Thêm doanh nghiệp bảo hiểm hướng đến mô hình tập đoàn
Một trong những kế hoạch lớn mà Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) sẽ trình ĐHCĐ tới đây là chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ-con. Sau khi hoàn tất, BIC sẽ là DNBH phi nhân thọ thứ 3 hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính-bảo hiểm tại Việt Nam, bên cạnh Bảo Việt và PVI.
Sắp tới đây, BIC sẽ hoạt động theo mô hình Holdings
Kế hoạch trên không mới, được BIC nhen nhóm từ cách đây 4 năm (từ năm 2012, lúc đó vốn điều lệ chỉ 660 tỷ đồng), nhưng chưa thực hiện được bởi nhiều lý do. Hiện là thời điểm chín muồi để BIC hiện thực hóa kế hoạch này, với hướng đi cụ thể.
Theo ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT BIC, sau 10 năm hoạt động, BIC không ngừng tăng trưởng về quy mô doanh thu, thị phần, vốn chủ sở hữu (khoảng 2.000 tỷ đồng) và tổng tài sản. BIC là 1 trong 3 DNBH có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, thuộc nhóm 5 DNBH phi nhân thọ có tỷ suất sinh lời cao nhất thị trường.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BIC trải rộng tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. BIC hiện nắm cổ phần chi phối 65% tại LVI (Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt), quản lý toàn diện hoạt động tại CVI (Liên doanh Bảo hiểm Campuchia) và sẽ hoàn tất sở hữu 51% vốn điều lệ của CVI trong năm 2016 này. BIC cũng đã mở văn phòng đại diện tại Myanmar và đang sở hữu 5% vốn điều lệ tại Liên doanh BIDV-Metlife.
Với định hướng phát triển sắp tới, theo ông Tùng, nếu vẫn tiếp tục duy trì mô hình hoạt động như hiện tại sẽ bộc lộ những hạn chế, nhất là về hiệu quả đầu tư.
“Mô hình hiện tại sẽ khiến hiệu quả đầu tư chưa cao do nguồn lực phân tán, trong khi hoạt động này vẫn phải đảm bảo theo các nguyên tắc an toàn, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư của các DN kinh doanh bảo hiểm, dẫn đến tập trung đầu tư vào danh mục an toàn, nhưng tỷ suất sinh lời lại thấp”, ông Tùng cho biết.
BIDV hiện là cổ đông nắm quyền chi phối tại BIC với tỷ lệ sở hữu 51% và xác định, bảo hiểm là một trong những lĩnh vực chủ chốt, đầu tư lâu dài.
Tương tự, tại bản báo cáo chiến lược về kế hoạch kinh doanh từ nay đến năm 2020, lãnh đạo Bảo Minh cũng thừa nhận những hạn chế do thiếu sức mạnh của một tập đoàn tài chính, khi Bảo Minh hiện là một công ty bảo hiểm hoạt động độc lập, nguồn vốn chủ yếu được dùng cho đầu tư là từ quỹ dự phòng nghiệp vụ và vốn chủ sở hữu. Trong đó, nguồn thứ nhất thường được đầu tư cho các sản phẩm đầu tư ngắn hạn và có tính thanh khoản cao, có thể hạn chế các cơ hội đầu tư của Bảo Minh.
Trong lĩnh vực bảo hiểm, đã có 2 DN thực hiện chuyển đổi và hiện đều là 2 DNBH đứng đầu thị trường, đó là Bảo Việt và PVI.
Lãnh đạo Bảo Minh đánh giá rằng, Bảo Việt, trong vai trò một tập đoàn tài chính-bảo hiểm, với nguồn vốn dồi dào, lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với Bảo Minh; hoạt động đầu tư cũng nhiều lợi thế hơn nhờ quy mô DN lớn.
Thời gian qua, tại Việt Nam, nhiều DN đã triển khai tái cơ cấu DN thành công theo mô hình công ty mẹ-con. Trong lĩnh vực bảo hiểm, đã có 2 DN thực hiện chuyển đổi và hiện đều là 2 DNBH đứng đầu thị trường, đó là Bảo Việt và PVI.
Sau gần 10 năm tái cấu trúc theo mô hình công ty mẹ con, Bảo Việt đang tự tin trên con đường chinh phục mốc 1 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2016 này. Còn PVI sau 5 năm chuyển đổi, cũng đặt kế hoạch cán mốc 10.000 tỷ đồng doanh thu trong năm nay.
Trở lại với BIC, kế hoạch chuyển đổi mô hình cũng sẽ theo hướng tương tự Bảo Việt và PVI. Theo đó, BIC sẽ chuyển đổi thành CTCP và là công ty mẹ (BIC Holdings), còn toàn bộ hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ của BIC tại Việt Nam sẽ chuyển giao cho công ty bảo hiểm phi nhân thọ (công ty con) được thành lập mới dưới hình thức Công ty TNHH MTV theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Công ty mẹ BIC sẽ kế thừa, sở hữu 100% vốn của BIC hiện nay và toàn bộ các khoản vốn góp, danh mục đầu tư (tại LVI, CVI, BIDV Metlife...). Cổ phiếu BIC Holdings vẫn sẽ niêm yết tại HOSE như hiện nay.
Tất nhiên, sẽ chẳng có mô hình nào là hoàn hảo, thậm chí có ý kiến cho rằng, mô hình thế nào không quan trọng, miễn là hoạt động hiệu quả, gia tăng lợi ích cho công ty và cổ đông. Tuy nhiên, với góc độ nhà hoạch định chiến lược, việc tiến tới mô hình tập đoàn nói chung, tập đoàn tài chính-bảo hiểm nói riêng, sẽ khiến chuyện hút vốn ngoại trở nên thuận lợi hơn, cùng với đó là nâng cao được năng lực cạnh tranh, phù hợp với xu hướng của thị trường và xu thế phát triển trong quản trị DN.
Không phải ngẫu nhiên, sau tái cấu trúc, Bảo Việt đã tăng cả về giá trị DN và độ độ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại và từng có được cổ đông chiến lược nước ngoài lớn như HSBC, nay là Sumitomo Life. Còn PVI cũng huy động thêm dòng vốn ngoại lớn với những đối tác như Oman, Talanx, Sun Life.
No comments