Bảo hiểm nhân thọ viết tiếp câu chuyện “thần tiên”
Đi lại như con thoi làm việc với các đại lý bảo hiểm trong khu vực mình phụ trách để “chạy đua nước rút” kế hoạch doanh số cuối năm. Cô cho biết, năm nay, đội hình ra quân sớm ngay từ đầu năm nên giờ chỉ đôn đốc để đại lý vượt chỉ tiêu doanh thu được giao với kết quả tốt nhất. Vượt doanh thu đồng nghĩa với việc sẽ được nhận khoản thưởng lớn.
Không còn “tháng ăn chơi”
Những tháng cuối năm vốn được coi là mùa kinh doanh sôi động của các doanh nghiệp bảo hiểm, bởi sau đó sẽ bước vào tháng Giêng -Tháng ăn chơi”. Quy luật này đã tồn tại nhiều năm trước, nhưng gần đây đang có sự thay đổi.
Giai đoạn kinh tế suy thoái vừa qua, trước việc phát triển hợp đồng mới gặp nhiều khó khăn, nhiều công ty bảo hiểm đã “ra quân” ngay từ những tháng đầu năm, chứ không “nghỉ ngơi” như thông lệ. Thay đổi này cùng với việc tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã giúp các công ty bảo hiểm nhân thọ sớm hưởng thụ một mùa “quả ngọt”.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ, dù đã dự đoán phần nào về sự phục hồi của thị trường bảo hiểm sau đợt bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, nhưng nhìn chung kết quả kinh doanh trong những tháng đầu năm 2015, đặc biệt là trong quý II vẫn tốt hơn mong đợi của doanh nghiệp.
“Có tháng trong quý II, doanh thu phí khai thác mới của chúng tôi đạt 190% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu khai thác mới cũng như tổng doanh thu so với cùng kỳ năm trước tăng trưởng rất tốt và vượt xa kế hoạch dự tính từ đầu năm”, vị đại diện trên cho biết.
Trao đổi với ĐTCK về con số tăng trưởng rất ấn tượng của thị trường từ đầu năm tới nay, một chuyên gia trong ngành cho rằng, doanh thu phí khai thác mới của khối nhân thọ bùng nổ ngay trong những tháng đầu năm là kết quả của công cuộc mở rộng mạng lưới phân phối bảo hiểm từ thời gian trước đó. Trải qua thời kỳ đầu khó khăn khi mới đi vào hoạt động, các kênh phân phối mới mở đã đi vào hoạt động ổn định và bắt có doanh thu khai thác.
Ngoài ra, cũng phải nói đến một nguyên nhân khách quan rất quan trọng, là kinh tế vĩ mô đang phục hồi ổn định, người dân có nhiều khả năng hơn để tham gia các loại hình bảo hiểm. Và hơn nữa, trải qua giai đoạn khó khăn khi gặp rủi ro không được bảo vệ, ý thức về bảo hiểm của người dân cũng ngày càng nâng cao…
Việc các công ty bảo hiểm tiếp tục mở rộng văn phòng, khai thác thị trường mới, tăng tuyển dụng đại lý, tiếp cận khách hàng theo nhiều phong cách mới mẻ cũng góp phần thúc đẩy doanh thu khai thác mới. Manulife Việt Nam, AIA Việt Nam hay ACE Life... từ đầu năm đã có rất nhiều hoạt động khai phá thị trường ở tất cả các vùng miền Bắc, Trung, Nam.
Trong khi đó, các thương hiệu khác như Hanwha Life Việt Nam, Generali Việt Nam cũng liên tục bận rộn với kế hoạch “mở cõi”. Số lượng tuyển dụng tư vấn tài chính của Hanwha Life Việt Nam hàng tháng luôn đạt trên 1.000 người. Trong năm nay, Hanwha Life có kế hoạch mở rộng hệ thống mạng lưới lên đến 60 địa điểm trên cả nước.
Không chỉ tăng về số lượng hợp đồng, mà chất lượng hợp đồng khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng rất ổn định. Khách hàng VIP, những khách hàng có hợp đồng mệnh giá lớn, đóng phí cao theo năm đang tăng mạnh trong danh sách khách hàng của nhiều công ty bảo hiểm cũng là một trong nhiều nguyên nhân tạo ra sự tăng trưởng của thị trường.
Đại diện một thương hiệu bảo hiểm cho biết, công ty này đang tập trung vào nhóm khách hàng có thu nhập cao và ổn định với mức phí đóng từ 10 triệu đồng/năm trở lên. Công ty vẫn có những sản phẩm có mức phí bảo hiểm từ 7 triệu đồng/năm trở xuống, nhưng số khách mua bảo hiểm với mức này không nhiều.
"Có tháng trong quý II, doanh thu phí khai thác mới của chúng tôi đạt 190% so với cùng kỳ năm 2014" - Đại diện một doanh nghiệp.
“Những hợp đồng có mệnh giá từ 5 - 7 tỷ đồng không còn hiếm, mà ngày càng tăng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm khác cho biết.
Báo cáo tổng quan thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2015 của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, phí bảo hiểm bình quân hợp đồng khai thác mới đạt 8,53 triệu đồng/hợp đồng, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2014. Phí bình quân của một hợp đồng hỗn hợp đạt 10,14 triệu/hợp đồng, của một hợp đồng liên kết chung đạt 12,43 triệu/hợp đồng, hợp đồng tử kỳ đạt 0,7 triệu đồng/hợp đồng.
Cùng với việc tạo ra con số doanh thu đầy ấn tượng, từ đầu năm đến nay, thị trường cũng chứng kiến những thay đổi lớn của một số công ty bảo hiểm. Không chỉ những công ty bảo hiểm có thị phần lớn đang có những thay đổi lớn về chiến lược kinh doanh, tiếp tục mở rộng địa bàn như Prudential Việt Nam, Manulife Việt Nam, AIA Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam…, mà một số công ty bảo hiểm có thị phần còn nhỏ cũng có nhiều thay đổi.
Chẳng hạn như VietinAviva và Prévoir Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận và phát triển thêm kênh đại lý sau nhiều năm đi theo hướng riêng là chỉ bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng và hệ thống bưu điện.
Thực tế, để có thêm khách hàng thì ngoài việc phát triển dịch vụ, cho ra thị trường những sản phẩm đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của người dân thì việc mở rộng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm bảo hiểm là hướng đi tất yếu của các công ty bảo hiểm. Vì thế, ngoài mô hình đại lý, liên kết ngân hàng hay kênh tiếp thị trực tiếp…, thời gian tới, thị trường sẽ đón nhận thêm một số mô hình khai thác bảo hiểm mới.
Nói rộng ra toàn thị trường, theo các chuyên gia trong ngành, bảo hiểm nhân thọ đang đón chờ những cơ hội mới khi bảo hiểm đang dần trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi người dân và thị trường này sẽ còn mở rộng hơn nữa khi Việt Nam tiếp tục tham gia nhiều cộng đồng kinh tế lớn… Nhưng tất nhiên, đi cùng cơ hội sẽ là sự cạnh tranh quyết liệt. Điều đáng lo ngại nhất của thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn là câu chuyện dùng tiền “mua” nhân sự và dùng “kỹ xảo” để “kích” doanh thu khai thác mới.
No comments