Breaking News

Rủi ro và những khái niệm liên quan trong Bảo hiểm

Rủi ro là khái niệm đầu tiên cần đề cập khi nói về bảo hiểm vì rủi ro và bảo hiểm gắn liền với nhau như hình với bóng, có rủi ro mới có bảo hiểm. Vậy rủi ro là gì?


Rủi ro và những khái niệm liên quan trong Bảo hiểm



1.  Định nghĩa: Rủi ro là một điều không may mắn, không lường trước được về khả năng xảy ra, về thời gian và không gian xảy ra, cũng như mức độ nghiêm trọng và hậu quả của nó.
   Nhìn chung, rủi ro là nguyên nhân khách quan và không lường trước được ở bốn khía cạnh thể hiện trong định nghĩa trên. Việt Nam thường hay có bão vào mùa hè tại miền Bắc và miền Trung nhưng không lường trước được một cách cụ thể nơi và thời gian xảy ra bão, cường độ của nó và thiệt hại do nó gây ra. Cho nên bão là một rủi ro. Có loại rủi ro gây thiệt hại cho tài sản này nhưng không gây thiệt hại cho tài sản khác, như mưa đá, mưa rào, úng, hạn tác động khác nhau đến các loại cây trồng khác nhau. Như vậy, những gì con người cố ý gây ra cho chính mình, những gì lường trước được về không gian và thời gian xảy ra không phải là rủi ro.
2.  Mức độ rủi ro: Sẽ không đúng nếu cho rằng tất cả mọi rủi ro đều có khả năng phát sinh như nhau và gây tác hại như nhau. Một ngôi nhà xây gần sông và một ngôi nhà xây cách xa sông thì nguy cơ bị rủi ro lũ lụt của hai ngôi nhà là khác nhau. Nhưng nếu ngôi nhà gần sông có trị giá chỉ bằng 1/20 ngôi nhà xa sông thì nếu xảy ra lũ lụt mức độ thiệt hại của ngôi nhà xây xa sông có thể vẫn lớn hơn.
*  Để đánh giá một rủi ro, người ta dùng 2 tiêu thức:
-          Tần suất xuất hiện rủi ro: là số lần có thể xảy ra rủi ro trong một khoảng thời gian nhất định hay là khoảng cách thời gian trung bình giữa các lần rủi ro xuất hiện. Ví dụ, cứ 30 năm xuất hiện một đợt lũ mấp mé đê sông Hồng tại Hà Nội. Như vậy tần suất xuất hiện rủi ro  là cứ 100 năm  thì có trên 3 lần xuất hiện lũ lớn mấp mé đê sông Hồng. Nếu khoảng thời gian xem xét càng dài thì rủi ro xảy ra càng nhiều.
-          Mức độ nghiêm trọng của rủi ro hay tính khốc liệt của tổn thất. Tổn thất là hậu quả của rủi ro. Đối tượng chịu ảnh hưởng của rủi ro khác nhau thì tổn thất gây ra cũng khác nhau. Giá lạnh có thể gây tổn thất cho loại cây trồng này nhưng không gây thiệt hại cho loại cây trồng khác.
*  Tổn thất có nhiều dạng:
Rủi ro và những khái niệm liên quan trong Bảo hiểm

