Breaking News

Tiết kiệm tích lũy gửi tiền Ngân hàng hay Bảo hiểm nhân thọ ?

Xu hướng “tiết kiệm + tích lũy” để tạo dựng “của để dành” cho con đang được nhiều gia đình trẻ quan tâm. Một tháng chỉ tiết kiệm vài trăm ngàn đồng đến 1 – 2 triệu, số tiền nghe có vẻ ít nhưng cứ tích lũy qua nhiều năm sẽ thành một khoản lớn.
Đây là một giải pháp đầu tư đúng đắn và là một trong những cách chuẩn bị tốt nhất cho tương lai của con, cũng như cho kinh tế của cha mẹ khi con bước vào bậc đại học. Tuy nhiên, vấn đề gửi tiền vào đâu để vừa an toàn vừa hiệu quả lại khiến các bậc cha mẹ nảy sinh tranh cãi và bất đồng.
Hai hình thức được mọi người lựa chọn nhiều nhất hiện nay đó là gửi tiết kiệm ngân hàng và tham gia bảo hiểm nhân thọ. Trên thực tế, nếu so sánh về mục đích sử dụng và lãi suất của hai khoản này là hoàn toàn khác nhau.
Nội dungGửi tiết kiệm ngân hàngTham gia bảo hiểm nhân thọ
Tiền gửiGiả sử bạn tiết kiệm 1 triệu đồng/tháng tương đương 12 triệu đồng/năm
Lãi suất/nămKhoảng 6-7% (tùy thời hạn gửi)Khoảng 3-5% (tùy theo năm hợp đồng)
Tính bảo vệChỉ bảo vệ khoản tiền gửi 12 triệu. Không bảo vệ tính mạng và sức khỏeBảo vệ tính mạng của người tham gia khi gặp tai nạn, rủi ro với khoản thanh toán lên tới hàng trăm triệu
Tính linh hoạtCó thể chủ động gửi thêm tiền vào sổ tiết kiệm bất cứ lúc nào và linh động khi rút raBắt buộc phải đóng một số tiền qui đinh theo theo quí/năm. Không thể rút ra trước thời hạn hợp đồng (5 – 20 năm)
Mục đíchĐầu tư, sinh lợiBảo vệ, phòng rủi ro
Bởi vậy, chúng ta không nên so sánh giữa hai việc: gửi tiết kiệm ngân hàng và mua bảo hiểm cái nào lãi hơn. Vì mục đích của việc mua bảo hiểm là bảo vệ chứ không phải đầu tư, sinh lợi. Còn mục đích của gửi tiết kiệm là đầu tư, sinh lợi chứ không phải phòng rủi ro.
Tối ưu nhất là “không cho trứng vào cùng một giỏ”. Hiểu đơn giản là bạn nên chia “của để dành” cho con thành hai khoản: một khoản bạn dành mua bảo hiểm cho vợ chồng bạn với thời hạn ngắn 5 – 10 năm và khoản còn lại bạn gửi tiết kiệm dài hạn cho con (hoặc gửi tiết kiệm ngắn hạn 1 – 2 năm, khi dành dụm đủ rồi mua vàng để tránh trượt giá đồng tiền và gửi vàng vào ngân hàng).
"tiết kiệm + tích lũy" để tạo dựng “của để dành” cho con
Lý do bạn nên mua bảo hiểm cho vợ chồng bạn chứ không phải mua cho con? Bởi mục đích của mua bảo hiểm nhân thọ ngoài việc bảo vệ ra thì còn là bù đắp phần tài chính cho những thành viên còn lại trong gia đình, trong trường hợp có rủi ro xảy đến với người trụ cột về tài chính.
Chính vì vậy, bạn nên mua bảo hiểm nhân thọ cho hai vợ chồng bạn, để nếu như có gặp rủi ro với người được bảo vệ, thì thừa hưởng trong trường hợp này chính là con cái. Nhưng bạn cũng không nên đầu tư quá nhiều tiền vào gói bảo hiểm nhân thọ. Chỉ nên tham gia khi kinh tế gia đình ổn định và có khoản dư dật đều đặn.
Vì tính chất của việc tham gia bảo hiểm nhân thọ là phải đóng phí đều đặn hàng năm, nên chỉ tham gia 5 – 10% thu nhập thường xuyên là mức hợp lý nhất, bạn không nên đóng quá cao, dễ bị hụt hơi. Và cho dù chọn loại hình bảo hiểm nào, bạn cũng cần đọc kỹ hợp đồng, nắm rõ những qui định về trường hợp nào được bồi thường khi có rủi ro.
Chẳng hạn, bảo hiểm có những gói “Bảo hiểm tai nạn”, “Bảo hiểm tàn tật”, sự khác nhau cơ bản giữa hai gói này là “Bảo hiểm tàn tật” sẽ chỉ bồi thường khi mất một phần cơ thể, nếu như gãy tay, gãy chân thì không được bồi thường còn gói “Bảo hiểm tai nạn” thì lại bao hàm tất cả.
Bạn cũng nên chú ý tới điều kiện và “giá trị hoàn lại” đề phòng trường hợp nếu muốn kết thúc hợp đồng trước hạn. Vì đã có rất nhiều trường hợp, người tham gia có tài chính eo hẹp hoặc thu nhập không ổn định xin ngưng hợp đồng trước hạn. Khi đó quyền lợi không có mà số tiền đã đóng cũng gần như mất trắng. Bởi xét theo điều 35, Luật kinh doanh Bảo hiểm quy định: “Nếu bên mua bảo hiểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày tham gia hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng”.
Do vậy, “giá trị hoàn lại” chỉ được hình thành sau khi bạn đã nộp đủ 2 năm phí bảo hiểm. Sau đó “giá trị hoàn lại” sẽ tăng dần qua các năm, nhưng thường nhỏ hơn so với phí đã đóng vào.
Nếu như tham gia gói bảo hiểm nhân thọ ngắn hạn, khi hết hợp đồng, bạn có thể rút tiền về gửi ngân hàng cho con, rồi lại tiếp tục tham gia gói bảo hiểm ngắn hạn mới.  
Như vậy, với mọi khoản tiền: lì xì, mừng tuổi Tết, tiền mừng sinh nhật, tiền thưởng, tiền heo đất của con… bạn đều có thể linh động gửi thêm khi muốn, chứ không bắt buộc phải đóng tiền theo tháng. Với hình thức tiết kiệm này sẽ giúp bạn không cảm thấy áp lực và đặc biệt, với dịch vụ này, bất kỳ người thân nào của bé cũng có thể gửi tiền tặng bé.
Một quyển sổ tiết kiệm mang tên con sẽ là món quà ý nghĩa và giá trị hơn rất nhiều lần nếu như trẻ cũng học được cách trân trọng, gìn giữ và nâng niu những đồng tiền mà cha mẹ đã vất vả tiết kiệm lại cho bé. Đó là tiền đề cơ bản và quan trọng để khi lớn lên các bé biết cách sử dụng tiền cũng như chi tiêu hợp lý.