Breaking News

Bức thư gây sốt của bà mẹ gửi tới giáo viên khiến các bậc phụ huynh phải suy ngẫm lại cách nuôi dạy con

Gần đây, bức thư của một bà mẹ gửi tới giáo viên của con gái nhằm mục đích muốn con giảm bớt bài tập về nhà và có thêm thời gian nghỉ ngơi đã gây sốt trên cộng đồng mạng.

Bức thư gây sốt của bà mẹ gửi tới giáo viên khiến các bậc phụ huynh phải suy ngẫm lại cách nuôi dạy con

Bunmi Laditan, một blogger người Mỹ gốc Canada, gần đây đã chia sẻ một bức thư của mình lên Facebook cá nhân. Bức thư được gửi cho giáo viên của con gái cô với nội dung nói về việc con gái mình nhận được quá nhiều bài tập về nhà và điều đó khiến cô bé căng thẳng. Bài đăng của Laditan đã nhận được hơn 59.000 lượt thích, hơn 14.000 lượt chia sẻ và hàng ngàn bình luận từ các bậc cha mẹ khác chỉ sau hai ngày.

Dưới đây là nguyên văn bức thư:

“Gửi các giáo viên của Maya,

Maya sẽ giảm mạnh số lượng bài tập về nhà mà con bé phải làm trong năm nay. Con bé đã rất căng thẳng và bắt đầu có những triệu chứng như đau ngực và tỉnh giấc lúc 4h sáng vì lo lắng về khối lượng bài tập về nhà vẫn còn chất đống.

Con bé không ghét đến trường mà thậm chí là rất thích. Chúng tôi đã thảo luận với gia sư và một nhà trị liệu đã đề nghị giảm bớt khối lượng bài tập cho con bé. Dành 2-3 tiếng để làm bài sau khi về nhà lúc 4h30 chiều khiến con bé còn quá ít thời gian để vui chơi như một đứa trẻ và tận hưởng thời gian bên gia đình. Chúng tôi chỉ muốn giúp con tránh chìm sâu vào tình trạng này.

Cảm ơn vì đã thấu hiểu”.

Trong lời giải thích về bức thư của mình, Laditan nói “giảm mạnh” chỉ là cách nói lịch sự, còn thực tế con gái cô đã kết thúc việc làm bài tập về nhà.

“Thời gian dành cho gia đình không quan trọng sao? Thời gian dành cho việc thư giãn như một đưa trẻ không quan trọng sao? Hay con bé sẽ trở thành một người nghiện công việc khi mới 10 tuổi?”, Laditan viết.

Chân dung bà mẹ tâm lý Bunmi Laditan

Chân dung bà mẹ "tâm lý" Bunmi Laditan.

Cô nói thêm: “Trẻ em cần có thời gian nghỉ ngơi sau giờ học giống như người lớn nghỉ ngơi sau giờ làm việc. Chúng cần được vui chơi với anh chị em. Chúng cần được kết nối với cha mẹ trong một bầu không khí thoải mái, chứ không phải là nơi mà mọi người đều căng thẳng với các phân số, bởi vì tôi chỉ là một bà mẹ, không phải là giáo viên”.

Laditan cũng chia sẻ thêm, cô không hề có ý đổ lỗi cho những giáo viên của Maya. Cô trân trọng những công sức của các giáo viên. Điều cốt yếu là hệ thống giáo dục cần thay đổi.

Bài đăng của Laditan đã nhận được rất nhiều sự ủng họ từ cộng đồng mạng nói chung và các bậc cha mẹ khác nói riêng. Một người đã bình luận: “Là một nhà tâm lý học trẻ em, tôi muốn nói lời cảm ơn tới bạn. Laditan, bạn đã rất dũng cảm khi đưa ra lập trường và sự lựa chọn đúng đắn cho con gái của mình”. Một người khác cũng chia sẻ: “Là một giáo viên tiểu học, tôi hoàn toàn ủng hộ điều này. Thực tế, chính tôi cũng không cho con mình làm bài tập đêm và kết quả con tôi thậm chí còn nâng cao học lực hơn cả trước”.

"Tất cả chúng ta đều muốn con lớn lên và thành công. Tôi tin vào giáo dục nhưng tôi không tin dù chỉ một giây về việc hệ thống này đang đốt cháy cuộc đời của một đứa trẻ. Tôi không quan tâm con bé có vào Harvard một ngày nào đó hay không. Tôi chỉ muốn con thông minh, chu đáo, tử tế, có sự cân bằng trong cuộc sống với tinh thần lành mạnh. Tôi muốn con biết rằng công việc không phải là toàn bộ cuộc sống, nó chỉ là một phần thôi. Công việc sẽ không làm con thỏa mãn, không làm con ấm áp. Gia đình, bạn bè, cộng đồng, sự sẻ chia và mong muốn trở thành người tốt mới có thể giúp con có cảm giác đó", Bunmi Laditan viết.

Từ câu chuyện của Bunmi Laditan, chúng ta thấy được, trẻ em ngày nay gặp quá nhiều áp lực từ chuyện học tập và thi cử. Nhiều em không có ngày nghỉ bởi bài tập lúc nào cũng chất đống và lịch học dày đặc. Một số trường hợp thậm chí còn mắc chứng trầm cảm vì áp lực học hành.

Các bậc cha mẹ nên hiểu rằng, học tập là trách nhiệm nhưng vui chơi mới là bản chất của trẻ. Trẻ em ngoài việc học hành cũng cần được nghỉ ngơi và thư giãn theo đúng độ tuổi của chúng. Đừng quá ép buộc con vào những khuôn khổ cứng nhắc khiến chúng trở nên mụ mị, lo lắng và căng thẳng.

Khánh Hằng
Theo Trí Thức Trẻ/Theo Dailymail

No comments