Breaking News

4 điều ngăn cản bạn đến với con đường trở thành tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ

Bạn có tự tin rằng bản thân mình có thể vượt qua những rào cản trở ngại này để trở thành một tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ chuyên nghiệp và thành công?

Mọi người luôn thấy hình ảnh của một tư vấn viên bảo hiểm lịch sự, nhã nhặn, nhưng đâu ai biết họ đang phải cố gắng vượt qua những khó khăn của bản thân mình hàng ngày.

1. Cạnh tranh gay gắt


Bảo hiểm nhân thọ đã xuất hiện tại Việt Nam được trên dưới 20 năm, tuy nhiên, số lượng người tham gia bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam là chưa cao, nếu không muốn nói là thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Chính điều này đã tạo nên miền đất màu mỡ cho các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tới VIệt Nam để phát triển.

Đi kèm với đó, tất nhiên, là sự tuyển dụng nhân viên tư vấn ồ ạt từ các hãng. Các đại lý bảo hiểm mọc lên như nấm sau mưa, tạo nên sự cạnh tranh gắt gao không chỉ giữa nhân viên của các công ty với nhau mà còn chính từ những đại lý cùng công ty. Hiện giờ có đến hàng ngàn, hàng vạn đại lý bảo hiểm, việc các tư vấn viên “chạm mặt” nhau, cùng một khách hàng nhưng có đến 9, 10 đại lý tư vấn là là chuyện hết sức bình thường bình thường.

Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tốt, thực tế đã chứng minh, nhưng nguồn cung sản phẩm lại quá đa dạng và phong phú, cũng khiến cho người mua khá khó khăn trong việc chọn lựa. Lúc này, tư vấn viên bảo hiểm không chỉ là có "đối thủ" là những đại lý hãng khác hay cùng công ty mà còn cạnh tranh với chính mình.


 

Trở thành một tư vấn viên bảo hiểm là bạn phải chấp nhận sự cạnh tranh gay gắt.


Vượt qua các đại lý từ hãng khác không có nghĩa là bạn phải giành giật, lôi kéo khách hàng của họ mà là việc làm sao để bản thân mình tiến bộ từng ngày, tạo dựng thương hiệu riêng cho cá nhân cũng như khả năng thu hút và thuyết phục riêng.

Khi đã tự xây dựng nên uy tín thì khách hàng sẽ đến với bạn một cách tự nhiên và ngày một nhiều hơn. Bên cạnh thu nhập ổn, lương thưởng hoa hồng cao ứng với khả năng, đại lý bảo hiểm còn nhận được sự hài lòng, lời cảm ơn của khách hàng. Đó chính là những động lực lớn để nhân viên tư vấn thêm yên tâm gắn bó với nghề.


2. Áp lực công việc lớn


Công việc của một tư vấn viên bảo hiểm rất nhiều và phức tạp. Họ phải liên tục mở rộng các mối quan hệ để tìm kiếm khách hàng mới, tìm hiểu thông tin của hàng trăm khách hàng, chọn lựa và tư vấn dựa trên điều kiện, hoàn cảnh của người mua để đưa ra lời tư vấn phù hợp.

Rồi đâu phải chỉ dừng lại ở đó, khách hàng có thắc mắc về hợp đồng, kể cả trời nắng to hay mưa dông nhân viên tư vấn cũng phải tới gặp (nếu không sẽ bị mất niềm tin); đến hạn thu phí bảo hiểm cũng phải chủ động theo dõi và nhắc nhở khách hàng; rồi cả những khi khách hàng gặp vấn đề nào đó muốn hủy ngang cũng phải giải thích và khuyên họ tiếp tục.



Một tư vấn viên bảo hiểm phải chịu áp lực rất lớn từ công việc.


Một người khi tham gia bảo hiểm đến khi đáo hạn cũng có nghĩa là người tư vấn sẽ “gắn bó” với khách hàng ấy trong khoảng thời gian rất dài, có thể là cả đời. Vừa phải tìm khách hàng mới, vừa phải chăm sóc tận tình các khách hàng cũ, khối lượng công việc quá lớn sẽ có thể khiến cho một nhân viên mới cảm thấy “ngợp”. Bởi vậy mới nói, tư vấn viên bảo hiểm đâu chỉ có mỗi tư vấn, mà còn phải thực hiện rất nhiều việc không tên.


Thực tế thì bất kì công việc nào cũng có khó khăn và vất vả riêng, dù tư vấn bảo hiểm nhân thọ có phần “nặng nhọc” hơn một chút. Công việc nhiều sẽ giúp bạn cố gắng tập trung và tiết kiệm thời gian hơn để hoàn thành, đồng thời khiến bạn chăm chỉ hơn, đặt ra mục tiêu lớn và thực hiện theo đúng kế hoạch, tiến độ.


Những gì bạn làm hôm nay, đều sẽ đem lại kết quả cho bạn ngày mai. Do đó, thay vì than vãn, mệt mỏi, hãy yêu lấy nghề, bản lĩnh và mạnh mẽ hơn để đón nhận những khó khăn thách thức của công việc này, nếu không muốn chấp nhận bản thân mình là người dễ dàng bỏ cuộc.


3. Bị từ chối thường xuyên


Điểm thu hút nhất của nghề tư vấn bảo hiểm là gì? Có lẽ là chế độ lương thưởng cao hơn so với những nghề bán hàng khác.

