ví dụ: làm hồ sơ giả nộp cho CTBH, lập hiện trường giả, để yêu cầu CTBH chi trả. Ở các nước tiên tiến, nếu CTBH phát hiện là hồ sơ giả hay hiện trường giả sẽ không chi QLBH và cơ quan pháp luật vẫn truy tố HS vì khách hàng đã TÌM CÁCH GIAN LẬN.
Tôi nhớ trường hợp một người chồng ở Mỹ đã khai báo vợ bị tử vong ở vụ khủng bố Tháp đôi 11 Tháng 9 New York và nộp yêu cầu bồi thường BH. CTBH nghi ngờ nên đã báo cảnh sát. Họ đã điều tra và phát hiện người vợ còn sống và đang ở thành phố khác. Thế là cả hai vợ chồng đều bị bắt mà chưa lấy được đồng tiền BH nào.
Ở VN thì CTTP của tội GLBH phải có điều kiện là đối tượng vi phạm đã thật sự chiếm đoạt tài sản, tức là CTBH đã chi tiền ra.Thôi thì luật đã quy như thế vậy thì mọi người phải tuân theo như vậy!
Xu hướng có thể xảy ra trong thời gian tới, các CTBH có thể sẽ mạnh tay hơn trong việc tố cáo hình sự đối với người tham gia BH hay đại lý BH hay nhân viên CTBH hay cấp quản lý CTBH về việc GLBH (hoăc có sự tố cáo ngược lại, hoặc tố cáo chéo nhau...). Đó sẽ là chuyện bình thường với Điều 213 này.
-------
Dưới đây là nguyên văn Điều 213- Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (hiệu lực từ 01/01/2018)
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, với số tiền chiếm đoạt từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 400.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này, với số tiền chiếm đoạt từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội với số tiền chiếm đoạt 3.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 5.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Theo Nguyen Khac Thanh Dat