Từ cậu bé bán kem dạo, tốt nghiệp Kinh tế Quốc dân và trở thành vua xuất khẩu chanh leo, gấc, mãng cầu xiêm ra thế giới
Từ cậu bé bán kem dạo, thành lập công ty rồi đứng trên bờ vực phá sản, ông đã trở thành “trùm” chanh leo cô đặc của cả Việt Nam và cả khu vực.
Ông là Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods, doanh nghiệp dẫn đầu Việt Nam về xuất khẩu chanh leo cô đặc tại Việt Nam ra thị trường quốc tế. Ngoài chanh leo, Nafoods còn xuất khẩu nước gấc, mãng cầu xiêm, sơ-ri cô đặc tại nhiều thị trường trên thế giới.
Đó là một doanh nhân, từng bước qua những chặng đường gian khó để đến với cây chanh leo, cây gấc, cây mãng cầu xiêm và mang những loại cây này đến với người tiêu dùng trên nhiều vùng đất xa xôi.
Sản lượng chanh leo cô đặc của Nafoods chiếm 7-8% trên thế giới
Hiện tại, sản lượng chanh leo tím cô đặc của Việt Nam chiếm 10% thị trường thế giới (khoảng 3.000 tấn/năm), trong đó riêng Nafoods đã giữ 7-8%. Đây cũng là mặt hàng mang lại doanh thu lớn nhất cho Nafoods.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods (trái). Ảnh: Ngọc Thu
Nafoods cũng là đơn vị đứng đầu về sản lượng xuất khẩu gấc vào thị trường Mỹ, khoảng 3.000 tấn. Hiện Công ty có trên 150ha vùng trồng và đang triển khai thêm 55ha trong năm 2017. Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu nước mãng cầu xiêm, sơ-ri cô đặc…. Công ty này cũng là doanh nghiệp xuất khẩu nước mãng cầu xiêm cô đặc lớn nhất thế giới.
Năm 2016, doanh thu của Nafoods đạt gần 500 tỷ đồng. Ông Hùng dự đoán con số sẽ tăng lên gấp 3 vào năm 2020 khi nhà máy tại Long An đi vào hoạt động.
Một doanh nghiệp có những thành công nhất định như vậy, không phải không trải qua nhiều sóng gió.
Anh bán kem năm nào
Người chèo lái con thuyền Nafoods, ông Nguyễn Mạnh Hùng, mang trong mình máu kinh doanh từ nhỏ. Ông kể, từ hồi cấp 2, ông đã thích buôn bán. Ông vẫn phóng xe đạp với chiếc thùng xốp phía sau để bán kem ngoài giờ học. Và điều đặc biệt, hàng của ông không bao giờ ế. Cứ khi trời chuẩn bị có giông, cậu học sinh bán kem lại đi đổi kem lấy bất kỳ vật gì có giá trị, từ khoai, ngô, chè… miễn sao hết hàng.
Ông tâm sự, có thể những vật mà ông đổi được không thể bán nhưng không bán được thì ông đem tặng. "Đôi khi mình chịu lỗ nhưng để lấy cái thảo", ông nói.
Bản thân mê truyện trinh thám nên ông rất thích thi vào an ninh. Ông thi năm đầu không đậu và vào quân ngũ chỉ để ôn thi. Nhưng sau đó, ông thấy không phù hợp và thi vào Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Tài chính.
Sau khi ra trường, ông tiếp tục buôn ba buôn khoai tây, hành tỏi, xi măng từ Lào về Việt Nam. Tiếp đó, ông kinh doanh thêm gỗ, xe máy và mở nhà máy Festi từ những năm 1990.
Thế rồi, thời cuộc đổi thay. Năm 2001, các thương hiệu lớn như Pepsi, Coca Cola khiến thương hiệu nội, trong đó có Festi, vật vã.
Vốn sinh ra tại Nghệ An và sống trong môi trường làm nông nghiệp, ông rất thích làm mảng này và chọn cây dứa.
Tuy nhiên, mọi thứ không trải hoa hồng. Ông từng đứng trên bờ vực của sự phá sản.
Từng vào chùa xin thầy trồng cây vì thất bại với cây dứa
“Đến giờ nghĩ lại giai đoạn khủng hoảng với cây dứa, tôi vẫn thấy sợ. Cây dứa khiến tôi phải trải qua thời gian khủng khiếp. Tuổi trẻ của tôi dành cho loại cây này. Năm 2002, 34 tuổi, tôi nhiều lúc phải sang chùa và nói với thầy rằng: Thầy làm gì cho con làm với. Tôi cuốc đất, trồng cây, ăn chay để được tĩnh tâm. Nhưng khi về rồi lại phải đối mặt với mọi thứ”, ông Hùng kể với chúng tôi.
Vậy cây dứa có duyên nợ gì với Nafoods mà ông Hùng “ấn tượng” đến thế?
Năm 2001, Nafoods có lô hàng xuất khẩu nước dứa cô đặc thành công sang châu Âu nhưng sau đó chìm sâu vào khủng hoảng do nhiều nguyên nhân.
