Giám đốc 8x của P&G Việt Nam: "1, 2 năm đầu mới ra trường đừng đặt ra mức lương khởi điểm, tới năm thứ 3 tài chính sẽ tới!"
Sinh năm 1989, hiện giữ vị trí Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc của P&G Việt Nam sau 4 năm vào công ty, anh Trần Khắc Hào đã có những chia sẻ về những khó khăn, vấp ngã cũng như quan điểm của mình về vấn đề thực tập, nhảy việc hay lương khởi điểm - những điều mà sinh viên cực kỳ quan tâm.
Rất có thể cuộc trò chuyện dưới đây sẽ khiến bạn thay đổi hoàn toàn, hoặc ít nhất là một phần những định kiến vốn có của bản thân về chuyện thực tập. Nếu bạn vẫn luôn nghĩ thực tập thực ra cũng chỉ là đi cho có để hoàn thành khoá luận hay chuyên đề cuối năm, thực tập thì làm ở đâu mà chẳng được khi đến cũng chỉ rót nước pha trà mà thôi, rồi ra nước ngoài để thực tập là câu chuyện không thể thì bạn sai rồi!
Có những người đã bắt đầu con đường thành công của mình ngay từ 2 tháng thực tập sinh đó, biết nắm bắt cơ hội và thử thách bản thân, nhận lại những trải nghiệm và bài học quý giá, để rồi sau khi chính thức vào công ty, họ đã giữ vị trí rất cao và làm được những điều bản thân họ cũng không ngờ tới.
Trong số đó có câu chuyện của anh Trần Khắc Hào, sinh năm 1989 và hiện đang là Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc - P&G Việt Nam. Trước đó, khi còn là sinh viên năm thứ 3, anh từng là thực tập sinh đầu tiên của P&G được "xuất khẩu" sang văn phòng châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn P&G ở Singapore trong 2 tháng. Đây là cơ hội anh có được sau khi cùng đội của mình giành chiến thắng tại P&G Business Challenge – một cuộc thi rất lớn với sinh viên sắp hoặc mới ra trường (chương trình đổi tên thành P&G CEO Academy hiện nay).
Anh Trần Khắc Hào - Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc của P&G Việt Nam.
Ngày đầu tiên trong kỳ thực tập, Hào được giao cho một dự án ra mắt 1 sản phẩm chăm sóc tóc cao cấp cho salon tại thị trường Việt Nam trị giá cả triệu đô la. Và anh đã thành công khi là người đưa sản phẩm đó về Việt Nam chỉ sau quãng thời gian làm thực tập sinh 2 tháng tại Singapore.
Năm 2011, Hào chính thức gia nhập vào P&G và 4 năm sau, anh đã giữ chức vụ Giám đốc ngành hàng chăm sóc tóc của P&G Việt Nam, quản lý 3 nhãn hàng Pantene, Head&shoulders và Rejoice trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - vị trí mà thông thường phải mất tới 5,6 năm mới có thể đạt được. Hào đã từng sống và làm việc ở Singapore và Indonesia trước khi về Việt Nam. Nhiệm vụ của anh là quản lý 4 thị trường lớn: Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan - cũng là thử thách lớn nhất trong 5 năm làm việc cho tập đoàn.
Nhìn lại hành trình từ lúc tìm kiếm cơ hội thực tập cho tới bây giờ khi đạt một vị trí cao trong công việc, chàng trai trẻ này đã đúc rút được rất nhiều trải nghiệm, bài học cho chính bản thân cũng như các bạn sinh viên đã từng như mình. Anh cũng rất thoải mái chia sẻ về những khó khăn, vấp ngã cũng như quan điểm của mình về vấn đề thực tập, nhảy việc hay lương khởi điểm - những điều mà sinh viên cực kỳ quan tâm.
Cùng trò chuyện với anh Trần Khắc Hào nhé!
20 tuổi, không biết gì và dự án trị giá cả triệu đô la từ ngày đầu tiên làm thực tập sinh
- Chào anh, câu chuyện trưởng thành từ sinh viên thực tập sau đó trưởng thành trong tập đoàn P&G của anh thực sự khiến rất nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ và có thêm động lực khi biết đến. Hãy nói về quãng thời gian thực tập đó, anh đã từng biết đến P&G như thế nào vậy?
