Bảo hiểm nhân thọ lại nóng vì M&A
Prévoir Việt Nam được thành lập từ năm 2005 và bắt đầu triển khai bán sản phẩm bảo hiểm đầu tiên tại thị trường vào năm 2006.
Kế thừa kinh nghiệm hoạt động hơn 100 năm của Tập đoàn Prévoir tại Pháp, ngay từ khi bước chân vào thị trường Việt Nam, Prévoir Việt Nam đã xây dựng một mô hình kinh doanh đặc thù cho riêng mình - kết hợp thế mạnh về kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ của Prévoir với thế mạnh về mạng lưới của các đối tác phân phối, xây dựng kênh phân phối qua hệ thống 63 bưu điện tỉnh/thành phố của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post) và mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch trên toàn quốc của khoảng 10 ngân hàng.
Hệ thống VN Post và ngân hàng là 2 kênh phân phối chủ lực của hãng bảo hiểm đến từ nước Pháp. Tuy nhiên, sau khi hết hợp đồng độc quyền với VN Post, Prévoir Việt Nam không tiếp tục bán bảo hiểm qua kênh phân phối này (Dai-ichi Life Việt Nam ký độc quyền với VN Post sau khi hợp đồng giữa VN Post với Prévoir Việt Nam kết thúc), mà triển khai mạnh hơn việc bán bảo hiểm qua các ngân hàng.
Hãng bảo hiểm này cũng phát triển kênh đại lý nhưng chưa thành công. Bởi vậy, bancassurance vẫn là hệ thống phân phối chủ lực khi liên kết với gần 10 ngân hàng, trong đó có nhà băng ký hợp tác độc quyền trong nhiều năm.
Đối tác của Prévoir Việt Nam trong thương vụ này là Mirae Asset Life (Hàn Quốc), một tên tuổi còn khá mới tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Mirae Asset Life Insurance là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nằm trong nhóm 5 doanh nghiệp bảo hiểm của Hàn Quốc xét về quy mô tài sản sau khi mua lại Công ty Bảo hiểm nhân thọ PCA, một công ty con của Prudential Plc.
Các thông tin của thương vụ giữa Prévoir Việt Nam và Mirae Asset Life như số cổ phần, giá trị thương vụ và lý do lựa chọn đối tác Hàn Quốc hiện vẫn chưa được tiết lộ chính thức. Tuy nhiên, thương vụ này nhiều khả năng sẽ mở ra một trang mới cho công ty bảo hiểm đến từ nước Pháp - hãng bảo hiểm mới chỉ đang chiếm khoảng 1% thị phần tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Thương vụ này dù khá kín tiếng nhưng cũng không quá bất ngờ, bởi thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn luôn là nơi tìm kiếm cơ hội đầu tư của các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới. Bên cạnh thương vụ này, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang ngóng chờ thông tin về một thương vụ M&A khác mà nhà đầu tư cũng đến từ châu Á.
“M&A là cách ngắn nhất để tập đoàn này chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam. Với tên tuổi khá tầm cỡ thì đối tác mà nhà đầu tư này muốn mua cổ phần cũng phải là thương hiệu có tên tuổi trên thị trường”, CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ tiết lộ.
Thực tế, M&A ở khối nhân thọ tại thị trường bảo hiểm Việt Nam thời gian qua diễn ra khá sôi động với việc Tập đoàn Bảo hiểm Aviva (Aviva) đã hoàn tất mua lại cổ phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ VietinBank Aviva (Aviva Việt Nam) từ Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), hay thương vụ mua lại hết cổ phần của PVI trong liên doanh để thành lập Công ty Sun Life Việt Nam 100% vốn ngoại.
Một trong những lý do tạo nên sự hấp dẫn của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đối với các tập đoàn tài chính thế giới là tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm, trong bối cảnh các thị trường bản địa đang ở mức bão hòa hoặc không tăng trưởng (vì ý thức mua bảo hiểm nhân thọ của người dân rất cao, hầu như mỗi cá nhân đều sở hữu một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ).
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 38.736 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 22.790 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2016.
No comments