-          Tổn thất về vật chất, tổn thất về thu nhập: Tổn thất về vật chất và tổn thất về thu nhập, có thể đo lường được và có thể bù đắp được, có thể sửa chữa, khôi phục, thay thế. Vì vậy, bảo hiểm chỉ bồi thường tổn thất vật chất, tổn thất về thu nhập,
-          Tổn thất về tinh thần tình cảm, như mất đi một người ruột thịt, mất đi một tập ảnh cưới là những tổn thất khó đo được giá trị cũng như khó có cách nào bù đắp được.
-          Tổn thất về tính mạng, sức khoẻ con người: Tổn thất về tính mạng và sức khỏe con người không có gì đo được và không thể lượng hoá giá trị bằng tiền. Tuy nhiên, người ta có thể thoả thuận với nhau số tiền bảo hiểm sẽ trả trong trường hợp chết người, mất chân, mất tay v.v..., Có thể lượng hoá được sức khỏe con người bằng tỷ lệ % mất khả năng lao động.
       Ngoài ra, tổn thất có thể không đáng kể hoặc lớn tới mức người ta không thể đánh giá được giá trị thiệt hại của chúng. Đối với tổn thất không đáng kể, người được bảo hiểm có thể tự khắc phục được bằng khả năng tài chính của mình. Họ sẽ tự bảo hiểm và chỉ tham gia bảo hiểm những tổn thất lớn hơn. Mức độ nghiêm trọng của tổn thất cũng rất khác nhau. Có những tổn thất lớn tới mức một doanh nghiệp bảo hiểm riêng lẻ hoặc nhiều doanh nghiệp phối hợp với nhau cũng không thể bù đắp được. Những rủi ro như vậy thường bị loại trừ, không nhận bảo hiểm, mà thường được xử lý bằng các biện pháp của Chính phủ, của toàn xã hội.
*        Mối quan hệ giữa tần suất và tính nghiêm trọng của rủi ro.
          Có những rủi ro tần suất xuất hiện thấp và không nghiêm trọng, chẳng hạn như người đi bộ trên vỉa hè ít gặp tai nạn, nếu có vấp ngã thì thiệt hại không đáng kể. Những rủi ro như vậy, người ta thường không có nhu cầu bảo hiểm.
          Có những rủi ro tần suất xuất hiện cao, tính khốc liệt thấp. Ví dụ, những vụ tai nạn giao thông nhỏ xảy ra rất nhiều nhưng thiệt hại về người và tài sản không đáng kể. Người có lỗi chỉ cần ngỏ lời xin lỗi và hai bên có thể chia tay.
          Ngược lại, có những rủi ro tần suất xuất hiện thấp nhưng tính khốc liệt cao. Ví dụ như tai nạn máy bay có tần suất xuất hiện không cao, nhưng thiệt hại gây ra có thể rất lớn, bao gồm thiệt hại về máy bay, hành khách chuyên chở trên máy bay và có thể cả người và tài sản trên mặt đất. Mặt khác, có những rủi ro tần suất xuất hiện cao và tính khốc liệt cũng cao.Ví dụ như các công trình xây dựng nằm cận kề bên dòng suối dễ bị lũ quét tàn phá, cây trồng trên cánh đồng trũng dễ bị mưa làm úng ngập. Nhận bảo hiểm loại rủi ro này là một sự mạo hiểm đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.
