7 bài học cuộc sống rút ra từ đầu tư chứng khoán có thể giúp bạn khôn ngoan hơn
Không chỉ là những con số khô khan, đôi khi còn có một cái gì đó rất đẹp và tự nhiên từ các đồ thị chứng khoán. Giá cổ phiếu phản ánh tâm lý đám đông, điều này cũng đồng nghĩa với việc biểu đồ chứng khoán đại diện cho hành vi của con người.
Đơn giản nhưng lại khá phức tạp, đầu tư chứng khoánkhông chỉ dạy bạn về hành vi của con người nói chung mà còn giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về chính bản thân mình.
Sau tất cả, đầu tư chứng khoán là một hành trình tự khám phá bản thân. Dưới đây là 7 bài học cuộc sống mà đầu tư chứng khoán có thể dạy cho mỗi chúng ta.
Không bao giờ có sự hoàn hảo tuyệt đối
Trường học dạy chúng ta rằng mục tiêu phải luôn luôn hoàn hảo. Bạn được khen thưởng khi làm đúng và bị phạt khi làm sai. Sự hoàn hảo rất dễ để đo lường: khi trả lời đúng mọi câu hỏi, bạn sẽ đạt 100% điểm.
Tuy nhiên, khi đưa ra quyết định thực tế, sẽ không thể có câu trả lời chính xác cho mọi câu hỏi mà thay vào đó là nhiều kết quả xảy ra dưới hình thức của thành công hoặc thất bại.
Trong cuộc sống cũng như trên thị trường chứng khoán, không bao giờ có sự hoàn hảo tuyệt đối. Bạn không thể mua tất cả cổ phiếu khi giá của chúng xuống thấp và cũng không thể bán ra toàn bộ khi cổ phiếu lên cao. Nếu bạn quản lý đầu tư theo kiểu này, bạn chỉ có thể dựa vào may mắn.
Ai cũng có những lúc đưa ra quyết định sai, thậm chí rất nhiều lần. Trong đầu tư chứng khoán, bạn có thể sai nhiều hơn số lần bạn đúng và thành công. Đó là lý do bạn cần phải liên tục cải thiện bản thân và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.
Tiến bộ không phải là một đường thẳng
Khi bạn quyết tâm và thực hiện theo mục tiêu của mình, bạn thường nghĩ rằng mình đang tiến bộ mỗi ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, không có sự tiến bộ nào đi theo một đường thẳng, bạn phải vừa tiến vừa lùi và vượt qua điểm trung bình.
Khi đánh giá sự tiến bộ, điều quan trọng là bạn phải tập trung vào xu hướng dài hạn. Hệ quả trực tiếp của xu hướng được thể hiện qua những điểm cao nhất và thấp nhất. Chẳng hạn nếu bạn tạo ra nhiều điểm cao hơn là những điểm thấp, xu hướng chung của bạn là đang đi lên.
Thậm chí ngay cả khi bạn chạy được ít hơn một nửa vòng đua kỷ lục của mình, kết quả này vẫn cao hơn hai lần đầu tiên bạn chạy. Như vậy, chỉ có quay đầu lại mới là thất bại; còn vững bước tiến về phía trước sau một vài điểm dừng sẽ giúp bạn đi xa hơn.
Làm gì cũng cần có kế hoạch
Bạn không bao giờ biết được thị trường sẽ diễn ra tiếp theo như thế nào. Nhưng nếu như không biết những gì phải làm, bạn sẽ thất bại. Thị trường biến động không ngừng, vì vậy bạn phải luôn trong tâm thế sẵn sàng hành động.
Một kế hoạch không chỉ bao gồm kết quả mà bạn mong đợi sẽ xảy đến, mà bạn cần phải có phương án cụ thể cho những tình huống xấu nhất. Bên cạnh đó, một phần không thể thiếu của kế hoạch là quản lý rủi ro – bạn phải quyết định xem mình sẵn sàng mất những gì trước khi đi vào thực hiện bước đầu tiên.
Việc có một kế hoạch sẽ giúp bạn luôn tiến về phía trước, bởi vì chúng ta rất dễ hoảng sợ khi thị trường biến động. Nhiều lần không hành động đôi khi lại là hành động tốt nhất. Do đó, hãy kiên định với kế hoạch của bạn.
Cơ hội thì không thiếu, nhưng cánh cửa dẫn đến cơ hội lại rất khan hiếm
Trong cuộc sống luôn có hàng ngàn cơ hội đến với chúng ta mỗi ngày. Cơ hội đến nhiều hơn khả năng mà chúng ta có thể nắm bắt. Cơ hội bao gồm công việc, đầu tư và cả tình yêu. Tất nhiên, bạn không thể dành tình yêu cho bất cứ ai mà mình gặp. Bạn cũng không thể làm mọi công việc trên đời. Và bạn cũng không thể thực hiện mọi khoản đầu tư.
Rất nhiều cơ hội không hấp dẫn, vì thế hãy lưu ý đến những cơ hội mà bạn thấy hấp dẫn. Khi bạn tập trung vào bất cứ vấn đề nào đó, cánh cửa cơ hội – hay còn gọi là khoảng thời gian mà bạn có thể thực hiện – là vô cùng khan hiếm.