Lấy đó làm mục tiêu khi mới bắt đầu, bạn sẵn sàng đi ra ngoài đường với đầy khói bụi, rời khỏi văn phòng nơi có điều hòa mát lạnh để chịu cái nắng gắt, tư vấn cho khách hàng, và rồi… bị từ chối. Bỏ qua, bạn đến với khách hàng khác, và lại nhận được câu trả lời tương tự. Cứ thế cứ thế, sự nhiệt tình, năng lượng và sự khao khát cống hiến cho công việc của bạn giảm dần dần, khiến cho bạn không còn thấy công việc tư vấn viên bảo hiểm thú vị nữa, mà chỉ còn là sự chán nản và thất vọng về bản thân mình.

Lúc này, chính lương thưởng cao kia tưởng như là một lợi thế của nghề lại trở thành điểm yếu. Bởi muốn có lương thưởng cao bạn phải liên tục gặp gỡ khách hàng và giới thiệu. Nhiều nhân viên bảo hiểm chia sẻ, rất khó khăn để có được một cuộc hẹn với khách hàng, vì với họ bảo hiểm nhân thọ không quá cần thiết, và bản thân họ chưa nhận ra ý nghĩa của việc có một sản phẩm bảo hiểm bên mình.

Hẹn gặp đã khó, chốt được hợp đồng, làm khách hàng hài lòng còn khó hơn gấp bội. Ngay cả khi gặp được người mua tiềm năng, sau khi tư vấn, giải đáp thắc mắc, tưởng như đã chốt được hợp đồng thì hoặc khách hàng đổi ý do người thân can ngăn, hoặc là họ xin lỗi vì đã lỡ nhận lời tham gia bảo hiểm từ một người quen. Những tình huống tương tự như vậy không phải là hiếm. Bị từ chối ngay cả khi có vẻ đã thành công sẽ khiến nhiều người, (nếu không có bản lĩnh) thấy ngột ngạt và nản chí.


Bị từ chối thì thường xuyên liệu có đủ khiến bạn không muốn gắn bó với nghề?


Câu hỏi đặt ra lúc này là: bạn có phải là người kiên trì hay không? Bạn có sẵn sàng chấp nhận những khó khăn bước đầu, coi cái lắc đầu của khách hàng là bình thường hay không? Đừng vì nỗi sợ thất bại khiến bạn ngại thành công. Nếu bạn thực sự quyết tâm, kiên định trên con đường mình đã chọn, dù có mất nhiều thời gian một chút nhưng rồi bạn sẽ được đền đáp xứng đáng với những công sức mình bỏ ra.

Nhìn ở khía cạnh nào đó, sự từ chối của khách hàng cũng... tốt cho tư vấn viên bảo hiểm. Nó giúp bạn có thêm động lực để thuyết phục khách hàng đồng ý, tôi luyện cho họ sự bền bỉ, không ngại vất vả và đồng thời cũng giúp bạn thêm trân trọng những thành quả mình có và công việc mình đang làm, bới những gì càng khó khăn để đạt được thì càng quý giá.


4. Chịu nhiều điều tiếng


Đã bao giờ tư vấn viên bảo hiểm bị nhầm lẫn là lừa đảo, là người bán hàng đa cấp? Đó có lẽ là chuyện thường thấy, không của riêng đại lý nào.

Định kiến đó xuất phát từ việc một số tư vấn viên không tuân thủ đúng quy định, chuẩn mực của công ty và các đạo đức nghề nghiệp mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng. Cũng có nhiều trường hợp chỉ vì chút lợi ích trước mắt, hoặc do sơ suất làm ảnh hưởng tới lợi ích của khách hàng, tới thương hiệu của công ty bảo hiểm, đồng thời cũng làm xấu đi hình ảnh của người tư vấn viên trong mắt người dùng.

Với nhiều người, cái khiến họ mệt mỏi, thậm chí muốn bỏ nghề bảo hiểm không phải là áp lực công việc lớn, không phải là đi sớm về muộn bất kể nắng mưa, mà chính là ánh mắt soi mói, kì thị, hoài nghi, là những suy nghĩ tiêu cực đóng đinh trong đầu không dễ gỡ bỏ của khách hàng về nghề nghiệp của họ. Vậy phải làm thế nào? Chẳng nhẽ vì lí do ấy mà tư vấn viên phải bỏ dở con đường phát triển sự nghiệp trong ngành bảo hiểm? 



Gỡ bỏ định kiến của một người về bảo hiểm nhân thọ là điều không dễ


Phá bỏ định kiến, những suy nghĩ đã khắc sâu trong đầu của một người là điều không hề đơn giản. Tuy nhiên, bạn không cần phải đi khắp nơi, giải thích với từng người rằng bảo hiểm nhân thọ không phải là lừa đảo, rằng bảo hiểm nhân thọ tốt cho cuộc sống của mọi người như thế nào.

Việc mà tư vấn viên cần phải làm là bỏ ngoài tai những điều tiếng không hay về nghề, mang bảo hiểm tới gần khách hàng thực sự chân thành và gần gũi để họ hiểu được giá trị, cảm thấy cần phải có bảo hiểm nhân thọ và sẵn sàng tham gia. Hãy làm việc bằng tình yêu nghề, bằng sự chân thành, mong muốn giúp đỡ để nhiều người có cuộc sống tốt hơn, bạn sẽ từng bước tạo dựng được lòng tin, sự an tâm của khách hàng với bảo hiểm nhân thọ.


Đừng vì bất kì khó khăn, trở ngại nào trở thành lí do cho việc bạn từ bỏ con đường tư vấn viên bảo hiểm mình đã chọn!


Theo thị trường tài chính Việt Nam


No comments