Sàn thương mại điện tử bán bảo hiểm, tại sao không?
Theo thông tin ban đầu mà Báo Đầu tư Chứng khoán có được, mô hình này sẽ tập trung bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Ngoài ra, để chăm sóc và thu hút khách hàng, sẽ có thêm thêm các sản phẩm, dịch vụ bổ trợ như đặt phòng khách sạn, tour du lịch…
Chưa phát triển tại Việt Nam, nhưng mô hình tích hợp như mô hình trên đã có mặt ở nhiều thị trường tài chính phát triển trên thế giới. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin và Intenert phát triển vượt bậc như ngày nay, các Tập đoàn tài chính đều muốn tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ để phát triển những mô hình kinh doanh hiện đại, tiện lợi, lại có thể tiết giảm tối đa chi phí bán hàng.
Một sàn giao dịch thương mại cho thị trường bảo hiểm là một ý tưởng mới và có thể phát triển ở thị trường Việt Nam. Vấn đề là cách thức hoạt động như thế nào cho phù hợp với thị trường tài chính Việt Nam
Lợi thế cạnh tranh của mô hình tích hợp được nhìn nhận là việc có sẵn hệ thống công nghệ hiện đại, quy trình bán hàng và chăm sóc khách hàng. Như vậy, các tập đoàn tài chính muốn phát triển mô hình này ở Việt Nam sẽ tiết kiệm nhiều thời gian và nguồn lực, cũng như chi phí đầu tư ban đầu. Mặt khác, việc mô hình này từng áp dụng thành công ở các nước khác cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt có thêm kinh nghiệm và bài học thực tiễn.
Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành, mô hình sàn giao dịch điện tử cho các sản phẩm bảo hiểm gần giống kênh broker (môi giới). Tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, có khá nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang bán bảo hiểm qua kênh broker, nhưng với các công ty bảo hiểm nhân thọ thì còn khá hạn chế.
“Có một vài công ty đã thử mô hình broker cho bảo hiểm nhân thọ, nhưng mức độ thành công còn khá thấp, vì các công ty bảo hiểm nhân thọ muốn đầu tư vào đội ngũ của mình hơn là trả cho broker, bởi việc hợp tác này không có hiệu quả cao về mặt chi phí và không có ảnh hưởng về mặt thương hiệu cho công ty”, CEO một công ty bảo hiểm nhìn nhận.
Trở lại ý tưởng thành lập một sàn giao dịch thương mại chuyên bán các sản phẩm bảo hiểm tại thị trường Việt Nam, chưa biết điều này có thành hiện thực hiện không, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, nếu có thể xây dựng và phát triển thì đây sẽ là mô hình chuyên nghiệp, hiện đại và quy mô hơn hẳn việc phát triển các trang web bán bảo hiểm trực tuyến mà các công ty bảo hiểm đang tiến hành như hiện nay.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư bán bảo hiểm trực tuyến của nhiều công ty bảo hiểm hiện còn khá đơn giản, thậm chí có công ty làm “chỉ để cho có”. Những công ty này chỉ đơn giản là đầu tư xây dựng website và thêm chi phí quảng cáo, marketing…, sau đó có thể tận dụng đội ngũ nhân viên của mình để bán hàng.
Các sản phẩm cung cấp qua kênh trực tuyến thường là các sản phẩm bán lẻ đơn giản, không cần tư vấn nhiều. Do đó, doanh thu đến từ kênh bán hàng trực tuyến của nhiều công ty bảo hiểm hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng.
Tuy nhiên, khi hợp tác với một sàn giao dịch thương mại điện tử, đối với các công ty bảo hiểm, bên cạnh việc có thêm một kênh bán hàng trực tuyến, có thể tận dụng sự chuyên nghiệp và hiện đại của đối tác để đẩy mạnh bán hàng.
“Nếu là một sàn giao dịch thương mại chuyên về bảo hiểm đúng nghĩa thì sẽ có một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp nhận và xử lý các đơn hàng, chuyển trả các công ty bảo hiểm, thậm chí có thể tư vấn cho khách hàng về sản phẩm. Ngoài ra, sàn giao dịch cũng có thể phát triển một đội ngũ bán hàng mạnh và đầu tư bài bản cho các hoạt động marketing, quảng cáo. Tất nhiên, nếu hợp tác với sàn giao dịch như vậy, các công ty bảo hiểm sẽ phải trả phí”, một chuyên gia trong ngành chia sẻ.
Trong khi đó, nhìn nhận về tính khả thi của mô hình khá mới này tại thị trường Việt Nam, lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho rằng, cách thức hoạt động của nó cũng gần như broker nếu bán sản phẩm cho cả công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Nhưng nếu chỉ bán độc quyền cho một công ty bảo hiểm nhân thọ và bán nhiều sản phẩm của các công ty phi nhân thọ, thì cũng không hẳn là broker.
“Một sàn giao dịch thương mại cho thị trường bảo hiểm là một ý tưởng mới và có thể phát triển ở thị trường Việt Nam. Vấn đề là cách thức hoạt động như thế nào cho phù hợp với thị trường tài chính Việt Nam, vốn còn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ như một số thị trường mà mô hình này đã từng thành công”, vị lãnh đạo trên cho biết.
No comments