- Khi ấy mình là sinh viên năm 3 của trường ĐH Ngoại thương TPHCM và tham gia P&G Business Challenge. Đó là một cuộc thi rất lớn với các bạn sinh viên, cung cấp một nguồn kiến thức khổng lồ, ai cũng khao khát để học ngoài kiến thức trong trường.
Mình được chọn vào team chiến thắng qua Singapore để thi đấu với các thị trường khác trong khu vực. Team Việt Nam năm đó đứng đầu toàn bộ Đông Nam Á. Sau khi thắng, mình có cơ hội được phỏng vấn để đi thực tập ở Singapore trong 2 tháng.
- Anh có thể nói về sự khác biệt giữa đi thực tập ở nước ngoài và Việt Nam?
- Mình nghĩ có 2 cái khác biệt lớn nhất: Họ sẽ cho bạn một dự án với tầm ảnh hưởng thực sự chứ không phải dự án trên giấy. Và cho bạn cơ hội để biến dự án đó thành hiện thực, dù khi ấy bạn chỉ mới 20 tuổi và kiến thức chuyên môn gần như không có gì! (cười)
Tiếp nữa là bạn được trân trọng mọi việc mà mình làm. Bạn sẽ không cảm nhận được khoảng cách giữa một thực tập sinh và nhân viên. Mọi người thường hình dung thực tập là phải pha cà phê, sếp sai đánh máy hay photocopy cái gì thì làm cái đó, và thực sự mình cũng đã từng đi pha cà phê khi thực tập ở Việt Nam. Nhưng khi vào đây, cách họ đối xử với mình rất khác, mình ngồi trong phòng họp cùng với những nhân viên làm lâu ở công ty, được huấn luyện giống như những nhân viên thực sự. Họ lắng nghe và tin tưởng mình. Sự tin tưởng và trao quyền đó rất khác biệt dù họ biết sau 2 tháng mình sẽ kết thúc thời gian thực tập.
Ngoài ra bạn gần như được làm việc với rất nhiều người đến từ các quốc gia trên thế giới, nên yếu tố nhạy về văn hoá, cách làm việc của mỗi người là khác nhau. Team mình lúc đó có 11 người mang quốc tịch khác nhau, sếp mình người Anh, bạn làm chung người Ấn Độ, Singapore nên ngay trong tam giác đó đã cách làm việc đã khác nhau rồi.
- Theo anh thì điều gì là vất vả nhất trong quãng thời gian thực tập đó?
- Cái khó nhất mình nghĩ là không kiểm soát được bản thân muốn gì.
Tôi từng nói với sếp muốn trở thành Giám đốc trong 4 năm, thay vì tiến trình 5, 6 năm như bình thường
- Đã hơn 5 năm làm việc ở đây, theo anh thì đâu là thành công lớn nhất mà mình làm được?
- Trong vai trò Phó Quản lý thương hiệu của P&G tại Singapore, sau đó là Thái Lan và Việt Nam, mình đã giúp cho ngành hàng chăm sóc tóc của tập đoàn tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á Thái Bình Dương. Thành công đó đến từ việc mình rất hoài bão. Mình đã từng nói với sếp muốn được thăng tiến nhanh, trong vòng 4 năm so với thông thường là 5 – 6 năm. Sếp đã đưa ra thử thách là mình phải đưa ngành hàng chăm sóc tóc của tập đoàn tại Việt Nam lên vị trí đầu tại thị trường châu Á Thái Bình Dương. Thứ 2 là phải tạo ra một số chương trình có sức lan tỏa lớn ở Việt Nam. Và mình làm được.
- Rõ ràng anh là người rất hoài bão và luôn có mục tiêu rõ ràng trong công việc. Điều này có tác động như thế nào đến sự thăng tiến, cũng như cách làm việc của anh?
- Mình luôn biết rất rõ mình muốn gì nên nó giúp rất nhiều cho việc định hướng công việc, bản thân sẽ đi đâu. Trước mỗi năm mình đều đặt ra định hướng là năm sau sẽ làm gì, đâu là 3 điều lớn nhất mình muốn có được từ công việc, gia đình đến sức khoẻ rồi chi tiết hoá nó. Tất cả những gì tác động đến mà không phục vụ được mục tiêu đó thì mình sẽ không làm.