          Tóm lại: Đánh giá tần suất xuất hiện và tính nghiêm trọng của rủi ro là cần thiết để có phương án bảo hiểm thích hợp. Điều này không những có ý nghĩa quan trọng đối với khách hàng mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.
3.  Rủi ro gốc và tình tiết rủi ro:
Rủi ro và những khái niệm liên quan trong Bảo hiểm

          Một rủi ro khi áp vào một đối tượng cụ thể nào đấy thì luôn luôn gồm có 2 phần: rủi ro gốc và tính tiết rủi ro. Ví dụ: khi nói bảo hiểm rủi ro lũ lụt cho một ngôi nhà thì rủi ro đó gồm 2 phần: một phần là rủi ro gốc và một phần là tình tiết rủi ro. Rủi ro gốc ở đây là lũ lụt.
          Tình tiết rủi ro: là những yếu tố có thể làm tăng hoặc giảm nhẹ rủi ro, cả về tần suất xuất hiện và mức độ nghiêm trọng. Có hai loại tình tiết rủi ro:
-          Tình tiết vật chất: là những tình tiết liên quan đến khía cạnh vật chất của rủi ro. Ví dụ: như kết cấu ngôi nhà (kiên cố hay không kiên cố); vị trí ngôi nhà (ở bờ sông hay ở trên đồi), giá trị ngôi nhà, tài sản có trong nhà, phương thức bảo vệ, thiết bị phòng cháy chữa cháy ...
-          Tình tiết tinh thần: là những tình tiết liên quan đến thái độ của người được bảo hiểm. Ví dụ: một chiếc xe được bảo hiểm thì khả năng xảy ra rủi ro cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của người lái xe: ý thức bảo quản, sử dụng xe tốt, mẫn cán kiểm tra độ an toàn của xe trước khi xe chuyển bánh, lái xe cẩn thận...
          Khi khai thác bảo hiểm, chính là phải xem xét kỹ các tình tiết rủi ro. Còn rủi ro gốc là chuyện đương nhiên. Phí bảo hiểm của một rủi ro nào đấy phụ thuộc khá nhiều vào tình tiết rủi ro.
4.    Phân loại rủi ro:
4.1  Rủi ro tài chính và rủi ro phi tài chính
-          Rủi ro tài chính là những rủi ro mà hậu quả của nó có thể đo được bằng tiền. Tài sản bị hư hỏng sẽ dẫn đến thiệt hại về tài chính, đó là chi phí khôi phục, sửa chữa tài sản, chi phí thay thế bộ phận tài sản bị hỏng, chi phí mua tài sản khác tương tự thay thế tài sản đã bị hư hại, thiệt hại do gián đoạn kinh doanh.
-          Những thiệt hại liên quan đến tổn thất về người cũng có thể đánh giá bằng tiền, đó là chi phí điều trị, thu nhập bị giảm sút do mất khả năng lao động v.v...
-          Rủi ro phi tài chính là những rủi ro không đo được bằng tiền. Ví dụ, bạn mua một cái xe máy hay đặt một món ăn không hợp sở thích. Đây cũng có thể coi là một rủi ro nhưng hậu quả của nó không gây thiệt hại tài chính, mà chỉ làm cho bạn cảm thấy không hài lòng. Điều này cũng có thể xảy ra khi chọn vợ, mua nhà v.v... Đó là những rủi ro phi tài chính.
4.2  Rủi ro thuần tuý và rủi ro đầu cơ:
Rủi ro và những khái niệm liên quan trong Bảo hiểm

