Breaking News

Tâm lý "sợ mất tiền" khi tham gia bảo hiểm nhân thọ

Nhiều người vẫn còn "e dè" với bảo hiểm nhân thọ cũng bởi vì tâm lý " sợ mất tiền" hay là “gửi thì dễ mà rút thì khó”... vậy vấn đề ở đây là gì? 

   
co-so-mat-tien-khi-tham-gia-bao-hiem.jpg
Tham gia bảo hiểm nhân thọ
  
Một trong những lý do khiến nhiều người dân Việt Nam vẫn còn “e dè” với bảo hiểm nhân thọ chính là vì tâm lý “sợ mất tiền”, “gửi thì dễ mà rút thì khó”. Nhân bài viết này chúng ta sẽ làm rõ một số vấn đề để giải tỏa tâm lý này.
Trước hết, chúng ta không nên so sánh việc gửi tiền vào Công ty bảo hiểm nhân thọ với việc gửi tiền tiết kiệm ở Ngân hàng, bởi hai tổ chức này sinh ra và hoạt động với hai chức năng hoàn toàn khác nhau. Ngân hàng huy động tiền nhàn rỗi ngắn hạn trong dân chúng và dùng số tiền đó để cho vay lại, rồi dùng một phần lãi từ hoạt động cho vay để trả lãi suất cho khoản tiết kiệm của bạn. Vì tiền gửi là ngắn hạn nên ngân hàng không thể đem tiền đó đi đầu tư và vì thế không thể sinh ra lợi nhuận cao.
Trong khi đó, Công ty bảo hiểm nhân thọ lại luôn huy động vốn dài hạn. Từ nguồn vốn này, ngoài việc đầu tư vào Trái phiếu Chính phủ theo quy định, Công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ mang đi đầu tư vào các dự án lớn của Nhà nước, các dự án này đều lâu dài và thường mang lại lợi nhuận cao hơn so với việc cho vay của ngân hàng. Mặt khác, khi bạn mang tiền gửi vào Công ty bảo hiểm nhân thọ nghĩa là bạn đang mua dịch vụ bảo hiểm, do đó bạn sẽ phải mất một ít chi phí cho dịch vụ này trong những năm đầu, chi phí này bao gồm chi phí rủi ro và một vài chi phí khác do Công ty quy định.
Đó là lý do tại sao nếu bạn rút tiền ra trong những năm đầu, số tiền lấy ra được sẽ không đáng kể, đặc biệt là trong 2 năm đầu gần như không rút được. Đơn giản vì số tiền bạn đóng vào chưa đủ thời gian để Công ty có thể sinh đủ lợi nhuận để bù đắp các rủi ro nếu không may khách hàng gặp phải, vì giá trị bồi thường bảo hiểm thường cao gấp 10 đến gấp 100 lần số tiền bạn đóng vào mỗi năm. Còn nếu bạn tham gia và đóng tiền đầy đủ thì khoảng từ năm thứ 10 trở đi, tài khoản bảo hiểm của bạn sẽ bắt đầu có lãi.
Nếu bạn muốn rút tiền (kể từ năm thứ 3 trở đi) bạn thường rút được tối đa khoảng 80% giá trị hoàn lại (là khoản tích lũy từ số tiền bạn đóng vào sau khi đã trừ đi chi phí rủi ro, chi phí quản lý...). Còn 20% Công ty sẽ giữ lại để tiếp tục bảo vệ bạn, trường hợp bạn muốn rút 100% thì hợp đồng tất nhiên sẽ chấm dứt và bạn sẽ không còn được bảo vệ nữa.
Khi đã quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ thì bạn cần nhớ rằng mình đang bỏ tiền ra để được bảo vệ lâu dài trước những bất trắc không lường trước của cuộc sống. Còn nếu bạn vẫn muốn vừa gửi tiền có lãi, vừa rút tiền dễ dàng lại vừa được chi trả bảo hiểm trong các trường hợp ốm đau, tai nạn, tử vong... thì chắc chắn sẽ không có một tổ chức kinh doanh nào làm được điều này.

No comments