Chẳng cần giỏi giang hay tài năng, đôi khi để thành công chỉ cần "chém gió" hay, nịnh giỏi là đủ
Bài học thành công nào cũng nói về những kĩ năng, thời khoá biểu hay các cuốn sách cần đọc, thế nhưng trong thực tế "chém gió" mới là kĩ năng sống còn nếu muốn thành công hơn.
Bài học chỉ dẫn thành công nào cũng thế, chúng cùng có chung một mô-típ, muốn thành công phải có thói quen này, muốn thành đạt phải làm những việc nọ. Những người thành công, siêu thành công quanh quẩn chỉ có khoảng 10 lý do để minh chứng về những gì mình đã làm được. Mặc dù vậy, ai cũng biết rằng nó chẳng mấy đúng trong thực tế.
Các bài học thành công từ người nổi tiếng đều có chung một mô-típ: đọc sách nhiều vào, ngủ ít thôi, rèn luyện kĩ năng nhiều vào. Trên đời có cả triệu người như thế, tại sao chẳng mấy người thành công?
Thực tế thì sao? Tất nhiên có rất nhiều yếu tố quyết định đến khả năng kiếm tiền, thành công của mỗi người như trình độ học vấn, ngành nghề, công ty bạn làm hay những kĩ năng mà bạn có. Thế nhưng, điều quan trọng nhất trong việc kiếm tiền, xây dựng thành công mà không nhiều người nói tới chính là khả năng "chém gió, nịnh nọt" của mỗi người.
Theo chỉ số tính cách Myers-Brigg kiểm tra mức độ thu nhập dựa trên 16 nhóm hành vi tính cách của con người cho thấy, những người hướng ngoại, biết suy nghĩ, biết nhìn nhận vấn đề, nói nhiều và thậm chí... biết chém gió là người kiếm được tiền nhiều nhất.
“Họ là những người biết lập cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để sử dụng thông tin một cách hiệu quả nhất. Họ luôn tìm ra hướng đi và giải pháp cho mọi vấn đề nhờ vào tính lạc quan, chủ động” - Jonathan Bollag, cố vấn kiêm nhà sáng lập của website đánh giá nghề nghiệp cho biết.
Bên cạnh đó, những người hướng ngoại cũng là người luôn chủ động đứng ra giải quyết vấn đề với tầm nhìn dài hạn. Họ có xu hướng nói lên suy nghĩ của mình bất cứ lúc nào và ở đâu. Cái họ quan tâm là hiệu quả đạt được, chứ không phải là cái nhìn của những người khác. Do hoạt ngôn và vui vẻ nên họ cũng rất dễ dàng thu hút sự chú ý của người khác, mở rộng nhiều mạng lưới quan hệ dẫn đến thành công.
Ừ thì xã hội ngày nay vẫn đang tôn vinh người hướng ngoại , những nhân tố sống còn của một tập thể, tổ chức. Họ được giao cho trọng trách kết nối, làm việc bằng "miệng" trong khi những người hướng nội tập trung nhiều hơn vào các công việc chân tay, suy nghĩ.
Hài hước là có những người làm việc bằng miệng nhiều hơn bằng đầu, công việc họ làm còn chẳng có gì liên quan tới giao tiếp hay sales. Bất ngờ thật!
Ở công ty tôi, có một anh chàng khá dẻo mỏ. Nói về kĩ năng thì chỉ có những nhân viên hay đồng nghiệp làm cùng mới biết, anh chàng này lớn tiếng là thế nhưng trong thực tế thì làm chẳng được bao nhiêu. Những gì anh ta nói ra chắc chỉ có khoảng 50-60% là tin, là thực hiện được, còn lại anh ta có cả triệu lý do để bào chữa cho sự yếu kém của mình.
Đồng nghiệp nhiều khi ngán ngẩm, thở dài mỗi khi nhắc tới anh chàng này. Bản thân tôi, tôi cũng chẳng có gì chê trách anh ta, người ta vẫn hay có câu "thùng rỗng kêu to" là thế đấy thôi. Nhưng, mọi chuyện dần thay đổi khi mà lãnh đạo ngày một quý trọng anh ta hơn, trao cho anh ta quá nhiều cơ hội để tạo khoảng cách với đồng nghiệp. Trong đó có cả tôi.
Mấy gã nịnh nọt này đều nói rất nhiều, chủ yếu là với cấp trên, họ luôn tạo cho mình một hình ảnh "hoa hậu thân thiện" chốn văn phòng.
