4 bài học đắt giá của một người từng lạc lối trong sự nghiệp
Tôi đã từng là một người trẻ tuổi, lạc lối trong tư duy, không ngừng ca thán và vất vả tìm lại mình. Qua những ngày tháng gian khổ, tôi đã nghiệm ra được 4 bài học mà có lẽ sẽ hữu ích cho những ai đã một lần trải qua khoản thời gian mất phương hướng trong sự nghiệp.
Bài học đầu tiên: Đừng để ấn tượng đầu tiên đánh lừa.
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày tháng Năm nắng đổ lửa của ba năm trước. Khi ấy, 9h sáng, trong căn phòng cách âm rộng gấp bốn lần căn trọ của tôi. Máy lạnh thở phà phà. Một trong bốn bức tường căng tấm rèm dày màu lục, tiệp tuyệt đối với màu của tấm thảm lông phủ kín sàn của căn phòng. Một vài máy móc, thiết bị mới cứng. Một cái bàn gỗ ép giữa phòng và hai cái ghế, một cái dành cho tôi, trong lần phỏng vấn đầu tiên.
Sự hào nhoáng của căn phòng cũng như những người nhân viên trong đó đã khiến một đứa vừa bỡ ngỡ rời khỏi trường đại học ngay lập tức hạ quyết tâm: mình sẽ phải được làm việc tại đây. Tôi đã vội vàng quyết định và không nghĩ đến tôi của một hay hai năm sau.
Sau một năm làm việc, tôi bắt đầu thấy mình không còn có thể học thêm được gì từ công việc này. Nhân viên ngày càng ít. Số người xin nghỉ việc trong năm thứ hai nhiều không hình dung được. Một vài người ở lại (chủ yếu đồng trang lứa với nhau) đều ngầm hiểu vấn đề, nhưng cứ chần chừ mãi, mong sẽ có ngày mọi chuyện ổn định như xưa. Cũng bởi vì ấn tượng đầu tiên về công việc có được ngay khi vừa tốt nghiệp, tôi đã mãi chần chừ không đi tìm một hướng đi mới cho bản thân mình vào thời điểm đó.
Bài học thứ hai: Hãy đón lấy thử thách mới
Năm thứ ba, tôi bắt đầu đi làm theo một thói quen, không liều lĩnh, không khám phá, mặc dù lúc đó chỉ vừa bước qua tuổi 24. “Công việc này sẽ giúp mình sống qua ngày”, tôi luôn tự nhủ, “mọi thứ vẫn ổn, có tiền hàng tháng nghĩa là mọi thứ vẫn ổn”.
Nhìn lại mới thấy suy nghĩ lúc đó của mình chưa thật sự chin chắn. Trước năm 35 tuổi, hãy mạnh dạn đón nhận những thử thách mới. Có những thứ không thể nán lại và chờ đợi bạn. Thời gian mang cơ hội đến nhưng cũng mang nó đi rất nhanh. Vươn tay ra hay cứ ngẩn ngơ đứng nhìn? Hãy lựa chọn một cách khôn ngoan. Tôi đã chọn “ngẩn ngơ đứng nhìn”, và có lẽ lựa chọn của tôi-trong-quá-khứ đó không phải là những gì tôi bây giờ thực sự mong muốn.
Bài học thứ ba: Hãy giao lưu nhiều hơn để có động lực thúc đẩy bản thân
Có một người bạn từng nói rằng: “Bạn sẽ sống mòn trong thất bại của mình cho đến khi nhận thấy thành công của người khác”.
Tôi bắt đầu rảnh rang hơn và có thời gian nghiên cứu sách báo. Tôi học tiếng Anh những lúc có thể. Tôi giữ liên lạc và trò chuyện thường xuyên hơn với một vài đứa bạn “thành công” để cập nhật xu thế và nghe những câu hay ho hơn là than vãn cuối tháng hết tiền của những đứa còn lại. Và chuyện gì đến cũng đến. Cuối năm làm việc thứ ba, tôi nộp đơn xin nghỉ việc, chấm dứt công việc có lĩnh lương đầu tiên của tuổi trẻ.
Bài học thứ tư: Không có thành công nào là muộn màng
Sau khi nghỉ việc, tôi lập tức lao vào tìm cho mình một hướng đi và cứ thế mà đi thôi. Lời khuyên của tôi là hãy nhớ tích lũy cho bản thân ít vốn sống và ít hiện kim trong ngân hàng đã nhé. Có thể khi mình bắt đầu đi trên một con đường thì đứa bạn cùng lớp năm nào đã đi được một quãng rất xa, cũng trên con đường đó. Nhưng vô tư đi, mọi chuyện chưa bao giờ là muộn.
– Chia sẻ từ độc giả Lê Thị Tường Vi –
No comments