BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ CỦA HIÊP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM
Tổng kết thị trường bảo hiểm năm 2016 và dự báo 2017
Năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, kinh tế phục hồi nhưng chưa vững chắc, ảnh hưởng tiêu cực từ sự biến động phức tạp của thị trường tài chính thế giới. GDP tăng trưởng không như mục tiêu, ước chỉ đạt 6,21% so với 2015.
Trong bối cảnh đó, với công tác chỉ đạo, quản lý, giám sát của Bộ tài chính (Cục QLGSBH) một cách hiệu quả, sự nỗ lực vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội của các DNBH, thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển, và đạt được những thành tích đáng khích lệ.
1.Ngành bảo hiểm tiếp tục có một năm phát triển ấn tượng, khẳng định vai trò là ấm lá chắn vững chắc và là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả của nền kinh tế
Tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 87.563 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 24%, trong đó bảo hiểm nhân thọ đạt 50.365 tỷ đồng tăng trưởng 37%, phi nhân thọ đạt 37.197 tỷ đồng, tăng trưởng 15%. Tổng dự phòng nghiệp vụ đạt 233.651 tỷ đồng.
Tổng bồi thường và trả tiền bảo hiểm đã thực hiện 26.091 tỷ đồng (trong đó phi nhân thọ 13.232 tỷ đồng, nhân thọ 12.859 tỷ đồng), tăng 9%.
Nguồn nhân lực ngành bảo hiểm 27.000 cán bộ tăng 8%, 542.000 đại lý tăng 20%.
Tổng tài sản toàn thị trường năm 2016 ước đạt 243.454 tỷ đồng (trong đó phi nhân thọ 64.591 tỷ đồng, nhân thọ 178.863 tỷ đồng) tăng 19% so với năm 2015.
Vốn chủ sở hữu toàn thị trường ước đạt 50.435 tỷ đồng (trong đó phi nhân thọ 21.937 tỷ đồng, nhân thọ 28.498 tỷ đồng), tăng 15% so với năm 2015.
Ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2015, với tỷ lệ khoảng 75% là đầu tư dài hạn.
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ duy trì mức tăng trưởng ổn định; công tác quản trị doanh nghiệp được cải thiện, giảm tình trạng nợ đọng phí BH. Doanh thu ước đạt 37.197 tỷ đồng, tăng trưởng 15%. Dẫn đầu doanh thu khai thác (ước đạt) là PVI 6.698 tỷ đồng, Bảo Việt 6.551 tỷ đồng, Bảo Minh 3.489 tỷ đồng, PTI 3.096 tỷ đồng, PJICO 2.450 tỷ đồng, VASS 1.876 tỷ đồng, MIC 1.741 tỷ đồng, BIC 1.473 tỷ đồng.
Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất, với doanh thu ước đạt 11.994 tỷ đồng (trong đó bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới 3.033 tỷ đồng), tăng 23%, chiếm tỷ trọng 32%. Tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe ước đạt 9.616 tỷ đồng, tăng trưởng 26%, chiếm 25%. Như vậy có thể thấy trong năm 2016, các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ cho khách hàng cá nhân được các doanh nghiệp tập trung phát triển hơn (năm 2015 bảo hiểm xe cơ giới và sức khỏe lần lượt chiếm tỷ trọng là 30% và 23%). Bảo hiểm tài sản và thiệt hại ước đạt 4.551 tỷ đồng (trong đó bảo hiểm xây dựng lắp đặt 1.733 tỷ đồng), giảm 23%, chiếm tỷ trọng 12%. Bảo hiểm cháy nổ ước đạt 4.364 tỷ đồng (trong đó bảo hiểm cháy nổ bắt buộc 1.829 tỷ đồng), tăng trưởng 50%, chiếm tỷ trọng 11%. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển ước đạt 2.248 tỷ đồng, giảm 2%, chiếm tỷ trọng 6%. Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm chủ tàu ước đạt 2.248 tỷ đồng, tăng trưởng 9%, chiếm tỷ trọng 6%.
Tổng số tiền bồi thường đã chi trả 13.232 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 36% chưa kể tổn thất đã xảy ra đang giải quyết bồi thường.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao (khoảng 37,37%). Tổng doanh thu ước đạt 50.365 tỷ đồng, tăng trưởng 37%. Dẫn đầu là Prudential 13.531 tỷ đồng, Bảo Việt 13.453 tỷ đồng, Manulife 6.122 tỷ đồng, Dai-ichi 5.200 tỷ đồng, AIA 4.708 tỷ đồng. Tổng số hợp đồng bảo hiểm sản phẩm chính có hiệu lực đến cuối kỳ là 6.383.085, giảm 3%, dẫn đầu là Bảo Việt 1.820.420, Prudential 1.767.067, Manulife 704.277, AIA 526.443, Dai-ichi 487.719 hợp đồng.