Cái thứ 2 là mình không cảm thấy sợ điều gì hết. Mình có một niềm tin là không có gì là không thể và thực sự là như vậy.
Quan trọng nhất, hãy biết mình muốn gì
- Được biết anh cũng đã từng tham gia giao lưu và trò chuyện với các bạn sinh viên. Trong những cuộc giao lưu đó, anh đã nói gì với họ về câu chuyện của mình, và về những lời khuyên cần thiết trước khi họ bắt đầu sự nghiệp?
- Bạn phải hình dung được cái mà bạn muốn cụ thể là gì, càng cụ thể càng tốt. Nếu bạn muốn làm công việc có sức ảnh hưởng, có tài chính ổn định hay có cơ hội thăng tiến thì khi đi phỏng vấn, bạn phải làm rõ được công việc đấy có những yếu tố hay không, nếu không có thì bỏ. Hãy có suy nghĩ rõ ràng và biết mình muốn gì. Một khi đã xác định được rồi thì hãy cố gắng để làm đến cùng và đừng bao giờ bỏ cuộc.
Có một điều mình nhận ra khi trò chuyện với các bạn sinh viên là không phải ai cũng cố gắng hết sức để làm những điều mình muốn. Mọi người sẽ thấy có những rào cản nhất định hoặc sợ làm thế này sẽ có chuyện gì đó xảy ra. Nhưng hãy cứ thử hết đi, dù làm gì sai đi nữa thì nó cũng sẽ là bài học nhưng ít nhất bạn có 50% thành công - 50% thất bại, còn nếu không làm thì chắc chắn thất bại.
Tiếp nữa, luôn luôn lắng nghe và cởi mở trong tất cả mọi chuyện, dù nó là tốt hay xấu thì cũng nên đón nhận một cách tích cực. Vì tích cực hay tiêu cực là do mình cảm nhận. Nói thì có vẻ dễ nhưng điều này đòi hỏi bạn bắt buộc phải nhìn mọi chuyện theo một cách khác đi.
- Nếu các bạn sinh viên đặt ra câu hỏi bây giờ đang học năm thứ 2 và muốn sau này được như anh, anh có thể vạch ra con đường cho họ không?
- Hãy xác định được những gì quan trọng với bạn, mình không chắc công việc hay tài chính hay cuộc sống sẽ quan trọng với bạn. Cái đầu tiên mình nghĩ bạn cần làm là tách xa khỏi những thứ ảnh hưởng đến suy nghĩ của mình và nghĩ rằng nếu ngày mai thức dậy có 3 điều chắc chắn mình sẽ làm, không thể nào sống thiếu nó - thì đó là những cái bạn sẽ cần trong ít nhất 3-5 năm tới. Cái này có nhiều người đã đánh giá sai.
Thứ 2 là phải làm gì để xác định được 3 điều đó, nếu không biết phải làm như thế nào thì dùng kiến thức của người khác, có thể hỏi những người đã thành công ở lĩnh vực đó.
Thực hiện những điều đó, cố gắng lọc ra những bước và nhìn vào là biết ngay mình sẽ làm gì.
Mình thì thường tập trung vào bước đầu tiên trước, tìm một nơi yên tĩnh và định hình lại những điều mình cảm thấy hài lòng - không hài lòng trong cuộc sống. Sau đó lựa chọn những yếu tố mình không thể sống thiếu được, điều này thì mỗi người lại khác nhau. Tiếp tục là vẽ ra trong 3-6-9 tháng tới sẽ làm gì để có được những điều mong muốn.
- Các bạn trẻ bây giờ thường rơi vào tình trạng cái gì cũng muốn làm, chưa làm xong cái này đã nhảy sang cái khác, chưa thành công đã làm cái khác, vì còn trẻ mà, cơ hội lúc nào cũng có. Liệu điều này có tốt không?
- Mình sẽ phải hỏi lại là việc thay đổi đó có giúp bạn đạt được những thứ bạn cần không? Quan trọng nhất vẫn là bạn muốn gì và làm thế nào để đạt được điều đó? Nói một cách thẳng thắn là bạn làm việc ở công ty, nơi đó cho bạn những gì bạn cần, nếu nhảy việc mà cảm thấy ở đó cho bạn cơ hội lớn hơn thì nên nắm bắt nó.
