Breaking News

Bảo hiểm nhân thọ tự tin cạnh tranh với các sản phẩm tương tự trên thị trường

Bảo hiểm nhân thọ có tính cạnh tranh với tất cả sản phẩm tương tự của các dịch vụ bảo hiểm, y tế, tiền gửi tiết kiệm, đầu tư sinh lời trên thị trường.

Bảo hiểm nhân thọ nhằm mục đích bảo vệ cho người tham gia bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm trước những rủi ro về sức khỏe (do thiên tai, tai nạn, đau ốm, bệnh tật, tử vong) và tích lũy tiết kiệm để chắc chắn có nguồn tài chính như mong muốn để thực hiện những công việc hoặc nghĩa vụ phải làm khi đáo hạn hợp đồng bảo hiểm hoặc sau khi họ không may bị tử vong.
bao-hiem-nhan-tho-nao-tot-a1.png
Vì vậy sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có thể mang một hoặc nhiều mục đích: bảo hiểm y tế, bảo hiểm tử vong, bảo hiểm tai nạn, tiết kiệm dài hạn, đầu tư sinh lời. Sản phẩm bảo hiểm muốn tồn tại, phát triển phải phù hợp với nhu cầu của người tham gia bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm và luôn đảm bảo 02 yêu cầu sau đây:
  • Bảo vệ người tham gia bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm trước các rủi ro, sự cố được bảo hiểm;
  • ​Có tính cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của các dịch vụ y tế, tiền gửi tiết kiệm, đầu tư sinh lời trên thị trường.
Và tính cạnh tranh của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với 4 sản phẩm được thể hiện như sau:
1.​ Cạnh tranh về bảo hiểm sức khỏe
​Hầu hết các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đều có yếu tố (rủi ro, điều khoản, điều kiện bảo hiểm) liên quan đến bảo vệ quyền lợi cho người được bảo hiểm trước các rủi ro về sức khỏe, thể hiện trên hợp đồng bảo hiểm sản phẩm chính hoặc sản phẩm bổ trợ (luôn đi kèm với sản phẩm chính).
Vì vậy để cạnh tranh với chế độ bảo hiểm y tế hiện hành của Nhà nước đang thực hiện, bảo hiểm nhân thọ phải thể hiện được tính hơn hẳn:
  • ​Thanh toán đầy đủ chi phí điều trị theo mức viện phí và bệnh tật thông thường.
  • Thanh toán đầy đủ chi phí điều trị hoặc bảo lãnh chi trả chi phí điều trị với mức áp dụng phương pháp, công nghệ điều trị chất lượng cao hoặc chế độ điều trị tự nguyện với các bệnh tật thông thường.
  • ​Chấp nhận thanh toán toàn bộ chi phí theo mức khoán một số tiền/1 bệnh điều trị hoặc một số tiền/ngày điều trị để người tham gia bảo hiểm lựa chọn cách điều trị có lợi cho mình (điều trị thông thường vẫn đảm bảo chất lượng kết quả tốt tiết kiệm được chi phí thanh toán viện phí để dư được số tiền bảo hiểm chi trả dùng vào bồi dưỡng sức khỏe, bù đắp giảm sút thu nhập trong thời gian điều trị).
  • ​Mở rộng thanh toán thêm các bệnh hiểm nghèo nếu mắc phải gia đình người bệnh có thể khuynh gia bại sản.
  • ​Chi trả quyền lợi khi người bệnh tử vong vì bệnh tật, tai nạn và nguyên nhân khác. Thậm chí nếu tử vong vì tai nạn (thường là đột xuất, bất ngờ) sẽ được chi trả số tiền cao hơn tử vong khác.
