Lợi nhuận 2016 của khối bảo hiểm nhân thọ: “Ông lớn” tiếp tục lãi“khủng”
Báo cáo ước kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ năm 2016 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy bức tranh chung của khối này là khá sáng sủa, nhưng xét riêng từng doanh nghiệp vẫn còn những “góc tối”.
Doanh nghiệp lãi “khủng”: Vẫn là những cái tên kỳ cựu
Theo báo cáo, kết thúc năm 2016, tổng doanh thu của khối nhân thọ ước đạt 50.365 tỷ đồng, tăng 37,37% so với thực hiện 2015; lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.356 tỷ đồng. Trong đó, ngoại trừ MB Ageas Life mới gia nhập thị trường, số doanh nghiệp báo lãi nhỉnh hơn (10 doanh nghiệp) so với doanh nghiệp báo lỗ (7 doanh nghiệp).
Trong các doanh nghiệp báo lãi, top doanh nghiệp lãi lớn nhất vẫn là những cái tên kỳ cựu trong “làng” bảo hiểm nhân thọ là Prudential, Bảo Việt Nhân thọ và Manulife, với lợi nhuận tương ứng là 1.601 tỷ đồng, 900 tỷ đồng và 554,6 tỷ đồng, vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại.
Trật tự trên cũng cho thấy, thứ tự xếp hạng về lợi nhuận của các doanh nghiệp tương đương với thứ tự xếp hạng về doanh thu phí bảo hiểm đạt được. Nghĩa là các doanh nghiệp có thị phần lớn thì lợi nhuận cũng lớn. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm của Prudential, Bảo Việt Nhân thọ và Manulife lần lượt là 13.531 tỷ đồng, 13.435 tỷ đồng và 6.123 tỷ đồng.
Từ chối bình luận về lợi nhuận của doanh nghiệp mình, song lãnh đạo một doanh nghiệp nhân thọ lớn cho biết, mức lợi nhuận cao vẫn tập trung tại các doanh nghiệp hoạt động lâu năm trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, từ 10 năm trở lên.
“Doanh nghiệp nhân thọ lâu năm đang sở hữu nhiều hợp đồng cũ dài hạn, được ký với khách hàng từ những năm trước đó. Lượng lớn hợp đồng đã, đang và sắp đến kỳ đáo hạn này đã mang lại nguồn phí bảo hiểm mang tính tích lũy không nhỏ, hỗ trợ nhiều cho hoạt động đầu tư, góp phần gia tăng lợi nhuận”, vị này nói.
Đáng chú ý, năm 2016 là năm đầu tiên mà Hanwha Life báo lãi sau 8 năm hiện diện tại Việt Nam. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, bên cạnh việc hiệu quả từ hoạt động đầu tư (trái phiếu chính phủ), Hanwha Life có lãi còn do kiểm soát tốt chi phí, với 1.218 tỷ đồng (trong khi năm 2015 đạt 1.530 tỷ đồng), cho dù tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm 2016 đạt 48%, cao hơn mức bình quân thị trường là 32%.
Theo báo cáo trên, trong số 7 doanh nghiệp nhân thọ ghi nhận lỗ, có vài cái tên từng gây chú ý trên thị trường thời gian qua. Nổi bật là Generali với khoản lỗ lớn gần 610 tỷ đồng. Tiếp đó là VietinAviva với khoản lỗ hơn 326 tỷ đồng, BIDV Metlife lỗ 178 tỷ đồng, PVI Sun Life lỗ khoảng 109 tỷ đồng...
Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán, vị lãnh đạo doanh nghiệp nhân thọ lớn nói trên cho biết, doanh nghiệp bị lỗ chủ yếu là các doanh nghiệp mới (hoạt động dưới 10 năm), nhất là với những doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu phí khai thác mới cao sau khi tung sản phẩm bảo hiểm “hot”, bởi việc đầu tư lớn cho sản phẩm dẫn đến chí đầu tư tăng cao. Đặc biệt, chi phí cho các năm đầu của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường rất lớn, trong khi các doanh nghiệp mới thường chưa có nhiều hợp đồng được ký mới.
Ghi nhận từ Generali Việt Nam, ngoài việc cho biết việc lỗ là chuyện bình thường với một doanh nghiệp chưa hoạt động lâu trên thị trường, trong khi đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu phí khai thác mới trên 43%, lãnh đạo doanh nghiệp này khẳng định, các chỉ tiêu tài chính khác tại Generali Việt Nam đều tốt hơn năm trước, bao gồm tỷ lệ duy trì hợp đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm, chi phí tính trên mỗi hợp đồng…
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, thời gian tới, những doanh nghiệp “trẻ” sẽ còn chịu lỗ khi tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng mạnh doanh thu phí khai thác mới. Tuy nhiên, điều này cũng không thực sự đáng ngại nhờ tiềm lực tài chính của công ty mẹ ở nước ngoài. Quan trọng là các chỉ tiêu tài chính để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm đều đang ở mức an toàn.
Theo Bộ Tài chính, năm 2016, tất cả doanh nghiệp nhân thọ đều trích lập nghiệp vụ bằng hoặc cao hơn so với quy định (tổng dự phòng nghiệp vụ toàn thị trường ước đạt 128.527 tỷ đồng, tăng 23,7% so với năm 2015). Thị trường chưa xuất hiện doanh nghiệp gặp khó về khả năng thanh toán, hay cần sự “can thiệp” của Bộ về vốn chủ sở hữu..., khối nhân thọ vẫn đang góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư dài hạn, ổn định cho nền kinh tế (ước tính có 158.633 tỷ đồng tổng đầu tư trở lại nền kinh tế trong năm 2016).