-          Rủi ro thuần tuý là những rủi ro chỉ có thể dẫn đến thiệt hại hoặc may mắn lắm là hoà vốn, không có nhân tố kiếm lời ở bên trong. Hậu quả của nó chỉ có thể là không may đối với chúng ta, không may ít hoặc không may nhiều chứ không thể có chuyện có lãi. Loại rủi ro này bao gồm rủi ro tai nạn giao thông, cháy nhà, mất trộm tài sản, bị tai nạn lao động v.v..
-          Rủi ro đầu cơ là những rủi ro có nhân tố kiếm lời ở bên trong. Đầu tư vào cổ phiếu là một ví dụ. Việc đầu tư này có thể bị lỗ hoặc hoà vốn, nhưng mục đích của nó là kiếm lời. Kinh doanh chứng khoán, đầu cơ nông sản thực phẩm, đầu cơ tích trữ hàng hoá khác thuộc loại rủi ro này.
4.3  Rủi ro riêng và rủi ro chung
-          Rủi ro chung là những rủi ro nằm ngoài vòng kiểm soát và gây hậu quả cho rất nhiều người, cho xã hội nói chung. Bao gồm các thảm họa thiên tai như động đất, lũ lụt, núi lửa phun, thường xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại cho nhiều người. Vì vậy người ta cho rằng việc khắc phục loại rủi ro này là trách nhiệm của toàn xã hội, thậm chí phải cần đến trợ cấp của Chính phủ và Quốc tế. Các doanh nghiệp bảo hiểm không đủ sức gánh vác.
-          Rủi ro riêng là những rủi ro chỉ gây thiệt hại cho một hoặc một số ít người. Những rủi ro này thường mang tính chất cá nhân cả về nguyên nhân lẫn hậu quả. Đó là những rủi ro hoả hoạn, trộm cướp, thương tích, chết người ...
4.4  Rủi ro có thể được bảo hiểm
          Không phải rủi ro nào cũng có thể được bảo hiểm. Cơ chế chuyển giao rủi ro cũng có những hạn chế của nó, chẳng hạn, sẽ không sáng suốt nếu để cho người ta hưởng lợi từ những hành động phạm tội của mình. Cũng sẽ không đúng nếu để cho một người nào đó mua bảo hiểm cho ngôi nhà hàng xóm, sau đó đốt ngôi nhà đó để nhận tiền bồi thường. Dù không có ý định phạm tội thì cũng sẽ không đúng nếu để cho một người nào đó được lợi từ việc cháy ngôi nhà hàng xóm trong khi người đó không hề có quyền lợi gì trong ngôi nhà bị cháy.
          Vì vậy, cần phải có một vài ý niệm về cái có thể được bảo hiểm và cái không thể được bảo hiểm. Chúng ta sẽ hiểu được điều đó khi xem xét các đặc tính và tính chất của những rủi ro có thể được bảo hiểm. Tuy nhiên, có một điểm quan trọng cần nêu lên là không nên giáo điều vì ranh giới của những rủi ro có thể được bảo hiểm và những rủi ro không thể bảo hiểm có thể thay đổi... Thế giới kinh doanh không phải là một môi trường tĩnh. Nó có thể thay đổi để điều chỉnh các tình huống theo ý muốn, cái mà ngày hôm nay coi là không thể được bảo hiểm thì ngày mai lại có thể trở thành cái có thể được bảo hiểm.
Tuy nhiên, một rủi ro có thể được bảo hiểm phải hội đủ những đặc tính sau đây:
Tổn thất phải mang tính chất ngẫu nhiên
          Một sự kiện có thể được bảo hiểm phải là hoàn toàn ngẫu nhiên đứng trên góc độ của người được bảo hiểm. Không thể nào bảo hiểm một sự kiện chắc chắn sẽ xảy ra bởi vì nó không mang tính chất ngẫu nhiên và do đó việc chuyển giao rủi ro sẽ không xảy ra. Như vậy, không thể bảo hiểm những gì chắc chắn xảy ra như những hỏng hóc do hao mòn tự nhiên gây ra. Cũng không thể bảo hiểm những gì người được bảo hiểm cố ý gây ra. Những hành động cố ý của người khác sẽ không mặc nhiên bị loại trừ nếu như nó là hoàn toàn bất ngờ đối với người được bảo hiểm. Có một điểm nằm ngoài quy tắc này, đó là rủi ro chết. Rủi ro này chắc chắn sẽ xảy ra nhưng vẫn là rủi ro có thể được bảo hiểm. Tuy nhiên thời điểm xảy ra cái chết phải là bất ngờ.
* Phải đo được, định lượng được về tài chính
          Ý nghĩa của bảo hiểm chính là ở chỗ nó phát huy tác dụng như một cơ chế chuyển giao rủi ro và bù đắp về tài chính cho những rủi ro xảy ra. Bảo hiểm không thể loại bỏ được rủi ro, nhưng nó có trách nhiệm bảo vệ về mặt tài chính để đối phó với hậu quả của những tổn thất xảy ra. Nếu như vậy thì rủi ro được bảo hiểm phải có thể dẫn đến một tổn thất có thể đo được bằng các công cụ tài chính (tiền). Điều đó có thể dễ thấy trong các trường hợp tổn thất tài sản. Giá trị bằng tiền bị mất của tài sản là có thể đo được, và như vậy theo các điều kiện bảo hiểm, nó phải được bồi thường. Giá trị chính xác của tổn thất sẽ không thể biết được ngay từ đầu khi ký hợp đồng bảo hiểm, nhưng sẽ xác định được sau khi tổn thất đã xảy ra.
Rủi ro và những khái niệm liên quan trong Bảo hiểm