Theo ông Hùng, đó là làm việc cảm tính, dòng tiền chỉ tập trung cho phát triển nhà máy và tìm kiếm thị trường, không chủ động nguồn nguyên liệu khiến Nafoods điêu đứng. Yếu tố khác là khủng hoảng kinh tế khiến công ty lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần và thiệt hại gần 100 tỷ đồng.
“Có khi nợ lương nhân viên đến 7-8 tháng, khi gặp họ, tôi ngại không nhắc đến chuyện lương bổng. Nhân viên cũng ngại, không hỏi sếp. Có lúc lại nợ nông dân. Đến khi mình đứng ra nói chuyện, may mắn hàng ngàn người vẫn thông cảm, chấp nhận và từng bước cùng công ty qua khó khăn”, ông Hùng nhớ lại.
Qua khó khăn, khi nhìn lại, ông Hùng cho biết dứa không phải là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Có nhu cầu tiêu thụ hàng đầu toàn cầu, cao hơn cả táo và cam nhưng dứa Việt Nam không thể so với Thái Lan, Philippines, Indonesia, các nước Nam Mỹ... về cả năng suất, chất lượng, giá và hiệu suất xử lý sau thu hoạch.
Cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan đã khiến con thuyền Nafoods khiến suýt chìm.
“Cây tiền mặt” cứu Nafoods
“Trong câu chuyện của tôi, thứ nhất là đam mê và kiên định. Mình thích kinh doanh và đặc biệt là vào nông nghiệp. Ngoài ra, tôi thấy Việt Nam tiềm năng về nông nghiệp. Tôi có niềm tin rất lớn”, ông chủ Nafoods trả lời như vậy khi được hỏi làm sao để có thể vượt qua được cơn khủng hoảng.
Đam mê, nhiệt huyết, ông Hùng tìm đường lên Tây Nguyên tìm hướng làm ăn mới sau khi bại trận với dứa. Ông gặp được đối tác trồng giống chanh leo tím Đài Loan. Sau khi tìm hiểu, ông tin rằng chanh leo là sản phẩm tiềm năng. Ông bắt tay vào làm và đã đưa sản phẩm chanh leo cô đặc tới khách hàng và dần chinh phục họ.
Với ông, cây chanh leo là cây có lợi thế cạnh tranh rất tốt. Khác với chanh leo vàng Nam Mỹ đang được dùng trên thế giới, giống chanh leo này có vỏ màu tím, vị ngọt thanh và cho năng suất cao có khi gấp đôi giống vàng trong điều kiện phù hợp. Ông gọi là "cây tiền mặt" vì thời gian cho ra trái chỉ vài tháng và cho ra trái quanh năm. Nông dân có thể nhanh chóng có tiền khi trồng cây này. Có gia đình thu được tiền tỷ mỗi năm nhờ cây chanh leo và nhờ lao động chăm chỉ.
Năm 2007 những lô hàng nước chanh leo cô đặc đầu tiên của Nafoods đã được xuất đi châu Âu. Sau 3 năm miệt mài bền bỉ, sản phẩm nước chanh leo tím cô đặc của Nafoods được khách hàng đón nhận.
Ông Hùng gọi cây chanh leo là cứu tinh của Nafoods. Năm 2010, công ty khá khó khăn về tài chính, có những lúc mua chịu nhưng sản xuất rồi, ông bán được luôn và khách hàng trả tiền luôn. Vì vậy, ông có dòng tiền để luân chuyển.
Thị trường xuất khẩu chanh leo chính của Nafoods là châu Âu với sản phẩm nước chanh leo cô đặc, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong doanh thu của Nafoods. Hiện tại, sản lượng chanh leo tím cô đặc của Việt Nam chiếm 10% thị trường thế giới (khoảng 3.000 tấn/năm), trong đó một mình Nafoods đã giữ 7-8%.
Từ vua chanh leo cô đặc đến vua gấc
Cây gấc cũng là loại cây mà ông Hùng cho rằng có lợi thế cạnh tranh tốt. Gấc có hàm lượng lycopenee, β-carotene gấp 70 lần so với cà chua. Đặc biệt, loại quả này chỉ được trồng ở một vài quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Thái Lan. Nafoods hiện đang trồng khoảng 150 ha tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và sẽ mở rộng thêm 55 ha trong năm nay.
Năm 2009, ông Hùng xuất khẩu thịt gấc cho công ty ở Mỹ để họ sản xuất thực phẩm chức năng. Thêm vào đó, ông hợp tác với các đối tác tại Tây Ban Nha để sản xuất nước uống Gac Day.
“Hiện chúng tôi có 150 ha trồng gấc hợp tác với các hộ nông dân ở Hưng Yên, Thái Bình… và xuất khẩu 3.000 tấn quả/năm, đứng đầu Việt Nam và cũng là đứng đầu thế giới”, Chủ tịch Nafoods chia sẻ.
Quãng đường làm nông nghiệp của ông Hùng đầy gian nan nhưng cũng tạo ra nhiều trái ngọt. “Việt Nam làm nông nghiệp là đúng nhưng thực sự không đơn giản. Chúng ta phải chọn được lợi thế, chọn cây gì và làm như thế nào”, ông Hùng chiêm nghiệm.
No comments