  • ​Chi trả thêm một số quyền lợi ngoài chi phí điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh: giảm sút thu nhập (tiền lương) thuê người chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng sau điều trị, học nghề chuyển nghề và giảm sút thu nhập sau điều trị vì không làm được nghề cũ…
Và cạnh tranh với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên quan đến bảo hiểm sức khỏe cần phải:
  • ​Bảo hiểm dài hạn, suốt đời: các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe phi nhân thọ thường có hiệu lực 01 năm, phí bảo hiểm năm sau cao hơn năm trước vì rủi ro tăng (xác suất tai nạn, ốm đau, tử vong tăng theo độ tuổi hàng năm, thậm chí người trên 65 tuổi không được chấp nhận bảo hiểm). Vì vậy bảo hiểm nhân thọ cần thiết kế sản phẩm sao cho bảo hiểm sức khỏe dài hạn và suốt đời với phí bảo hiểm đóng ổn định đều đặn hàng kỳ và không phải đóng phí khi đến một thời gian nào đó quy định trong hợp đồng bảo hiểm (sau 10 năm, 15 năm, 20 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng bảo hiểm).
  • ​Chi trả một quyền lợi bảo hiểm nào đó khi đáo hạn hợp đồng bảo hiểm (có thể nhỏ hơn, bằng hoặc lớn hơn số phí bảo hiểm đã đóng tùy theo mức độ rủi ro được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm). Vì vậy người tham gia bảo hiểm có cảm giác so sánh tính hơn hẳn của bảo hiểm nhân thọ với bảo hiểm y tế và bảo hiểm sức khỏe của phi nhân thọ: tức là phí bảo hiểm đã đóng không bị mất đi và sẽ được hoàn trả.
​Tuy nhiên khi triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đặc biệt (bệnh hiểm nghèo, số tiền chi trả cao, số tiền được bảo hiểm lớn), doanh nghiệp bảo hiểm cần phải lưu ý:
  • ​Khám sức khỏe cho người được bảo hiểm trước khi chấp nhận ký kết hợp đồng bảo hiểm hoặc khôi phục hợp đồng bảo hiểm (tái tục được miễn) để phát hiện bệnh có trước khi bảo hiểm.
  • ​Kiểm soát được rủi ro gian lận bảo hiểm về nơi điều trị, hồ sơ điều trị, các tài liệu chứng từ xuất trình để được chi trả tiền bảo hiểm.
bao-hiem-nhan-tho-nao-tot-a2.png
2.​ Cạnh tranh với thu hút tiền gửi của ngân hàng và các tổ chức tín dụng
Ngân hàng và tổ chức tín dụng là những định chế kinh doanh tiền tệ, có nghĩa là đi vay của các tổ chức, cá nhân có tiền tạm thời nhàn rỗi để cho các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu về vốn vay để sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng cá nhân.
Mỗi ngân hàng, tổ chức tín dụng đều bị khống chế mức dư nợ cho vay/vốn chủ sở hữu (≤ 12 lần) và tỷ lệ cho vay trung dài hạn bằng đúng khe hở kỳ hạn (vì ngân hàng huy động vốn tiền gửi thường là ngắn hạn dưới 01 năm), Việt Nam đang quy định tỷ lệ này là 40%.
Mặt khác, giá cho một khoản vay (lãi suất) còn tùy thuộc vào nhu cầu vốn và khả năng sử dụng vốn vay để sinh lời của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nếu cho các cơ sở sản xuất kinh doanh làm ăn đứng đắn, hiệu quả thì không bao giờ họ chấp nhận lãi suất cao vì họ có thể huy động được vốn từ nguồn chứng khoán (phát hành cổ phiếu hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp) trả lãi bằng cổ tức hấp dẫn. Ngược lại, cho những cơ sở sản xuất kinh doanh chấp nhận lãi suất cao thì tiềm ẩn đầy rủi ro tín dụng không thu hồi được gốc và lãi vay.
Vì vậy, ngân hàng và tổ chức tín dụng cũng phải đối mặt với rủi ro tín dụng và rủi ro huy động vốn (huy động nhiều mà cho vay được ít, trong đó lãi suất huy động vẫn phải trả).
Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tiết kiệm dài hạn nên ngoài việc phải bảo toàn vốn còn phải có lãi suất (bảo tức) hợp lý trong suốt thời gian dài của hợp đồng bảo hiểm kết hợp với phòng ngừa rủi ro cho người tham gia bảo hiểm. Thích hợp với điều kiện trên, bảo hiểm nhân thọ có sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chi trả quyền lợi bảo hiểm cả khi người được bảo hiểm sống đến hạn tuổi nhất định hoặc bị tử vong trong thời hạn nhất định và có chi trả bảo tức.
Mục tiêu của sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp hướng vào những khách hàng cần có một số tiền nhất định để thực hiện các công việc trong tương lai với khoảng thời gian xác định trước, dù người tham gia bảo hiểm chẳng may bị tử vong thì số tiền đó vẫn được đảm bảo chi trả:
  • ​Cho con đủ chi phí chi trả trong quá trình học tập (từ học phí đến tiền ăn, phòng trọ…) cấp 2, cấp 3, đại học, trường nghề, du học nước ngoài… Với truyền thống hiếu học, cha mẹ hết lòng chăm lo cho con cái, sản phẩm này đang hấp dẫn với người Việt Nam, nhất là khi học phí ngày càng tăng, các trường đang thực hiện chủ trương tự chủ tài chính (học phí là nguồn để trang trải chi phí của trường) và xã hội hóa giáo dục (cổ phần hóa các trường học).
  • ​Dựng vợ gả chồng cho con, tặng của hồi môn (nhà lầu, xe hơi) khi con cái xây dựng gia đình tách ra ở riêng. Đây là mong muốn của gia đình có thu nhập thuộc tầng lớp trung lưu trở lên.
  • ​Có một số vốn để sửa chữa nhà cửa, xây nhà mới cho to đẹp, đàng hoàng hơn, thậm chí có một số người còn lo có tiền đủ để xây sinh phần (phần mộ) cho cha mẹ hoặc cho chính mình không thua kém bè bạn, làng xóm.
  • ​Có một số vốn cho mình hoặc cho con cái tập kinh doanh, lập nghề nghiệp mới ổn định cuộc sống.
  • ​Nếu không may người được bảo hiểm bị tử vong thì đã được chi trả tiền bảo hiểm để trang trải nợ của gia đình (vay bạn bè, người thân để mua nhà, mua xe…), trang trải chi phí sinh hoạt gia đình hoặc có vốn làm thêm, kinh doanh thêm một nghề hoặc công việc nào đó khi có một nguồn thu nhập của người bị tử vong không còn nữa…
​Từ những nhu cầu trên, doanh nghiệp bảo hiểm có thể thiết kế rất nhiều sản phẩm bảo hiểm khác nhau với số tiền bảo hiểm khác nhau và kỳ hạn thu phí khác nhau hướng vào nhóm đối tượng khách hàng (thu nhập cao, trung lưu, bình dân, nghèo), vùng miền địa lý, phong tục tập quán khác nhau.
Đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp thường có cam kết trả lãi hoặc thưởng. Thời gian đã đóng phí bảo hiểm càng dài thì lãi đầu tư từ phí bảo hiểm đã đóng càng lớn. Vì vậy những khách hàng chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn thường bị thiệt thòi khi nhận được số tiền chi trả thấp (những năm còn lại của hợp đồng bảo hiểm nếu tiếp tục tham gia bảo hiểm sẽ thu được nhiều bảo tức hơn). Đồng thời hợp đồng bảo hiểm càng dài hạn càng có thời gian đủ lớn để cho các rủi ro ốm đau, bệnh tật, tai nạn, thương tích xuất hiện, từ đó thấy được ý nghĩa, tác dụng của bảo hiểm (khi có rủi ro, tai nạn).