Số lượng đại lý có mặt cuối kỳ là 476.948 người, tăng 17%, dẫn đầu là Prudential 187.168, Bảo Việt 113.974, Dai-ichi 64.821, AIA 29.737, Hanwha 28.290 người.
Tổng đầu tư vào nền kinh tế quốc dân ước đạt 136.778 tỷ đồng, tăng 14%, trong đó dẫn đầu là Prudential 51.962 tỷ đồng, Bảo Việt 29.744 tỷ đồng, Manulife 14.742 tỷ đồng, Dai-ichi 8.955 tỷ đồng, AIA 8.822 tỷ đồng.
Tổng số tiền bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 1.498.574 tỷ đồng, tăng 18%. Tổng chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2016 ước đạt 12.858 tỷ đồng, tăng 45%.
2.Chế độ quản lý Nhà nước được tăng cường, môi trường pháp lý được cải thiện
-Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm. Nghị định 73 đã thay thế cả 3 Nghị định trước đây là 45, 46 và 123. Nghị định này tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, tháo gỡ những vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai áp dụng.
-Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BTC quy định Quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Thông tư này đơn giản hoá thủ tục bồi thường, nâng mức trách nhiệm và mức phí bảo hiểm để phù hợp hơn với thực tế.
-Bộ tài chính ban hành Thông tư số 43/2016/TT-BTC sửa đổi bổ sung Thông tư số 116/2014/TT-BTC về bảo hiểm thuỷ sản, đã giảm thời gian đối chiếu số liệu định kỳ giữa các DNBH đồng bảo hiểm thuỷ sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
- Bộ tài chính ban hành Thông tư số 52/2016/TT-BTC thay thế Quyết định số 96/2007/QĐ-BTC về hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung. Thông tư này giảm quy định về điều kiện đối với đại lý bán sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, hướng dẫn cụ thể hơn về dự phòng nghiệp vụ, tạo điều kiện cho DNBH tăng khả năng tiếp cận với khách hàng.
-Bộ tài chính ban hành Thông tư số 329/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các đối tượng tham gia bảo hiểm xây dựng bắt buộc.
- Bộ tài chính ban hành Thông tư số 105/2016/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, đã hướng dẫn cho các DNBH trong việc thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
3. Những nét chính, sự kiện nổi bật của thị trường bảo hiểm năm 2016
Về thị trường:
-Trong năm 2016 có thêm 1 DNBH tham gia thị trường (công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ MB AGEAS). Các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) của những tập đoàn bảo hiểm nước ngoài và các DNBH trong nước dẫn đến sự thay đổi tên, chủ sở hữu và cơ cấu sở hữu của các DNBH hoạt động tại Việt Nam. Điển hình là việc tập đoàn bảo hiểm ACE và tập đoàn bảo hiểm Chubb sáp nhập, dẫn đến việc công ty BH nhân thọ ACE Life Việt Nam đồi tên thành công ty BH nhân thọ Chubb Life Việt Nam; tập đoàn FWD – doanh nghiệp bảo hiểm thuộc Tập đoàn Pacific Century mua lại công ty BH nhân thọ Great Eastern Việt Nam và đổi tên thành công ty BH nhân thọ FWD; tập đoàn bảo hiểm Sun Life mua lại phần vốn góp của Tổng công ty bảo hiểm PVI trong liên doanh BH nhân thọ PVI Sun Life và đổi tên PVI Sun Life thành công ty BH nhân thọ Sun Life; Tổng công ty CPBH Bảo Minh bán toàn bộ 4.445.280 cổ phiếu (tương đương 5,53% vốn điều lệ) của Tổng công ty CPBH Bưu điện (PTI)…
-Năm 2016 đánh dấu 20 năm thành lập và phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam (tính từ ngày Bộ tài chính ban hành Quyết định số 568/QĐ/TCCB ngày 22/6/1996 cho phép thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên).
- Tình hình thiên tai năm 2016 diễn biến phức tạp, gây thiệt hai tài sản, con người ảnh đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm: Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hạn hán đã xảy ra trên cả nước và kéo dài từ cuối năm 2015 đến đầu 2016, đặc biệt nghiêm trọng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ; hiện tượng xâp nhập mặn ở các tỉnh ven biển miền Nam; Mưa đặc biệt lớn tại Quảng Ninh, Trung Bộ với tổng lượng mưa cao dẫn đến tình trạng lũ lụt liên tục (lũ chồng lũ) ở nhiều tỉnh; Tình trạng mưa lớn, kết hợp triều cường gây ngập nặng ở nhiều đô thị lớn như TP.HCM,..gây nhiều thiệt hại về tài sản, xe cộ, công trình giao thông.
