Breaking News

BẠN LÀ CHỦ NHÂN HAY NÔ LỆ CỦA TIỀN BẠC?


Tiền bạc như một tên nô lệ khôn ngoan, xảo quyệt, luôn luôn đẩy bạn vào thế theo đuổi nó. Khi bạn đã giữ được nó trong tay, bạn bắt nó làm việc, phục tùng bạn. Một ngày nọ, bạn bị nó mê hoặc, bạn chạy theo nó, làm theo tất cả những yêu sách của nó, thì lúc đó, bạn đã trở thành nô lệ của nó lúc nào không hay biết.
Tôi nghĩ, ranh giới giữa vai trò chủ nhân và nô lệ của tiền bạc rất mong manh, có thể bước qua lằn ranh đó bất cứ khi nào.
Chẳng hạn, người hàng xóm của bạn là chủ một doanh nghiệp lớn. Anh ta có trong tay rất nhiều tiền. Anh ta dùng số tiền đó để thỏa mãn những nhu cầu xa xỉ nhất của cá nhân.
Nhưng, anh ta không bao giờ rời khỏi việc để mình cuốn theo vòng xoáy của tiền bạc. Vì tiền, anh ta không từ bất kỳ thủ đoạn nào, kể cả phạm pháp, bội tín, đánh đổi.

Lúc này, anh ta có còn là chủ của tiền bạc nữa hay không?
Tiền bạc của anh ta lúc này mới thực sự là chủ. Anh ta đã trở thành một tên nô lệ của tiền. Tiền buộc anh ta phải làm theo những gì nó muốn.
Nhiều người nói rằng nếu trở thành nô lệ của bất cứ ai, thứ gì, thì có thể họ sẽ đấu tranh để giải phóng chính mình. Nhưng nếu là nô lệ của ái tình hay tiền bạc thì lại là việc tốt. Suy cho cùng, ái tình và tiền bạc là những thứ con người luôn khao khát, giống như hoàng đế ngự trên ngôi cao chín tầng vậy, thì việc phục tùng ái tình và tiền bạc như trung thần phục tùng hoàng đế, là một vinh hạnh lớn. Tại sao phải từ chối? Tại sao phải tự giải phóng mình?

Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
Tôi không nghĩ như vậy. Mục đích sống của chúng ta là hướng đến thành công và hạnh phúc. Nhưng ta phải là chủ nhân của chính mình. Không những thế, ta không bao giờ cho phép mình được trở thành nô lệ của bất cứ thứ gì, vì bất cứ lý do gì.
Không phải là nô lệ của tiền bạc, nhưng không có nghĩa là bạn coi nhẹ tiền bạc. Khi bạn coi nhẹ tiền bạc, tiền bạc cũng không coi trọng bạn. Nó sẽ bỏ đi.
Bạn cần coi trọng tiền bạc. Việc này giống như bạn đối đãi trọng thị với ai đó, người đó hướng về phía bạn. Chỉ đơn giản thế.
Mr.Why