Phải có số lớn
          Nếu số lượng đối tượng hứng chịu cùng một rủi ro đủ lớn thì người bảo hiểm có thể dự đoán trước được mức độ tổn thất mà họ có thể phải chịu. Nếu số đối tượng hứng chịu rủi ro cùng loại không đủ lớn (không có số lớn) thì nhiệm vụ sẽ khó khăn hơn nhiều và việc tính toán số phí bảo hiểm cần thu sẽ chỉ là sự phỏng đoán có thông tin chứ không thể là sự tính toán chính xác bằng toán  học. Trong những trường hợp như vậy, người bảo hiểm có thể thận trọng hoặc không thận trọng khi tính phí bảo hiểm, nhưng để bảo đảm an toàn, chắc chắn anh ta sẽ cố gắng thu phí bảo hiểm rất cao để đủ bù đắp tổn thất trong những trường hợp xấu nhất. Yếu tố cạnh tranh sẽ rơi xuống hàng thứ hai. Tuy nhiên trong thực tế đôi khi người ta vẫn nhận bảo hiểm cả những rủi ro không đủ số lớn, như các vệ tinh phóng lên vũ trụ.
*  Không trái với chuẩn mực đạo đức của xã hội
          Nguyên tắc chung được pháp luật công nhận là hợp đồng ký kết không được trái với cái mà xã hội cho là chuẩn mực đạo đức và lẽ phải. Chẳng hạn hợp đồng giết người là không thể chấp nhận được. Cũng không thể chấp nhận các hợp đồng cố ý huỷ hoại hoặc lấy cắp tài sản của người khác. Nguyên tắc không trái với chuẩn mực đạo đức cũng được áp dụng với các hợp đồng bảo hiểm. Không thể chấp nhận bảo hiểm rủi ro của một vụ phạm pháp không thành. Chẳng hạn, xã hội không thể chấp nhận ý tưởng kẻ trộm có thể ký hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường những tài sản không lấy trộm được do bị cảnh sát bắt khi đang hành động. Ví dụ này có thể hơi xa thực tế, nhưng nếu là rủi ro bị phạt tiền thì sao? Một người có thể lái xe vào đường cấm và bị phạt. Người đó đúng là có quan hệ tài chính với khoản tiền phạt và lập luận rằng tổn thất này cũng là bất ngờ đối với anh ta. Tuy nhiên xã hội không thể chấp nhận một người tránh được hình phạt bằng cách ký hợp đồng bảo hiểm.
          Bảo hiểm là một ngành dịch vụ, nó ra đời để phục vụ nhu cầu của khách hàng và những nhu cầu đó có thể thay đổi. Dịch vụ mà ngành bảo hiểm cung cấp tạo ra một cơ chế chuyển giao rủi ro. Nhưng tính chất của rủi ro có thể thay đổi với thời gian. Những sản phẩm mới, những quá trình công nghệ và hệ thống công nghiệp mới có thể làm xuất hiện những hình thức rủi ro mới mà khách hàng, dù là doanh nghiệp hay tư nhân, thấy cần phải được bảo hiểm.
4.5  Rủi ro được bảo hiểm và rủi ro loại trừ
          Cần phân biệt rủi ro có thể được bảo hiểm và rủi ro được bảo hiểm.
          Một rủi ro muốn được bảo hiểm hay được nhận bảo hiểm thì trước hết phải là rủi ro có thể được bảo hiểm. (Rủi ro có thể được bảo hiểm đã trình bày ở phần trên).
          * Rủi ro được bảo hiểm: là những rủi ro về thiên tai, tai nạn, sự cố bất ngờ được doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm. Nếu những rủi ro này xảy ra sẽ gây thiệt hại cho đối tượng được bảo hiểm và làm phát sinh trách nhiệm bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Rủi ro được bảo hiểm có thể bao gồm: rủi ro tài chính, rủi ro thuần tuý, rủi ro riêng. Thông thường các rủi ro phi tài chính, rủi ro đầu cơ và rủi ro chung bị loại trừ, không thuộc rủi ro bảo hiểm. Tuy nhiên, không thế giáo điều vì quan điểm của thị trường bảo hiểm lúc này hay lúc khác có thể thay đổi.
          Rủi ro được bảo hiểm thường được nêu trong quy tắc bảo hiểm hoặc điều khoản bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm. Nhưng trong nhiều trường hợp, đơn bảo hiểm  chỉ liệt kê những rủi ro bị loại trừ, những rủi ro không bị loại trừ mặc nhiên là những rủi ro được bảo hiểm.
          *  Rủi ro loại trừ: bao gồm những rủi ro mà người bảo hiểm không chấp nhận bảo hiểm, không chấp nhận bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm nếu chúng xảy ra.
          Các rủi ro loại trừ: có thể cũng không cố định, lúc thế này lúc thế khác tuỳ theo quan điểm của nhà bảo hiểm. Nhưng cũng có những rủi ro dứt khoát bị loại trừ như hành vi cố ý của người tham gia bảo hiểm.
          Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể mở rộng diện các rủi ro bị loại trừ để thu hẹp phạm vi bảo hiểm, làm cho sản phẩm bảo hiểm phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của đối tượng bảo hiểm, hoặc để giảm bớt phí bảo hiểm cho phù hợp với khả năng tài chính của người tham gia bảo hiểm.Muốn được bảo hiểm thêm rủi ro loại trừ, người tham gia bảo hiểm cần được sự chấp nhận của doanh nghiệp bảo hiểm và phải trả thêm phí, và rủi ro loại trừ này trở thành rủi ro được bảo hiểm.

No comments