Bạn có thể gặp ai đó mà mình thích nhưng bạn chỉ có 30 giây để giới thiệu về bản thân hoặc người đó sẽ đi ra khỏi cuộc đời bạn mãi mãi. Một công việc hấp dẫn cũng sẽ không chờ bạn mãi mãi mà có rất nhiều người cạnh tranh với bạn. Tương tự như thế, cánh cửa đầu tư cũng có thể đóng lại hàng ngày, hàng giờ, hay thậm chí hàng giây…
Dù cho cơ hội bạn đang tìm kiếm là gì, nếu như bạn không hành động dứt khoát để giành lấy nó, người khác sẽ làm thay bạn. Bạn phải cởi mở để đón cơ hội, sẵn sàng giành lấy chúng và sẵn sàng tiến về phía trước. Nếu không, sẽ luôn có người giành mất của bạn.
Có quan điểm riêng
Con người chỉ thực sự trưởng thành khi biết dùng suy nghĩ và chính kiến của bản thân mình. Hàng ngày chúng ta được nghe rất nhiều lời khuyên từ những người khác: tivi, đài báo, mạng xã hội, bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Luôn có những âm thanh ở xung quanh và nói với chúng ta phải làm điều này, điều kia…
Tất nhiên, việc tham khảo ý kiến từ những nhà cố vấn khác sẽ rất có lợi cho bạn, nhưng điều quan trọng hơn cả là bạn phải có nghiên cứu và đưa ra kết luận riêng của cá nhân mình. Không ai có thể khẳng định chắc chắn điều gì là tốt nhất cho bạn, ngoài chính bạn.
Qua thời gian, thị trường chứng khoán đã chứng minh một chân lý rằng: đám đông thường sai lầm. Khi tâm lý chung của thị trường là lạc quan, diễn biến thực tế có thể đi xuống. Khi tâm lý chung là thị trường sẽ giảm điểm, thực tế nó lại tăng lên.
Bạn có thể kiếm được tiền nhờ đi theo đám đông, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiếm hơn khi đi ngược lại đám đông. Vì thế, hãy sử dụng suy nghĩ của riêng mình để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Các nhà đầu tư kiếm được nhiều tiền nhất thường đưa ra quyết định đúng khi hầu hết mọi người sai.
Biết khi nào là đủ
Bản năng của con người luôn muốn có nhiều hơn. Thị trường bị thúc đẩy bởi lòng tham, cùng với nỗi sợ hãi. Khi càng muốn có nhiều hơn, con người lại càng khó nắm giữ. Do đó, hãy biết dừng lại khi bạn đã cảm thấy đủ.
Tất nhiên, không có gì là sai trái khi bạn mong muốn một giao dịch đem lại lợi nhuận, thậm chí kể cả khi bạn phải đánh đổi. Nhưng bạn cần phải biết tiêu chí thành công của mình là gì. Nếu mục tiêu của bạn là kiếm 5% lợi nhuận trong một thương vụ, hãy hài lòng với mức 5% đó dù tỷ suất sinh lời của thị trường là 10%. Khi tự định nghĩa thành công cho mình, bạn sẽ luôn hài lòng với những gì mình có và không bao giờ đổ lỗi cho bản thân về những gì bạn bỏ lỡ.
Trong cuộc sống sẽ luôn có những người kiếm được nhiều tiền và thành công hơn bạn. Đây hoàn toàn không phải là cuộc chiến để bạn chống lại mọi người. Đối thủ duy nhất của bạn là chính bản thân bạn. Khi đã hiểu được thế nào là đủ và biết hài lòng đúng lúc, bạn sẽ có được thành công và hạnh phúc.
Biết nhìn xa trông rộng
Cách tốt nhất để phân tích chứng khoán là quan sát tại nhiều khung thời gian khác nhau. Dù khoảng thời gian chính mà bạn đang tìm kiếm là gì, bạn luôn luôn phải nhìn xa hơn. Chẳng hạn, nếu bạn đang thực hiện giao dịch chứng khoán theo ngày, hãy nhìn biểu đồ theo tuần trước. Nếu bạn đang thực hiện giao dịch 5 phút, hãy nhìn biểu đồ 30 phút trước.
Khi nhìn vào bức tranh lớn hơn, chúng ta có thể đưa ra những quyết định tốt hơn. Những gì bạn nhìn thấy như một xu hướng giảm trên biểu đồ hàng ngày có khi lại là điểm phục hồi giữa một xu thế đang tăng mạnh. Khung thời gian quan sát càng dài thì càng hữu ích trong việc đưa ra những quyết định chiến lược. Nếu xu hướng dài hạn của cổ phiếu vẫn giảm, bạn không nên mua chúng và ngược lại.
Hầu hết mọi người đưa ra quyết định dựa trên kết quả ngắn hạn, nghĩa là chúng ta mua bất cứ thứ gì mà mình thấy tốt ở thời điểm hiện tại. Dần dần chúng ta hình thành một nền văn hóa thỏa mãn tức thời.
Chẳng hạn đối với thực phẩm hay việc tập thể dục, kết quả ngắn hạn là những cám dỗ sẽ cản trở chúng ta đạt được mục đích lâu dài như khỏa lấp cơn thèm, làm những việc dễ dàng, tránh bị đau… Bằng cách kết nối các quyết định thay vì chỉ chờ đợi kết quả cuối cùng, chúng ta có thể trang bị cho bản thân vượt qua rào cản theo cách mà mình thực sự mong muốn.
No comments