Thế giới đang ngồi trên một quả bom hẹn giờ trị giá 400 nghìn tỷ USD
Thảm họa tài chính đang ngày càng đến gần, không phải bởi thị trường chứng khoán hay những khoản vay dưới chuẩn. Cuộc khủng hoảng sắp tới sẽ phức tạp hơn, kết cấu chặt chẽ hơn và không thể kiềm chế.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự đoán đến năm 2050, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt400.000 tỷ USD tiền tiết kiệm hưu trí. Nói cách khác, thế giới sẽ không đủ khả năng để cung cấp 70% thu nhập trước khi nghỉ hưu cho một người lao động thông qua tiết kiệm cá nhân và quỹ hưu trí công. Đứng đầu trên thế giới là Mỹ - thiếu hụt 137.000 tỷ USD, sau đó đến Trung Quốc - thiếu hụt 119.000 tỷ USD.
Trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận tài sản thấp hơn và tuổi thọ của con người tăng cao hơn, thiếu hụt quỹ hưu trí là điều có thể xảy ra. WEF cho biết những thế hệ gần đây sẽ có tuổi thọ hơn 100 tuổi - đó là một con số khá lớn.
Michael Drexler - giám đốc hệ thống tài chính và cơ sở hạ tầng thuộc WEF cho biết: "Giống như vấn đề biến đổi khí hậu, bạn không nhìn thấy hậu quả ngày hôm nay, nhưng nếu không làm gì thì vấn đề sẽ tăng lên và cuối cùng bạn sẽ không thể làm được gì". Ông nói "hôm nay bạn vẫn có thể thay đổi mọi thứ, nhưng nếu không làm gì, bạn sẽ phải giải quyết vấn đề lớn gấp 3,4 lần nền kinh tế toàn cầu".
Dự báo bất cứ thứ gì một cách chính xác vào năm 2050 là điều không thể. Chúng ta có thể gặp may mắn, trong một ý nghĩa nào đó, như là tuổi thọ con người không tăng hoặc tỷ suất lợi nhuận tài sản tăng lên. Một số người cho rằng lo lắng là vô căn cứ bởi hiện tại chúng ta vẫn có thể trả lương. Một số khác lại cho rằng con số 400.000 tỷ là không chính xác. Tuy nhiên, cả hai lập luận trên đều không chắc chắn và nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, thế giới sẽ chịu tổn thất rất nặng nề.
Hành động sớm sẽ giảm thiểu tổn thất trong tương lai. Để tiền vào quỹ hưu trí từ bây giờ đem lại khoản lãi gộp và đảm bảo chắc chắn cho các thị trường tài chính lo sợ khủng hoảng nợ chính phủ. Cục Quản lý An sinh Xã hội Mỹ ước tính khoản thiếu hụt quỹ hưu trí có thể được điều chỉnh bằng cách tăng thuế 2,58% và cắt giảm trợ cấp 16%. Nếu đợi đến năm 2034, cần phải tăng thuế thêm 3,58% và cắt giảm trợ cấp đi 21% thì mới có thể bù đắp phần thiếu hụt.
Báo cáo của WEF cũng đưa ra một số gợi ý để giải quyết tình trạng thiếu quỹ hưu, hầu hết là các biện pháp tăng cường tiết kiệm cá nhân. Nhóm tác giả cũng ủng hộ việc các nhà quản lý quỹ hưu trí đa dạng hóa các khoản đầu tư ngoài cổ phiếu và trái phiếu truyền thống. Drexler cho biết đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng đa dạng có thể làm tăng tỷ suất lợi nhuận và thúc đẩy kinh tế.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là hành động của chính phủ. Phần lớn khoản thiếu hụt quỹ hưu trí đã được "nướng" vào bộ máy hưu trí. Khoảng 3/4 khối lượng thiếu hụt dự kiến đến từ những lời hứa chưa được thực hiện của chính phủ. Hơn nữa, người dân không thể tiết kiệm đủ để bù đắp lại những lời hứa "xuông" đó.
No comments