Bộ Tài chính cần sớm chỉ đạo mọi DN bảo hiểm lên sàn
Đó là đề xuất của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bảo hiểm PVI tại một hội nghị về bảo hiểm mới đây.
Lợi cho cả người mua bảo hiểm
Đề xuất của ông Tuấn được hiểu là mọi DN bảo hiểm hoạt động dưới hình thức cổ phần đại chúng thì đều cần phải giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, ngoại trừ các DN bảo hiểm nhân thọ, do đa số các DN này đều là DN 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh.
Trao đổi với ĐTCK, dường như đó cũng là nguyện vọng của các DN bảo hiểm phi nhân thọ lớn đang niêm yết khác, nhằm hướng tới một sân chơi minh bạch, bình đẳng hơn trong lĩnh vực bảo hiểm.
Hiện có tổng cộng 7 DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm đang niêm yết là Tập đoàn Bảo Việt, CTCP PVI, Bảo Minh, PJICO, PTI, BIC và Vinare. Đây đều là những DN thuộc Top đầu thị trường.
Trong đó, Tập đoàn Bảo Việt (sở hữu 100% vốn tại 2 công ty thành viên là DN bảo hiểm gồm Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Việt Nhân Thọ) và CTCP PVI (có 3 DN bảo hiểm thành viên là Bảo hiểm PVI, PVI Re và PVI Sun Life).
Nói về việc “chào sàn”, CEO một DN bảo hiểm lớn thổ lộ, không phải ngẫu nhiên DN ông thuộc nhóm DN bảo hiểm tiên phong trong việc niêm yết trên sàn chứng khoán.
“Ngoài áp lực từ cổ đông lớn thì đó cũng do nhu cầu tự thân là hướng tới một môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, an toàn. Và cũng vì sự an toàn cho khách hàng, minh bạch cho cổ đông mà chúng tôi tìm đến các công ty kiểm toán thuộc Big 4 để kiểm toán tài chính cho DN mình”, một lãnh đạo DN nói và mong mỏi các DN bảo hiểm còn lại nên sớm có mặt trên sàn chứng khoán.
Một lãnh đạo DN bảo hiểm đã niêm yết khác cũng cho biết, nếu là khách hàng, ông sẽ chọn mua bảo hiểm của DN bảo hiểm đã niêm yết, trước hết bởi tính minh bạch trong hoạt động, biết rõ hơn nhà bảo hiểm mà mình đang gửi gắm niềm tin đang ở tình trạng nào.
Thực tế thời gian qua trên thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng cho thấy, dù hoạt động đầu tư của khối DN bảo hiểm được nhận định là an toàn, hiệu quả, nhưng vẫn tồn tại cạnh tranh bằng hạ phí theo kiểu hạ phí bảo hiểm dưới chuẩn, cho vay dưới chuẩn, nợ phí kéo dài, trục lợi bảo hiểm… Những tồn tại dai dẳng này đã từng khiến một số DN “lung lay” trong hoạt động, thậm chí đứng đội sổ, khiến khách hàng lo lắng, buộc Bộ Tài chính phải can thiệp.
Theo giới quan sát, mọi DN bảo hiểm, trong đó có DN đứng cuối bảng đều chịu sự quản lý của Bộ Tài chính, thậm chí là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (nếu đăng ký giao dịch trên UPCoM), nhưng nếu đã được niêm yết thì hoạt động càng công khai, minh bạch hơn.
Ngoài giá trị về mặt minh bạch thông tin cho cổ đông, cho khách hàng, đối tác thì niêm yết trên sàn chứng khoán còn là công cụ hữu hiệu để các DN huy động vốn từ các nhà đầu tư trong hay ngoài nước. Chưa kể, tại thời điểm này, lên sàn chứng khoán, với riêng DN bảo hiểm cũng được xem là động thái tích cực trong bối cảnh toàn ngành bảo hiểm đang tái cấu trúc mạnh mẽ theo chủ trương của Chính phủ.
Trong khi đó, việc đưa các ngân hàng lên sàn đã nhiều lần được Thống đốc NHNH chỉ đạo rốt ráo; coi đây là một trong những biện pháp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Chưa lên sàn, do đâu?
Ý nghĩa là thế, nhưng cho đến nay, số lượng DN bảo hiểm niêm yết chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn rất khiêm tốn so với 31 DN bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường (không tính 17 DNBH đang hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ do đa số các DN này đều là DN 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh).
Trong khi đó, một số DN bảo hiểm cổ phần phi nhân thọ khác như MIC, ABIC, Hàng Không, Bảo Long, Toàn Cầu... đã là những công ty đại chúng nhiều năm qua và trong số này cũng có DN từng đặt chủ trương lên sàn, thậm chí đã được ĐHCĐ thông qua, nhưng giờ vẫn chưa hoàn tất.
Theo ghi nhận của ĐTCK tại các DN bảo hiểm trên, hiện tại vẫn chưa có DN nào nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán. Kể từ khi BIC niêm yết vào năm 2011, cho đến nay vẫn chưa có thêm DN bảo hiểm nào trên sàn chứng khoán.
Lý do chưa lên sàn được lý giải vẫn là do nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính nói riêng còn chưa hết khó khăn. Trong khi đây đều là những DN chưa lớn, chưa lâu năm, nên nếu chỉ lên sàn để huy động vốn thì sẽ không đơn giản do chưa thực sự đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn.
Thậm chí, theo đại diện một số DN, việc lên sàn sẽ gây áp lực cho các DN bảo hiểm mới và nhỏ trong việc công khai thông tin, nhất là những thông tin gây bất lợi cho cổ đông, khách hàng, đối tác.
Với những lý do này, có thể hiểu rằng, năm 2015 sẽ rất khó có thêm DN bảo hiểm nào lên sàn niêm yết.