​Tuy nhiên triển khai sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải lưu ý:
​Thuyết phục khách hàng khi bảo tức thấp hơn lãi suất tiết kiệm vì phần chênh lệch này trang trải cho chi phí khi rủi ro được bảo hiểm xảy ra với người được bảo hiểm (ốm đau, bệnh tật, tai nạn). Hiệu lực của bảo tức cam kết có giá trị dài hạn tương đương với thời hạn hợp đồng bảo hiểm trong khi lãi suất của ngân hàng có xu hướng biến động giảm trong thời gian trên.
Ngoài ra nếu đầu tư có lãi cao hơn, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải chia bảo tức tăng thêm cho người tham gia bảo hiểm khi thực hiện quy định của Nhà nước: chia ít nhất 70% lãi đầu tư cho người tham gia bảo hiểm. Ngược lại nếu lãi suất ngân hàng giảm, lãi đầu tư giảm doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả bảo tức đã cam kết. Hơn hẳn của bảo hiểm là nếu không từ bỏ hợp đồng bảo hiểm trước hạn, người được bảo hiểm chắc chắn được hưởng đủ số tiền bảo hiểm đã cam kết kể cả khi rủi ro xuất hiện.
​Tìm cách thuyết phục và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng khi họ không đủ khả năng tài chính (tạm thời) để đóng phí bảo hiểm, sự thiệt thòi khi khách hàng chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn.
​Kiểm soát được rủi ro được bảo hiểm trước khi ký hợp đồng bảo hiểm, khôi phục hợp đồng bảo hiểm hoặc trong quá trình xem xét hồ sơ thanh toán chi trả tiền bảo hiểm.
​Thực hiện đúng quy định của Nhà nước về tách quỹ chủ sở hữu với quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm, tỷ lệ chia lãi đầu tư từ quỹ chủ hợp đồng bảo hiểm tối thiểu 70% cho chủ hợp đồng bảo hiểm.
​Thận trọng đưa ra cam kết về bảo tức (tùy thời hạn hợp đồng bảo hiểm) vì nó có giá trị trong vòng 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc nhiều hơn nữa, sau đó khi nền kinh tế xây dựng thị trường vốn, thị trường tiền tệ có nhiều biến động khác (nếu có).
bao-hiem-nhan-tho-nao-tot-a3.png
3.​ Cạnh tranh với thị trường vốn
Khi thị trường vốn như trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, cổ phiếu của doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản, góp vốn đầu tư kinh doanh phát triển thu hút nhiều nguồn tiền nhàn rỗi vào lĩnh vực này với hứa hẹn thu được lãi cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng. Song đầu tư vào lĩnh vực này không phải dễ dàng, đòi hỏi có kiến thức và một số điều kiện nhất định.
Muốn mua trái phiếu, cổ phiếu phải có tiền ký quỹ tại ngân hàng hoặc công ty chứng khoán ít nhất bằng số tiền đặt cọc và đấu giá để mua. Nếu thắng mới thành công. Đặt giá cao quá thì mua được với giá hớ, thấp quá thì không được mua. Đó là chưa kể việc lựa chọn danh mục đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro: mua trái phiếu, cổ phiếu của 1 doanh nghiệp đang có dấu hiệu làm ăn sa sút.
Vì vậy để thu hút người có tiền nhàn rỗi từ ít đến nhiều vẫn có thể tham gia vào đầu tư sinh lời, doanh nghiệp bảo hiểm đã có nhóm sản phẩm bảo hiểm đầu tư, bao gồm 02 loại sản phẩm bảo hiểm chính sau:
Bảo hiểm liên kết chung: là loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ bao gồm bảo hiểm rủi ro và đầu tư. Trong đó phần đầu tư là doanh nghiệp bảo hiểm cùng chung với khách hàng sử dụng phần tiền của khách hàng dành cho đầu tư đưa vào các lĩnh vực đầu tư tài chính nhằm mục đích sinh lời.
Vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động đầu tư là người chủ động đầu tư và cam kết trả lãi đầu tư cho người tham gia bảo hiểm theo lãi suất được công bố định kỳ (hàng tháng hoặc quý). Người tham gia bảo hiểm được giữ vai trò là người ủy thác cho doanh nghiệp bảo hiểm làm nhiệm vụ đầu tư không quan tâm xem doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào lĩnh vực nào, danh mục đầu tư như thế nào, lợi nhuận đầu tư ra sao mà chỉ quan tâm đến lãi được chia theo công bố.
Nếu lãi suất cao, hấp dẫn người tham gia bảo hiểm có thể tăng số phí bảo hiểm đóng vào để tăng số tiền đầu tư nhằm đem lại lãi nhiều hơn. Nếu lãi suất giảm, người tham gia bảo hiểm có thể thu hẹp quy mô đầu tư bằng cách rút bớt số phí bảo hiểm đã đóng. Với cách tăng giảm số tiền đầu tư, tăng giảm lãi suất đầu tư (bảo tức công bố) linh hoạt, công khai minh bạch, sản phẩm bảo hiểm này đã thu hút nhiều người tham gia bảo hiểm có doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới xấp xỉ bằng bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp.
bao-hiem-nhan-tho-nao-tot-a4.png
Bảo hiểm liên kết đơn vị: là loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong đó có bảo hiểm cho các rủi ro ghi trong hợp đồng bảo hiểm được tách thành phần riêng biệt, còn lại là phần đầu tư.
Doanh nghiệp bảo hiểm hình thành quỹ đầu tư bao gồm ít nhất là 03 quỹ: mạo hiểm, bình ổn, an toàn (có thể thêm 2 quỹ tương đối mạo hiểm và tương đối an toàn). Mỗi loại quỹ trên doanh nghiệp bảo hiểm công bố có ít nhất 20 danh mục được lựa chọn để đầu tư và công bố giá chứng chỉ quỹ của từng loại quỹ (giá đơn vị quỹ). Nhà đầu tư dùng số tiền của mình phân bổ đầu tư vào từng quỹ nói trên (01 hay nhiều quỹ) với số tiền đầu tư vào mỗi quỹ có thể khác nhau. Hàng tuần, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm công bố giá chứng chỉ đơn vị mỗi quỹ trên phương tiện thông tin đại chúng. Người tham gia bảo hiểm căn cứ vào giá chứng chỉ của mỗi quỹ để thay đổi đầu tư của mình bằng các cách sau:
  • Bán một phần hoặc toàn bộ (bán tháo) chứng chỉ đơn vị quỹ đầu tư kém hiệu quả (đang đi xuống) cho doanh nghiệp bảo hiểm mua với giá đã công bố.
  • Mua thêm một số chứng chỉ đơn vị của một số quỹ đầu tư khác khi giá chứng chỉ đơn vị quỹ đầu tư này đang có xu hướng tăng hoặc theo nhận định đã chạm hoặc sắp chạm đáy để tăng tiếp. Nguồn tiền để đầu tư thu được bởi bán chứng chỉ đơn vị quỹ đầu tư khác hoặc bỏ thêm tiền đầu tư.
  • ​Bán toàn bộ hoặc một phần chứng chỉ đơn vị quỹ đầu tư đang có giá cao cho doanh nghiệp bảo hiểm để chốt lời.
​Như vậy hoạt động đầu tư doanh nghiệp bảo hiểm đóng vai trò như công ty quản lý quỹ đầu tư (đưa ra danh mục đầu tư và giá chứng chỉ đơn vị của từng quỹ), người tham gia bảo hiểm có quyền chủ động quyết định trong đầu tư vào quỹ nào với số tiền là bao nhiêu (số lượng đơn vị chứng chỉ quỹ) và đương nhiên là lời ăn (giá tăng thêm), lỗ chịu (giá giảm xuống).
​Tuy nhiên, doanh nghiệp bảo hiểm cũng có rủi ro khi đưa ra những danh mục đầu tư chưa xác đáng làm kết quả đầu tư thấp, giá chứng chỉ đơn vị quỹ giảm, người tham gia bảo hiểm buộc phải bán nếu không có người mua lại thì doanh nghiệp bảo hiểm đương nhiên là người mua ôm món hàng này chờ để bán cho người khác.