"Úi giời ơi, chị mặc cái áo này đẹp thế, hình như là mẫu thiết kế mới đúng không? Mua ở đâu chỉ em để em mua cho vợ diện đi hội với?", "trong phòng này hôm nay chắc anh trưởng phòng là người sáng nhất, kính mới đẹp thế kia mà không khoe gì với anh em"... Đấy, đó là những gì anh ta thường nói khi gặp mọi người, nhất là lãnh đạo, từ ngữ bay bổng như mật rót vào tai, lãnh đạo ai cũng khen anh ta là người hiểu biết. Tất nhiên, đời có ai không thích người khác khen mình.
Ngày nào cũng vậy, chưa thấy mặt đã thấy tiếng văng vẳng trong hành lang, những cuộc điện thoại bàn về các vấn đề trên trời, bắt chuyện tình cờ với một lãnh đạo nào đó hay nịnh bợ những người cấp trên. Thú thật, nhiều anh em ghét ra mặt, cái thói nịnh nọt đáng lẽ ra không được xuất hiện trong môi trường công sở mới đúng.
Đối với những người đồng cấp hoặc vị trí thấp hơn anh ta, thì anh này khinh khỉnh ra mặt, những ai mang về cho anh ta lợi ích hoặc có giá trị lợi dụng thì anh chàng lại tỏ ra nhiệt tình, cởi mở tới mức đáng sợ. Chẳng ai hiểu trong thâm tâm kẻ nịnh nọt kia đang nghĩ gì.
Ấy vậy mà hết dự án này tới dự án nọ, mỗi khi cần chọn mặt gửi vàng, lãnh đạo luôn chỉ mặt kẻ nịnh nọt kia. Lúc nào cũng đặt toàn niềm tin cho một gã chỉ giỏi nói mà không thích làm, một kẻ lời tiếng to hơn hành động và tất nhiên một kẻ chẳng mấy khi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đồng nghiệp cũng quen với các bài giải thích của anh ta, có mấy cái lý do không đủ thời gian, việc không đi đúng kế hoạch hay tác động từ bên này bên nọ... dùng đi dùng lại. Nếu những cái lý do kia mà là vật thể thật, chắc nó cũng phải mòn phân nửa vì đã bị sử dụng quá nhiều, thế mà sếp chẳng quan tâm, lúc nào cũng động viên thôi lần sau cố gắng thêm chút nữa. Mà kể cả sếp có không hài lòng, anh ta lại tiếp tục dùng chiêu rót mật vào tai, chẳng ai khó chịu nổi và cứ thế hết lần này tới lần khác anh ta được sếp trọng dụng.
Chém gió, nịnh hót có thật sự cần thiết trong môi trường công sở?
Tất nhiên, khả năng chém gió là một thứ cần có với bất kì ai. Thế nhưng, đừng hiểu nó theo nghĩa tiêu cực, hãy rèn luyện cho mình khả năng kết nối, chia sẻ với người khác. Đôi khi tạo được sự đồng cảm với lãnh đạo hoặc đồng nghiệp, họ sẽ cho bạn nhiều cơ hội hơn. Mặc dù vậy, đừng có quá đà hay phân biệt như anh chàng bên trên.
Với những ngành nghề đòi hỏi mối quan hệ (hầu như tất cả) thì khả năng giao tiếp cũng là một yếu tố đáng kể, nó tạo ra cho ta nhiều mối quan hệ, sử dụng được đúng người mỗi khi cần. Cái này cứ hỏi anh chàng kia sẽ rõ, bất kể hỏi ông nọ, bà kia, anh ta đều bảo "đây, để em bắn con-tắc cho" (contact), anh ta biết nhiều người tới khó tin và đôi lúc nó mang lại rất nhiều lợi ích trong công việc.
Còn về khía cạnh thứ 2, nịnh hót, có lẽ tùy vào tính cách của mỗi người. Thế nhưng, nếu đã có thực lực, có khả năng thì việc gì phải nịnh, phải không nào? Còn nếu đã không phù hợp, khả năng chưa đến, tại sao không rèn luyện thêm mà phải đi nịnh?
Thật tình, anh chàng phía cũng có những điểm tốt mà làm việc cùng mới biết. Ngoài khả năng chém gió giỏi ra thì anh này rất hăng hái, không ngại va chạm, chỉ có điều kĩ năng chưa tốt cũng như có sở thích chỉ đạo nên việc chẳng đến đâu. Giá kể lãnh đạo chuyển anh ta sang phòng đối ngoại, chắc hẳn anh ta sẽ diễn tốt hơn ở đất của mình, phát triển mạnh hơn những gì sẵn có.