10 sự kiện nổi bật của ngành bảo hiểm năm 2015
1: Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đã có sự tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2015. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 36.600 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với năm 2014, cao nhất trong 10 năm qua. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.500 tỷ đồng, tăng trưởng 15%, cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt, năm 2015 cũng là năm đánh dấu hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ có lãi từ nghiệp vụ, nhờ quy định không cho nợ đọng dây dưa phí bảo hiểm.
2: Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tiến hành Đại hội nhiệm kỳ IV (2015-2020). Đại hội đã thông qua việc sửa đổi Điều lệ hoạt động Hội, bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra và đề ra phương hướng nội dung chương trình hoạt động của nhiệm kỳ mới.
3: Quốc hội thông qua một số luật, bộ luật, tạo thuận lợi cho phát triển thị trường bảo hiểm. Cụ thể, Bộ luật Dân sự đã bỏ chương Hợp đồng bảo hiểm, Bộ luật Hình sự có thêm tội danh và xử lý gian lận bảo hiểm; Bộ luật Hàng hải liên quan đến bảo hiểm tàu, hàng hóa vận chuyển và trách nhiệm dân sự chủ tàu; Luật Thống kê liên quan đến cung cấp thông tin; Luật sửa đổi bổ sung các luật thuế nâng mức khấu trừ thu nhập hoa hồng đại lý lên 150 triệu đồng/năm.
4: Bộ Tài chính ban hành và phê chuẩn các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ tạo thuận lợi để doanh nghiệp bảo hiểm triển khai: Bộ Tài chính phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô của từng doanh nghiệp bảo hiểm. Bộ Tài chính trình Chính phủ Nghị định về bảo hiểm trong hoạt động đầu tư xây dựng và chuẩn bị ban hành Thông tư quy định quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm bắt buộc công trình xây dựng, trách nhiệm tư vấn khảo sát thiết kế và bảo hiểm tai nạn người lao động trên công trường. Bộ Tài chính chuẩn bị ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 126 và 103; trong đó, nâng mức trách nhiệm bảo hiểm lên 100 triệu đồng, nâng mức hỗ trợ nhân đạo lên 30 triệu đồng để phù hợp với nhu cầu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
5: Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO, PVI triển khai bảo hiểm thân tàu và trang thiết bị, thuyền viên khai thác thủy sản xa bờ theo Nghị định 67/2014 cùng với nhà tái bảo hiểm Vinare thực hiện chính sách phát triển khai thác thủy sản của Nhà nước và bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
6: Lần đầu tiên, các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia mua trái phiếu Chính phủ thời hạn 20 năm với giá trị lớn. Dẫn đầu là Prudential, với lượng trái phiếu mua vào trị giá 3.200 tỷ đồng. Bảo hiểm đã thể hiện thêm vai trò là công cụ của Nhà nước để huy động nguồn vốn trung và dài hạn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2015, tổng đầu tư toàn ngành vào nền kinh tế quốc dân đạt 152.000 tỷ đồng.
7: Năm 2015 cũng là năm đánh dấu sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) với Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Cục Cảnh sát giao thông, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhằm thực hiện tốt hơn chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
8: Chuyển dịch cơ cấu vốn cổ phần của các nhà đầu tư trên thị trường bảo hiểm diễn ra sôi động: Dongbu Hàn Quốc mua 30 triệu cổ phiếu PTI trị giá 1.077 tỷ đồng, Fairfax Canada mua hơn 41 triệu cổ phiếu BIC (chiếm 35%), Sunlife Canada đưa tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 49% lên 75% tại PVI Sunlife… Chính phủ có quyết định thoái 100% vốn Nhà nước tại Bảo Minh và Vinare.
9: Bộ Tài chính đang tiến hành soạn thảo và xin ý kiến xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và xây dựng các điều kiện kinh doanh trong ngành nghề kinh doanh bảo hiểm, gồm: bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và đào tạo đại lý bảo hiểm.
10: Các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc đánh giá những thách thức, đồng thời phấn khởi chuẩn bị đón bắt các cơ hội phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc.
No comments