Với cách đầu tư linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức cho người tham gia bảo hiểm muốn đầu tư không phải phân tích, đánh giá lựa chọn truy cập thông tin vào các chỉ số chứng khoán, tình hình sản xuất kinh doanh của những cơ sở được lựa chọn đầu tư, dễ bán chứng chỉ quỹ đầu tư để chốt lời hoặc tháo chạy sẽ thu hút được nhiều người tham gia bảo hiểm. Song với tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản hiện nay chưa ổn định và phát triển bền vững nên nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chưa dám triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị (rủi ro cuối cùng doanh nghiệp bảo hiểm phải gánh chịu khi buộc phỉa mua lại chứng chỉ quỹ đầu tư kém hiệu quả), một số doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai nhưng rất thận trọng.
bao-hiem-nhan-tho-nao-tot-a5.png
4.​ Cạnh tranh với chế độ bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Theo chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành, mỗi tháng người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thai sản, bảo hiểm trợ cấp tiền lương nghỉ trong những ngày ốm đau, tai nạn, thai sản, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm hưu trí.
Chế độ bảo hiểm hưu trí của Bảo hiểm xã hội hiện hành được chi trả khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội với nam là 30 năm và đạt 60 tuổi; nữ là 25 năm và 55 tuổi. Tuổi nghỉ hưu ở một số ngành nghề khác được quy định thấp hơn. Về sớm mỗi năm trừ 2% lương hưu. Lương hưu bình quân của 10 năm cuối cùng.
​Như vậy đa số người có bảo hiểm hưu trí là làm ở cơ quan hành chính sự nghiệp, công an, quân đội và doanh nghiệp (hiện nay là 11 triệu người). Đa số doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thấp hơn mức thực trả và hơn nữa Bảo hiểm xã hội chỉ chấp nhận mức lương cao nhất để đóng bảo hiểm xã hội là 20 lần mức lương cơ bản tối thiểu (20 x 1.250.000đ). Vì vậy một số người lao động ở vị trí quản lý cao cấp, có trình độ lành nghề và hàm lượng tri thức đóng góp cho doanh nghiệp nhiều được hưởng lương cao nhưng đóng bảo hiểm với mức lương thấp và đây cũng là lực lượng lao động được doanh nghiệp ưu ái hơn, dễ bị đối thủ cạnh tranh lôi kéo cần được bổ sung chế độ bảo hiểm hưu trí bằng bảo hiểm hưu trí tự nguyện để an tâm có thu nhập cao ổn định khi hết độ tuổi lao động.
​Mặt khác còn rất nhiều người lao động tự do, nông dân, thợ thủ công, chủ trang trại, tiểu thương, tiểu chủ… chưa thuộc đối tượng mua bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng chế độ hưu trí. Vì vậy nhu cầu phát triển bảo hiểm hưu trí tự nguyện là cần thiết, đáp ứng thực tế trên.
​Hiện nay Nhà nước đang khống chế mức mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện của chủ sử dụng lao động cho người lao động ở mức thấp nên chưa được hưởng ứng vì chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng lao động và người lao động giữ chân người lao động có thu nhập cao ở lại cống hiến cho doanh nghiệp của mình.
Các doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hưu trí tự nguyện (theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính ) như sau:
Phần bảo hiểm rủi ro: chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm trong các rủi ro ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, thai sản, mất sức lao động, tử vong, tiền tuất (nuôi dưỡng thân nhân), trong đó người tham gia bảo hiểm lựa chọn rủi ro và số tiền bảo hiểm.