-Năm 2016 xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho xã hội, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của DNBH. Các vụ cháy xảy ra ở nhiều ngành nghề từ sản xuất đến dịch vụ, nhiều đối tượng tài sản, ở nhiều địa phương
- Trục lợi bảo hiểm vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục là vấn đề gây lo ngại đối với ngành bảo hiểm. Vụ việc điển hình trong năm 2016 là việc khách hàng bảo hiểm nhân thọ thuê người chặt tay, chân để đòi bồi thường bảo hiểm 3,5 tỷ đồng bị phát hiện gây rung động dư luận xã hội cả trong và ngoài nước.
-Năm 2016, sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Các doanh nghiệp khối nhân thọ liên tiếp cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm bênh hiểm nghèo với danh sách các bệnh mở rộng hơn đồng thời phát triển thêm các sản phẩm cho sản phẩm chính nhằm cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất. Các Doanh nghiệp khối phi nhân thọ thắt chặt quản lý, tăng cường công tác giám định nhằm quản lý tốt hơn trình trạng trục lợi bảo hiểm sức khỏe.
-Năm 2016 là năm kết thúc chương trình triển khai thí điểm bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Theo số liệu thống kế, sau 2 năm thực hiện Nghị định 67 đã đạt được kết quả khả quan thu hút sự tham gia của bà con ngư dân tại 28 tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước. Các DNBH được Chính Phủ lựa chọn thực hiện chương trình thí điểm bảo hiểm tàu cá (Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, PVI) và Tổng công ty CP TBH Vina Re – công ty TBH được chỉ định để phối hợp thu xếp tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm cho các DNBH trong nước – đã thực hiện tốt chủ trương lớn của Nhà nước, với việc bảo hiểm cho trên 15.000 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên và khoảng 150.000 thuyền viên, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách:
Trong năm 2016, một loạt văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo hiểm được ban hành, trong đó quan trọng nhất là Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, tháo gỡ nhiều vướng mắc cho DNBH.
4.Dự báo thị trường bảo hiểm năm 2017
Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng dự kiến sẽ tiếp tục khởi sắc khi đạt được độ trễ để các văn bản mới ban hành phát huy được những ưu điểm, kích thích sự tăng trưởng của thị trường. Việt Nam đang thực hiện những hiệp định thương mại với các đối tác và đang cắt giảm dần một số loại thuế quan, điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy hàng hóa và dịch vụ phát triển mạnh.
GDP phấn đấu quay trở lại mức 6.7%, các chính sách của Chính phủ vẫn tập trung ưu tiên cho phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ Tài chính, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm vẫn sẽ sát sao, đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý để thị trường bảo hiểm phát triển.
Năm 2017, cơ quan quản lý Nhà nước đang nghiên cứu, xây dựng chính sách để phát triển hơn nữa một số sản phẩm bảo hiểm:
- Dự thảo luật quản lý, sử dụng tài sản công đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến cũng đưa vào trong Luật 01 nội dung về bảo hiểm cho tài sản công của Nhà nước có nguy cơ rủi ro do thiên tai, địch họa và nguyên nhân bất khả kháng khác
- Bộ Tài chính đang tổ chức nghiên cứu và trình Chính phủ đề án xây dựng Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp.Sau giai đoạn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp 2011 – 2013 với chỉ 03 doanh nghiệp tham gia là Bảo Việt, Bảo Minh, Vinare, đề án mới này dự kiến sẽ mở rộng đối tượng là các doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính cấp phép triển khai bảo hiểm nông nghiệp. Dự kiến mức hỗ trợ của Nhà nước về phí bảo hiểm cho các hộ nghèo, cận nghèo là trên 2.000 tỷ đồng/năm.
- Bộ Tài chính đang nghiên cứu trình Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn triển khai bảo hiểm vi mô
Một số văn bản dự kiến cũng sẽ được ban hành trong năm 2017:
- Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.
- Nghị định thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: dự kiến sẽ sửa đổi các quy định phù hợp hơn với thực tiễn, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác về cháy, nổ.
- Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 220/2010/TT-BTC về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về cháy nổ bắt buộc).
- Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Với những yếu tố thuận lợi phân tích ở trên, cùng với sự nỗ lực của các DNBH, dự đoán năm 2017 thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao (dự kiến khoảng 35% - 37%), bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng mức 15%- 18%./.
No comments