Breaking News

Khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội còn nhiều vướng mắc


Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, mức nợ lớn như CTCP 116-CIENCO1 nợ bảo hiểm xã hội 109 tháng với 14,5 tỷ đồng.

Chiều 25/4, thông tin về tình hình hoạt động trong quý I/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tình hình nợ đọng toàn ngành ở mức khoảng 5% kế hoạch thu nhưng việc khởi kiện đòi phí bảo hiểm gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 3/2017, ước thu bảo hiểm đạt hơn 63,6 tỷ đồng, đạt 22,5% so với kế hoạch được giao, tăng 12,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong 3 tháng đầu năm, Bảo hiểm xã hội đã đôn đốc các địa phương triển khai công tác thu, phát triển đối tượng, thực hiện nghiêm túc các quy định về 
Ba tháng đầu năm, có trên 1 triệu người đã được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội. Có 155.000 lượt người đã được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Có 22,8 triệu lượt người được chi trả chi phí khám chữa bệnh.
Ước tính số chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hơn 57.400 tỷ đồng, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Số nợ bảo hiểm xã hội tính đến hết quý I/2017 là hơn 14.000 tỷ đồng, chiếm 4,95% so với kế hoạch thu được giao.
Thông tin thêm về tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, đại diện Ban thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nhiều đơn vị nợ bảo hiểm kéo dài, danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm trên 3 tháng dài cả tập. Để tăng cường giải quyết khối nợ này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phân loại nợ, nợ dưới 6 tháng sẽ tập trung đôn đốc thu nợ. Các đơn vị nợ trên 6 tháng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tập trung chỉ đạo thanh tra theo thẩm quyền thanh tra mới được bổ sung trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Đáng ngại là nợ trên 6 tháng chiếm tỷ trọng lớn gây khó khăn cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.   
Nhiều doanh nghiệp nợ kéo dài rất khó thu, số tiền lãi phạt chậm nộp còn lớn hơn cả số thu bảo hiểm mà doanh nghiệp phải nộp. Cá biệt có trường hợp CTCP 116 -Cienco1 có trụ sở tại 521 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội nợ tới 109 tháng với số nợ hơn 14,5 tỷ đồng.
Ban thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp khó khăn có gửi văn bản tới cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam xin miễn giảm tiền lãi phạt. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội thì chủ sử dụng bắt buộc phải nộp phạt, không được miễn, giảm trừ trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản. Mức phạt còn thấp chỉ vài chục triệu đồng so với mức nợ hàng chục tỷ đồng nên chủ sử dụng lao động vẫn chây ỳ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, sẽ công khai các doanh nghiệp nợ BHXH trên 6 tháng và mức nợ tương đối lớn - được xác định căn cứ theo điều kiện địa phương.
Khởi kiện gặp khó
Điều 14 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định về việc khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, tổ chức công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016. 
Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều đơn khởi kiện gửi tới tòa án các cấp đã bị từ chối thụ lý. Nguyên nhân là vì bất cập giữa 4 nhóm luật: Bảo hiểm xã hội, Lao động, Công đoàn và Tố tụng dân sự.
Cơ quan xét xử cho rằng, hành vi trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội là hành vi nghiêm cấm trong Luật Bảo hiểm xã hội. Đã là hành vi cấm thì trước hết phải xử lý hành chính như thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm. Sau khi xử phạt mà đối tượng tiếp tục vi phạm thì có dấu hiệu hình sự, có thể bị xử lý theo khung hình phạt tội nợ và chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội.
Nhưng hiện Bộ luật Hình sự đang trong quá trình sửa đổi và theo lộ trình xây dựng pháp luật thì sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tới đây.
Dù vậy, việc khởi kiện cũng có kết quả nhất định. Sau khi có việc nộp đơn, nhiều doanh nghiệp đã đóng nợ bảo hiểm xã hội. 
Hiện các cấp công đoàn vẫn tiếp nhận các hồ sơ do bảo hiểm xã hội chuyển sang và tiến hành khởi kiện dù Tòa án có thụ lý hay không.