Phần đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện: Người tham gia bảo hiểm lựa chọn số tiền đóng góp hàng tháng, quý, năm và có thể điều chỉnh tăng thêm hay giảm trong kỳ hạn của hợp đồng bảo hiểm với thời gian đóng góp tùy chọn, chậm nhất là trước tháng đến tuổi nghỉ hưu. Thời điểm bắt đầu chi trả tiền hưu với nam là từ đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Thời gian chi trả tiền hưu tùy người tham gia bảo hiểm lựa chọn: chi trả 01 lần ngay khi nghỉ hưu; chi trả hàng tháng, quý, năm trong một số năm nhất định (ít nhất là 15 năm sau khi nghỉ hưu) hoặc chi trả suốt đời (đến khi tử vong).
​Nguyên tắc quản lý quỹ hưu trí tự nguyện được công khai minh bạch. Sau khi người được bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được trừ đi một số tiền thuộc chi phí khai thác hợp đồng bảo hiểm và chi phí hoạt động kinh doanh, còn lại số tiền đưa vào quỹ hưu trí tự nguyện thể hiện trên tài khoản của chủ hợp đồng bảo hiểm (người tham gia bảo hiểm) theo nguyên tắc mỗi khách hàng có 1 tài khoản.
Và lãi đầu tư hàng kỳ trên số tiền có trên tài khoản của người tham gia bảo hiểm được chuyển vào tài khoản hàng kỳ sau khi có kết quả công bố lãi. Người tham gia bảo hiểm có thể theo dõi số tiền thuộc sở hữu của mình trên tài khoản bao gồm phí bảo hiểm đã đóng và lãi đầu tư thu được. Số tiền trên luôn thuộc sở hữu của người tham gia bảo hiểm bất kể họ chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp khác, mua bảo hiểm hưu trí doanh nghiệp bảo hiểm khác, doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán (có nghĩa là không được đem tiền trên tài khoản của khách hàng để thanh toán công nợ của doanh nghiệp bảo hiểm).
​Nếu người tham gia bảo hiểm vì lý do nào đó không đóng bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm tạm dừng nhưng số tiền trên tài khoản của họ sẽ được chi trả khi họ bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, bị tử vong hoặc đạt độ tuổi nhận quyền lợi hưu trí.
Vậy với tính chất bổ sung quyền lợi cho người lao động về chế độ hưu trí, với sự lựa chọn linh hoạt về rủi ro, số tiền bảo hiểm, thời gian đóng phí bảo hiểm, thời gian chi trả hưu trí cũng như tính công khai, minh bạch để người được bảo hiểm biết được số tiền được hưởng bất kỳ thời điểm.
​Nhìn chung, cạnh tranh với bên ngoài thị trường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thiết kế các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với phân khúc thị trường còn bỏ ngỏ mà đối thủ cạnh tranh chưa với đến hoặc không thể với đến như: bảo hiểm sức khỏe chất lượng cao với bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe dài hạn số tiền lớn với bảo hiểm của Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp với huy động vốn tiền gửi tiết kiệm, bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị với đầu tư vào cổ phiếu trái phiếu chứng chỉ quỹ và kinh doanh bất động sản.
Vấn đề cạnh tranh ở đây chỉ đơn thuần là thi nhau chớp cơ hội thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư vào lĩnh vực của mình. Song ngược lại cơ hội phát triển của bảo hiểm nhân thọ đã góp phần gián tiếp làm tăng trưởng tín dụng, chứng khoán, bất động sản thông qua kết quả đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm vào tiền gửi ngân hàng, mua trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu và đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Vì vậy không ít ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã hợp tác với doanh nghiệp bảo hiểm để cùng nhau thu hút và sử dụng nguồn phí bảo hiểm nhàn rỗi trung dài hạn quý báu trên.
Kết quả đến 31/12/2015 theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thu hút tiền nhàn rỗi dân cư đầu tư vào nền kinh tế quốc dân được trên 125.000 tỷ đồng, xấp xỉ bằng 6 tỷ USD, chủ yếu với thời hạn dài từ 5 năm đến 30 năm.
Theo ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

No comments