- Kinh nghiệm hay tiền bạc – đâu mới là mục tiêu các bạn trẻ nên đặt ra khi mới đi làm?
- Thực ra năm 20 tuổi mình không nghĩ gì nhiều. Mỗi một thời điểm mình sẽ cân nhắc những cơ hội mà mình có, và đi theo cơ hội nào mình cảm thấy là đúng.
Năm thứ 3, trước khi thực tập ở Sing, mình có nộp đơn xin thực tập ở 1 số tập đoàn khác. Khi ấy mình đặt mọi thứ lên bàn cân, lập bảng so sánh mức lương, mức độ thăng tiến, tầm ảnh hưởng của công việc... và tổng hợp lại. Cái gì rõ ràng ưu thế thì mình sẽ thực hiện.
Một điều nữa là cứ thử! Mình khác với những người khác là không hề ngại điều gì. Một khi xác định phải chăm là mình sẽ rất chăm chỉ. Sẽ có một thời điểm sau khi đã thử rất nhiều thứ, bạn sẽ biết cái mà mình cần.
- Vậy còn chuyện thực tập, khi một bộ phận không hề nhỏ sinh viên nghĩ thực tập chỉ là đi cho có, ngồi đó người ta cũng có hướng dẫn gì đâu hay thực tập là pha trà, rót nước, sai cái gì làm cái nấy. Anh có lời khuyên gì để các bạn sinh viên có thể bớt thụ động và có một kỳ thực tập đem lại nhiều giá trị thiết thực hơn không?
- Hãy tìm những cơ hội tốt nhất. Nếu mình là những bạn đó, mình sẽ tìm tất cả những cơ hội có thể có, tập hợp lại và tìm hiểu hết tất cả mọi thông tin. Và đừng dừng lại ở Việt Nam!
Cũng đừng phí thời gian cho những thứ không giúp gì cho mình. Mình đã từng có thời gian thực tập ở 1 công ty trong nước, ngày đầu tiên mình được dạy pha cafe bằng máy, mình rất thích. Nhưng 5 ngày sau mình lại đi pha cafe suốt luôn... Lúc đó mình đi thực tập không có lương nhưng vấn rất cố gắng. Khi ấy mình mới nghĩ là tại sao lại phí thời gian ở một công ty dù mình có làm tốt đi nữa mà không học được gì, không được hưởng những thứ mình xứng đáng?
- Nhiều sinh viên khi mới ra trường rất băn khoăn về mức lương khởi điểm. Liệu họ có nên đặt ra một cái mức nào đó cho những công việc đầu tiên mình sẽ làm?
- Mình nghĩ chuyện này không quan trọng, trong 1-2 năm đầu, cái quan trọng là tìm một công việc tốt để có thể học được nhiều, đó là công việc bạn muốn làm và mỗi ngày thực sự muốn đi làm. Mong muốn có một nguồn tài chính ổn định sẽ chỉ có từ năm thứ 3 trở đi thôi. Khi chọn đúng cơ hội với công việc mình thích, đến năm thứ 3 mình nghĩ tài chính sẽ tới. Chuyện đặt mức lương thì không nên, bạn sẽ bị giới hạn những cơ hội mình có. Đâu phải công việc tốt nào cũng xuất phát điểm là lương cao.
- Anh có hài lòng về những gì mình đang có và mình đã làm được?
- Chưa. Mỗi 1 năm mình có một mục tiêu khác, và mình thấy chưa đủ. Nếu hỏi mình có dừng lại ở đây không thì chắc chắn là không, mình mới 28 tuổi thôi.
- Có những người thành công sớm, khi đã cảm thấy đủ rồi, họ thường muốn dừng lại. Nhưng với anh thì khác, có vẻ như một nguồn năng lượng rất tích cực lúc nào cũng tràn đầy trong anh. Làm thế nào để anh giữ được nguồn cảm hứng này vậy?
- Có những thời điểm mình muốn nghỉ ngơi. Nhưng bây giờ mỗi lần có cảm giác như vậy mình lại nhận ra: "những lần thấy mình cảm thấy công việc đang đi lên thì thực ra nó đang đi xuống. Lúc đó mình sẽ đặt ra mục tiêu khác - mục tiêu không dễ để đạt được, phải làm việc chăm chỉ để đạt được."
Cảm ơn anh về những chia sẻ rất hay này!
No comments