Breaking News

“Quên” đóng phí bảo hiểm, lại một chuyện khiếu nại không đáng có?

Cuối tuần qua, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được thư phản ánh của bà Bạch Thị Duyên, người mua bảo hiểm của Prudential Việt Nam về khoản phạt do chưa nộp phí năm 2007, sau khi chuẩn bị đến hạn tất toán hợp đồng.
“Quên” đóng phí bảo hiểm, lại một chuyện khiếu nại không đáng có?

Khách hàng từ chối nộp phạt

Cụ thể, theo bà Duyên, năm 2003, bà có ký hợp đồng mua bảo hiểm số 70754216 cho con trai là Đỗ Nhật Minh Quang (sinh ngày 4/12/2000) với mức phí bảo hiểm định kỳ hàng năm là 1.687.000 đồng. Thời gian đóng phí bảo hiểm là 15 năm.

Đến ngày 19/6/2017, sau khi đóng phí bảo hiểm lần cuối cùng của hợp đồng, bà Duyên nhận được điện thoại từ phía Prudential thông báo đến ngày 26/6/2018 sẽ kết thúc hợp đồng. 

“Sau khi hỏi số tiền được quyết toán, tôi được nhân viên tổng đài thông báo số tiền dự kiến trong trường hợp không vi phạm hợp đồng. Tôi có hỏi nhân viên kiểm tra lại xem tôi có vi phạm, hay vướng mắc gì không? Sau khi chờ 5 phút, tôi nhận được thông tin là năm 2007 tôi đã quên không đóng phí bảo hiểm. Do vậy, Prudential đã tự động trích phí ứng nộp cho tôi và cuối hợp đồng sẽ trừ vào tất toán hợp đồng bảo hiểm”, bà Duyên bộc bạch. 

Bà Duyên cho biết, suốt 10 năm qua (kể từ thời điểm quên đóng phí bảo hiểm năm 2007), bà đều đóng phí bảo hiểm đúng hạn, nhưng phía Prudential không hề có thông báo nhắc nhở việc quên đóng phí bảo hiểm để bà nộp bù. 

“Mỗi năm tôi đều nhận được hoá đơn đóng phí thường niên của năm đó, nhưng không hề nhận được thông báo hay phiếu thu số tiền chưa nộp năm 2007. Nếu năm 2008 Công ty chưa gửi , thì tại sao các năm sau cũng không gửi, mà lại chờ đến tận năm 2017, thời điểm chuẩn bị tất toán hợp đồng mới thông báo cho tôi thông tin này?”, bà Duyên thắc mắc.

Hợp đồng bảo hiểm và đơn khiếu nại của bà Bạch Thị Duyên 
Bà Duyên cũng khẳng định sẽ không chịu trách nhiệm về số tiền phạt này bởi không phải bà cố tình không nộp.

“Lỗi này thuộc về Prudential do không làm hết trách nhiệm là nhắc nhớ, gửi phiếu thu phải nộp cho người tham gia bảo hiểm, nên số tiền phạt này nhà bảo hiểm phải tự xử lý”, bà Duyên nói.

Không đồng ý khoản giảm trừ trên, đến ngày 28/6/2017, bà Duyên đã gửi đơn khiếu nại tới Prudential và cho biết sẽ chỉ chấp nhận bị phạt khi Prudential chứng minh được hàng năm đã nhắc nhở bà nộp bù khoản phí năm 2007 (bằng các minh chứng bưu điện). 

Ý kiến Prudential thế nào?

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, Prudential cho biết đang rà lại các thông tin liên quan đến hợp đồng này để chính thức có câu trả lời. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đây thực chất không phải là khoản phạt như phản ánh của khách hàng, mà thực chất là một khoản giảm trừ. 

Trong thư gửi khách hàng Bạch Thị Duyên ngày 12/7/2017, Prudential đã nêu rõ, theo điều khoản hợp đồng đã ký giữa 2 bên, trong trường hợp phí bảo hiểm đến hạn không được nộp và giá trị hoàn lại của hợp đồng đủ để nộp phí tự động, hợp đồng bảo hiểm sẽ được sử dụng giá trị hoàn lại để nộp bù khoản phí này…

Được biết, theo thông báo bà Duyên nhận được từ Prudential ngày 12/7/2017, tổng khoản tạm ứng từ giá trị hoàn lại và khoản giảm thu nhập đầu tư phát sinh còn lại chưa được hoàn trả của hợp đồng là 4.645.600 đồng (tức là khách hàng bị giảm trừ 3.000.000 đồng sau khi tất toán hợp đồng-PV).

Lý do dẫn đến khoản tiền bị giảm trừ trên, theo thư gửi khách hàng, Prudential giải thích đó là do kỳ phí 26/6/2007 chưa được nộp nên đã được tạm ứng từ giá trị hoàn lại để nộp phí tự động. Đến ngày 22/8/2008, bà Duyên nộp 1.905.100 đồng, được hoàn trả khoản gốc tạm ứng và một phần khoản giảm thu nhập đầu tư phát sinh cho kỳ phí 26/6/2007. Ngày 27/8/2009, khách hàng nộp 1.690.000 đồng được hoàn trả một phần khoản gốc tạm ứng cho kỳ phí 26/6/2008.

Theo ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA, trong trường hợp này, nhà bảo hiểm hoàn toàn có cơ sở để giảm trừ do hợp đồng đã ký giữa 2 bên ràng buộc rõ là “trong trường hợp chưa đóng phí thì hợp đồng sẽ được tự động điều chỉnh, mà không cần phải thông báo cho khách hàng”.

“Hợp đồng mà khách hàng ký là căn cứ quan trọng nhất để thực hiệp hợp đồng và phát sinh các tranh chấp. Trừ khi điều khoản tại hợp đồng không rõ ràng, buộc phải dẫn chiếu các điều luật để xem xét, thì lúc đó mới dẫn chiếu luật, theo thứ tự ưu tiên là luật chuyên ngành rồi đến các luật khác. 

Là hợp đồng bảo hiểm nên các bên cần dẫn chiếu ưu tiên Luật Bảo hiểm để xem xét. Khi người được bảo hiểm đã đồng ý và ký xác nhận rằng, trong trường hợp giá trị hợp đồng đã tích lũy đủ khoản phí cho kỳ tiếp theo, nhà bảo hiểm được quyền tự động đóng phí mà không cần thông báo trước cho người được bảo hiểm, thì các hậu quả phát sinh từ việc này cũng sẽ mặc nhiên được áp dụng”, ông Nguyên cho hay.

Kim Lan

No comments